Quốc tế

A-4 Skyhawk Mỹ sống sót hy hữu sau khi bị SA-2 Việt Nam bắn nát đuôi

DNVN - Cường kích A-4 Skyhawk do Hoa Kỳ chế tạo được đánh giá là một trong những máy bay chiến đấu tin cậy và bền bỉ nhất lịch sử hàng không quân sự.

Lính xe tăng Nga học tập chiến thuật phòng ngự của Quân đội Syria / Trình độ chế tạo trọng pháo hải quân của Trung Quốc đã vượt xa Nga

A-4 Skyhawk là chiếc máy bay chiến đấu cận âm một chỗ ngồi do hãng Douglas chế tạo, nó thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 22/6/1954, chính thức ra mắt tháng 10/1956, đã có tổng cộng 2.960 chiếc A-4 xuất xưởng trong giai đoạn 1954 - 1979.

Do kích thước nhỏ, triển khai được trên tàu sân bay cũ từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai mà loại cường kích hạm này trở nên rất phổ biến trong cả Hải quân lẫn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ.

Chiếc A-4 Skyhawk được ghi nhận đã xuất hiện trên nhiều hàng không mẫu hạm hoạt động ngoài khơi Việt Nam, cũng như tại các sân bay đất liền để tham gia những chiến dịch phá hoại cơ sở hạ tầng của miền Bắc.

Cường kích A-4 Skyhawk bị bắn nát đuôi bởi tên lửa phòng không Việt Nam. Ảnh: War History Online.

Cường kích A-4 Skyhawk bị bắn nát đuôi bởi tên lửa phòng không Việt Nam. Ảnh: War History Online.

Ngoài khả năng vận hành tin cậy, cường kích A-4 Skyhawk còn nổi tiếng là có độ ổn định rất cao, bền bủ không thua gì những chiếc "xe tăng bay" A-10 hay Su-25 sau này, đặc biệt là vẫn có thể hoạt động được nếu bị trúng đạn phòng không của đối phương.

Lịch sử Không quân Hải quân Mỹ ghi nhận, vào ngày 25/4/1967, chiếc A-4E Skyhawk số khung 151102, số hiệu NP225 thuộc Phi đoàn cường kích số 212 - Không đoàn không quân hạm số 21 (VA-212, CVW-21) mang tên Rampant Raiders được điều động cho một nhiệm vụ đánh phá miền Bắc.

Khi bay vào bầu trời Việt Nam, chiếc A-4 trên đã bị tên lửa phòng không SA-2 (S-75 Dvina) của Tiểu đoàn 71 - Trung đoàn tên lửa 285 - Sư đoàn phòng không 363 (đoàn tên lửa Nam Triệu) bắn trọng thương ở khu vực Hải Phòng.

Cường kích A-4 Skyhawk trên đường rút chạy được chụp lại từ một máy bay khác cùng biên đội. Ảnh: War History Online.

Cường kích A-4 Skyhawk trên đường rút chạy được chụp lại từ một máy bay khác cùng biên đội. Ảnh: War History Online.

 

Đáng ngạc nhiên là mặc dù bị bắn tan phần đuôi nhưng máy bay vẫn không mất điều khiển, nó không bị rơi tại chỗ mà vẫn lết được ra biển, tránh cho phi công được nhận một suất an dưỡng tại "Khách sạn Hilton Hà Nội".

Khi về gần đến tàu sân bay USS Bon Homme Richard (CVA-31) thì động cơ của chiếc A-4 này bốc cháy, phi công điều khiển máy bay là Trung úy Al.R.Crebo quyết định không mạo hiểm hạ cánh mà nhảy dù và được 1 tàu khu trục hộ tống cứu thoát.

Mặc dù không cứu thành công máy bay nhưng đây vẫn được đánh giá là một phi vụ thoát hiểm khó tin của cường kích A-4 Skyhawk.

Hiện nay mặc dù bị Mỹ loại biên từ đầu thế kỷ 21 nhưng Skyhawk vẫn còn phục vụ trong Hải quân Brazil. Năm 1997, họ đã mua lại cả phi đội 23 chiếc A-4KU từ Kuwait rồi nâng cấp và định danh lại là AF-1, dự kiến chúng còn "tại ngũ" tới tận năm 2025, tức là nửa thế kỷ sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc.

 

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm