Quốc tế

Anh hy vọng cung cấp tên lửa tầm xa nhất cho Ukraine

Anh và một nhóm các đồng minh châu Âu đang hy vọng dẫn đầu nỗ lực cung cấp tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine – loại tên lửa mà Mỹ từ chối gửi tới Kiev. Giới chuyên gia nhận định điều này có thể cho phép quân đội của họ tấn công sâu vào bán đảo Crimea do Nga sáp nhập.

Cách hệ thống Patriot giúp Ukraine vượt qua “siêu tên lửa” Kinzhal của Nga / Koalitsiya-SV lộ đòn xa và nhanh hơn pháo Mỹ

Theo trang The Guardian (Anh), một tài liệu do Anh soạn thảo đã kêu gọi các nhà sản xuất vũ khí phương Tây cung cấp tên lửa hoặc rocket có tầm bắn 100-300 km cho Quỹ Quốc tế để viện trợ cho Ukraine, cùng với sự tham gia của Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển .

Tập đoàn Quốc phòng châu Âu MBDA cho rằng thông số kỹ thuật và năng lực mẫu vũ khí mà Anh nêu trong đề xuất giống với tên lửa Storm Shadow tối tân, có tầm bắn trên 250 km - vốn được nhà sản xuất vũ khí này chế tạo cho Quân đội Anh và Pháp. Storm Shadow có vận tốc tối đa 1.000 km/h, đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 250-560 km tùy biến thể.

Một quan chức Anh giấu tên cho hay các yêu cầu về tên lửa mà Anh đề xuất khá giống với Storm Shadow. Quan chức này nhấn mạnh chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra về việc cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine. Song đề xuất này được coi là bước quan trọng để Anh cung cấp tên lửa có tầm bắn xa nhất từ trước tới nay cho Ukraine.

Anh kêu gọi các nhà sản xuất vũ khí cung cấp các tên lửa có tầm bắn lên tới 300km, chẳng hạn như Storm Shadow, cho Ukraine. Ảnh: AFP/Getty Images

Anh kêu gọi các nhà sản xuất vũ khí cung cấp các tên lửa có tầm bắn lên tới 300km, chẳng hạn như Storm Shadow, cho Ukraine. Ảnh: AFP/Getty Images

Giới lãnh đạo Ukraine từ lâu đã kêu gọi phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa giúp Kiev tấn công các căn cứ quân sự và trung tâm hậu cần của đối phương ở sâu phía sau tiền tuyến. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã từ chối cung cấp cho Kiev vũ khí có thể tấn công bên trong lãnh thổ Nga.

Trước đó, các tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc hé lộ hồi cuối tháng 2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phàn nàn với Tướng Valeriy Zaluzhny, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, rằng Kiev “không có tên lửa tầm xa có khả năng vươn tới các điểm triển khai quân đội Nga ở lãnh thổ nước này”.

Trong khi đó, các bệ phóng tên lửa HIMARS có độ chính xác cao mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine sử dụng tên lửa có tầm bắn ngắn hơn nhiều, chỉ khoảng 70 km. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần từ chối cung cấp cho Ukraine biến thể tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa hơn, có tầm bắn khoảng 300 km, vì lo ngại động thái này có thể làm leo thang xung đột.

Về phần mình, giới quan sát nhận định Anh có khả năng sẽ không muốn là nước đầu tiên gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine, nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. Hồi tháng 2, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết nước này sẽ là quốc gia đầu tiên cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.

 

Các nguồn tin cho biết Kiev rất hy vọng vào điều đó. Và các nhà lãnh đạo của Ukraine có thể cam kết sẽ không sử dụng loại tên lửa này để tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga, hay sử dụng chúng để hỗ trợ chiến dịch phản công nhằm buộc Moskva phải từ bỏ Crimea và các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát.

Ông Ben Hodges, cựu Tướng chỉ huy của Quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết ông tin rằng Hạm đội Biển Đen của Nga sẽ rời Sevastopol nếu Ukraine sở hữu Storm Shadow. Theo ông, đây là một trong những tiền đề để Ukraine giành lại Crimea từ Nga. Vị tướng về hưu lập luận Tổng thống Zelensky và các nhà lãnh đạo Ukraine khác “không muốn đánh mất lòng tin của phương Tây” bằng cách sử dụng tên lửa tầm xa vượt quá giới hạn đã thỏa thuận.

Trong khi đó, ngay cả khi Vương quốc Anh và các đối tác châu Âu dẫn đầu nỗ lực gửi tên lửa tầm xa hơn cho Ukraine, một vấn đề khác mà họ gặp phải đó là chi phí. Mỗi tên lửa hành trình này ước tính trị giá khoảng 2,5 USD, một khoản chi đáng kể đối với Quỹ Quốc tế. Quỹ này chỉ còn 404 triệu USD trong số 656 triệu USD huy động lần đầu từ Anh và các đối tác khác.

Tên lửa Storm Shadow được sản xuất tại Stevenage do Anh và Pháp phối hợp phát triển. Tên lửa này được sử dụng lần đầu trong cuộc chiến Iraq hồi năm 2003 và đã được Anh sử dụng trong một số trường hợp để tấn công các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq.

Anh là nước viện trợ quân sự cho Ukraine nhiều thứ 2 sau Mỹ, với lượng vũ khí trị giá khoảng 2,5 tỷ USD. Giới chức Anh hồi tháng 1 thông báo chuyển 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, động thái mở đường cho Mỹ, Đức và một số quốc gia khác viện trợ xe tăng chủ lực tới Kiev.

 

Về phần mình, Moskva nhiều lần cảnh báo việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài xung đột mà không thay đổi kết quả gì. Điện Kremlin cũng cảnh báo viện trợ quân sự gây ra nguy cơ leo thang căng thẳng hơn, đặc biệt nếu vũ khí phương Tây được sử dụng để tấn công các thành phố của Nga hoặc cố gắng chiếm lãnh thổ Nga.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm