Anh hợp lực Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ khiến siêu trực thăng T129 ATAK "nằm đất"
Trong khi Mỹ chưa chính thức ra lệnh cấm bán tiêm kích tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ thì Ankara đã hứng chịu đòn trừng phạt từ Anh liên quan đến thương vụ mua sắm tổ hợp tên lửa phòng không S-400.
Đi tìm tuần dương hạm mang trực thăng đầu tiên của Pháp / Trực thăng tấn công Ka-52: Tổ hợp hàng không bậc nhất của Nga
Trang Ahval của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, do việc mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga mà Ankara đã gặp vấn đề nghiêm trọng trong hợp tác với một số doanh nghiệp quân sự lớn của Anh và Mỹ.
Cụ thể, Anh và Mỹ đã từ chối cung cấp loại động cơ cần thiết cho Thổ Nhĩ Kỳ để trang bị cho các máy bay trực thăng tấn công T129 ATAK do nước này phát triển.
Hệ lụy đầu tiên của tình trạng trên là Thổ Nhĩ Kỳ không thể hoàn thành hợp đồng cung cấp cho Pakistan, về lâu về dài là sự phá sản của cả một chương trình vũ khí quy mô.
Đáng chú ý là Anh không đưa ra lý do cho việc ngừng cung cấp động cơ trực thăng, đồng thời cũng không công bố các lệnh trừng phạt mà Ankara phải đối mặt, nhưng theo nhận định thì London đang phối hợp chặt chẽ với Washington nhằm gây sức ép lên Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể lựa chọn phương án mua động cơ Ukraine để thay thế, tuy nhiên rất khó cho họ bởi chính quyền Kiev sẽ phải nhìn nét mặt của Mỹ để quyết định.
Trực thăng T129 ATAK do hãng AugustaWestland (Italia) và Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) hợp tác phát triển cho nhiệm vụ chống tăng - thiết giáp, chi viện hỏa lực bộ binh...
T129 thực ra là bản phái sinh dựa trên A129 Mangusta do AugustaWestland phát triển cho Không quân Italia. Máy bay sử dụng chủ yếu hệ thống điện tử hàng không tối tân, hệ thống vũ khí, máy tính nhiệm vụ, hệ thống phòng vệ do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
Cơ bản thì cách bố trí hỏa lực trên T129 tương đồng với các mẫu trực thăng tấn công AH-64 Apache (Mỹ) hay Mi-24, Mi-28 (Nga). Mũi máy bay được trang bị một ụ pháo nòng xoay 3 nòng cỡ 20mm với 500 viên đạn.
Hai bên hông máy bay được bố trí 2 cánh nhỏ với 4 điểm treo cho phép mang 1.150 kg vũ khí bao gồm rocket, tên lửa chống tăng, tên lửa không đối không và thậm chí cả bom phá.
Trực thăng T-29 không được trang bị hệ thống radar sóng mm như trên AH-64D hay Mi-28NM mà chỉ có tổ hợp ngắm quang điện dùng để trinh sát, dẫn đường tên lửa đặt ngay trước mũi, trên ụ pháo 20 mm.
Buồng lái trực thăng tấn công T129 thiết kế với 2 chỗ ngồi (phi công và sĩ quan điều khiển vũ khí - hoa tiêu), nhưng không rõ buồng lái này có được bọc giáp chống đạn không?
Trực thăng tấn công T129 ATAK của Thổ Nhĩ Kỳ có chiều dài 12,2 m; chiều cao 3,4 m; đường kính rotor chính 11,9 m; trọng lượng cất cánh tối đa 5.000 kg
Máy bay được lắp 2 động cơ LHTEC CTS800-4A do liên doanh Rolls-Royce của Anh và Honeywell của Mỹ chế tạo, cho tốc độ tối đa 278 km/h, tốc độ hành trình 269 km/h, trần bay 6.096 m, tầm bay 1.000 km, vận tốc leo cao 14 m/s.
Với đòn trừng phạt mới nhất, Mỹ cho thấy họ có thể gây ra cho Thổ Nhĩ Kỳ rất nhiều thiệt hại, không chỉ riêng với tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 mà còn nhiều vũ khí khác cũng bị ảnh hưởng.
Nếu Mỹ làm rắn, dự kiến toàn bộ phi đội tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ gồm hàng trăm chiếc cũng phải nằm đất, đây rõ ràng là thiệt hại quá lớn khi đặt cạnh lợi ích mà S-400 mang lại.
Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo