Quốc tế

5 điểm tương đồng giữa hai thảm kịch rơi máy bay Boeing

Giới phân tích đã chỉ ra nhiều điểm tương đồng giữa hai vụ rơi máy bay 737 MAX 8 của hai hãng hàng không Ethiopian Airlines và Lion Air khiến hơn 300 người thiệt mạng trong chưa đầy 6 tháng.

Máy bay Trung Quốc nuôi tham vọng ‘đánh chiếm’ thị phần của Boeing 737 Max / Boeing sẽ làm gì với chiếc 737 Max trước làn sóng tẩy chay?

5 điểm tương đồng giữa hai thảm kịch rơi máy bay Boeing - 1

Hai vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX 8 xảy ra cách nhau chưa đầy 6 tháng. (Ảnh: Getty)

Khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thông báo dừng hoạt động đối với toàn bộ dòng máy bay Boeing 737 MAX, cơ quan này cho biết đã phát hiện một số điểm tương đồng giữa hai vụ rơi máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines tại Ethiopia hôm 10/3 và của hãng hàng không Lion Air tại Indonesia vào tháng 10/2018.

>> Xem thêm: Máy bay Trung Quốc nuôi tham vọng ‘đánh chiếm’ thị phần của Boeing 737 Max

Ngày 17/3, Bộ Giao thông Ethiopia một lần nữa khẳng định dữ liệu thu được ban đầu từ hai hộp đen của máy bay Ethiopia cho thấy những điểm tương đồng với vụ rơi máy bay tại Indonesia trước đó 6 tháng.

>> Xem thêm: Boeing sẽ làm gì với chiếc 737 Max trước làn sóng tẩy chay?

Chuyến bay mang số hiệu 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã rơi vào buổi sáng ngày 10/3 sau khi cất cánh từ thủ đô Addis Ababa, Ethiopia để tới Nairobi, Kenya.

Vụ tai nạn khiến toàn bộ 157 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, máy bay chở theo hành khách từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nhân viên của Liên Hợp Quốc.

>> Xem thêm: 45 quốc gia cấm bay với Boeing 737 Max 8 sau 2 tai nạn thảm khốc

Trước đó, ngày 29/10/2018, chuyến bay mang số hiệu 610 của hãng hàng không Lion Air đã rơi xuống biển Java, Indonesia sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta. Máy bay dự kiến sẽ thực hiện hành trình kéo dài 1 giờ đồng hồ tới Pangkal Pinang trên đảo Bangka. Toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.

>> Xem thêm: Thượng viện Mỹ điều tra các vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX

Mặc dù cả FAA và Ethiopia đều không cung cấp thông tin chi tiết, song CNN đã chỉ ra một số điểm tương đồng giữa hai thảm kịch hàng không này.

Cùng dòng máy bay

737 MAX 8 là dòng máy bay mới, được Boeing, nhà sản xuất máy bay khổng lồ của Mỹ, ra mắt khoảng 2 năm trước đây. Boeing cũng sản xuất dòng MAX 9 và đang có kế hoạch phát triển dòng MAX 7 và MAX 10.

Theo FAA, có khoảng 350 chiếc Boeing 737 MAX 8 đang hoạt động trên toàn thế giới, thuộc sở hữu của 54 nhà điều hành.

Trang web của Boeing cho biết 737 MAX là dòng máy bay bán chạy nhất trong lịch sử Boeing với khoảng 5.000 đơn hàng từ hơn 100 khách hàng trên toàn thế giới.

Tổng thống Donald Trump ngày 13/3 thông báo chính quyền Mỹ đã ra lệnh dừng bay đối với toàn bộ dòng 737 MAX 8 và 737 MAX 9. Ngoài Mỹ, hàng loạt quốc gia khác cũng tuyên bố đình chỉ hoạt động của dòng Boeing 737 MAX.

Cùng một phần mềm

Cả hai máy bay gặp nạn của Ethiopian Airlines và Lion Air đều được trang bị phần mềm bay tự động có tên Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS), một công nghệ tương đối mới đối với các máy bay dòng MAX của Boeing.

MCAS là hệ thống cho phép tự động hạ thấp mũi máy bay xuống khi nhận được thông tin từ cảm biến góc tấn rằng máy bay đang bay quá chậm hoặc quá dốc và có nguy cơ thất tốc.

Cảm biến góc tấn là thiết bị nằm bên ngoài, cung cấp thông tin cho hệ thống máy tính trên máy bay về góc của mũi máy bay với luồng khí đang đi qua và dưới cánh máy bay, từ đó giúp xác định xem liệu máy bay có bị thất tốc hay không.

Jean-Paul Troadec, cựu lãnh đạo bộ phận điều tra tai nạn máy bay của Pháp, cho biết ông nhận thấy có lỗi trong hệ thống MCAS của Boeing.

“Tôi nghĩ thiết kế của hệ thống này chưa ổn vì máy bay chỉ trông cậy vào một cảm biến. Khi cảm biến bị lỗi, hệ thống tất nhiên sẽ không hoạt động. Trong trường hợp này, phi công sẽ gặp khó khăn trong việc làm chủ hệ thống”, Troadec nói.

Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg ngày 18/3 cho biết phần mềm cập nhật và tài liệu đào tạo phi công cho dòng 737 MAX sẽ “sớm” được công bố và khắc phục những lo ngại nảy sinh từ sau vụ rơi máy bay tại Indonesia.

Rơi ngay sau khi cất cánh

Máy bay của Ethiopian Airlines rơi chỉ 6 phút sau khi cất cánh, trong khi máy bay của Lion Air gặp nạn sau khi cất cánh 13 phút.

Phi công giàu kinh nghiệm

Thông báo của Ethiopian Airlines trên Twitter cho biết cơ trưởng lái chiếc Boeing 737 MAX 8 có 8.100 giờ bay, còn cơ phó có 350 giờ bay.

Theo thông báo của Lion Air, cơ trưởng điều khiển máy bay Boeing 737 MAX 8 gặp nạn của hãng có hơn 6.000 giờ bay, trong khi cơ phó cũng có hơn 5.000 giờ bay.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, một cơ quan của Liên Hợp Quốc, khuyến cáo các phi công lái máy bay thương mại có số giờ bay tối thiểu là 150 giờ. Trong khi đó, FAA yêu cầu các phi công lái máy bay thương mại có số giờ bay là 1.500 giờ.

Đều thông báo sự cố

Theo Giám đốc điều hành Ethiopian Airlines Tewolde GebremMariam, trước khi xảy ra tai nạn, phi công lái chiếc Boeing 737 MAX 8 đã thông báo về việc gặp một số khó khăn và yêu cầu đưa máy bay quay trở về sân bay. Vào thời điểm phi công được cho phép quay trở lại sân bay, máy bay cũng biến mất khỏi màn hình radar.

Báo cáo sơ bộ của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia cho biết các phi công điều khiển chiếc Boeing 787 MAX 8 đã chật vật kiểm soát hệ thống tự động của máy bay trong vài phút trước khi máy bay lao xuống biển. Theo báo cáo, hệ thống tự động này đã kéo mũi máy bay xuống hơn 20 lần.

Báo cáo của Indonesia cho biết hệ thống MCAS trên máy bay Boeing gặp nạn đã hoạt động dựa trên dữ liệu sai lệch do cảm biến góc tấn chuyển tới. Một ngày trước đó, một phi hành đoàn khác cũng đã gặp phải vấn đề tương tự trên chuyến bay từ Denpasar tơ Jakarta, tuy nhiên các phi công đã tắt hệ thống MCAS và vận hành máy bay bằng tay.

1
Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm