Apple đẩy nhanh kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc
Vũ khí mới của Nga bảo vệ tàu chiến trước cuộc tấn công của tên lửa và UAV / Đại bác Nga tập trung hỏa lực, khói lửa trùm kín mục tiêu
Nguồn tin của WSJ cho biết, Apple đang yêu cầu các nhà cung cấp lập kế hoạch tích cực hơn cho việc chuyển lắp ráp các sản phẩm của Apple sang những nơi khác ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam. Động thái này của Apple là nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà lắp ráp Đài Loan mà dẫn đầu là Foxconn.
Từ lâu, các giám đốc điều hành của Apple đã nhận thấy có nhiều rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều năm qua họ vẫn chưa làm được gì nhiều để giảm bớt rủi ro đó vì đây vẫn là nơi cung cấp lực lượng lao động dồi dào, có trình độ, chính trị ổn định và thị trường tiêu thụ nội địa khổng lồ.
Nhưng sự hỗn loạn mới đây tại Trịnh Châu, nơi được gọi là thủ phủ của iPhone, đã khiến Apple phải đẩy nhanh kế hoạch này. Tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, nơi đặt nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới do Foxconn điều hành có đến 300.000 công nhân làm việc. Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, riêng nhà máy này đã sản xuất khoảng 85% dòng iPhone và các sản phẩm khác.
Nhưng cuộc đình công vào tháng 11 vừa qua đã làm suy yếu vị thế của trung tâm sản xuất này. Sản lượng iPhone trong quý IV chỉ đạt khoảng 70-75 triệu chiếc, thấp hơn 10 triệu chiếc so với ước tính. Theo Bloomberg, Apple dự kiến vụ việc này khiến hãng thiếu hụt khoảng 6 triệu chiếc iPhone Pro.
Biến động này đã khiến Apple cảm thấy không yên tâm khi có quá nhiều hoạt động kinh doanh bị ràng buộc vào một nơi.
"Trước đây mọi người không để ý đến những rủi ro khi tập trung vào một nơi", Alan Yeung, cựu giám đốc điều hành của Foxconn nói và cho rằng thương mại tự do đang trở thành một điều bình thường và mọi thứ rất dễ đoán. "Đã đến lúc chúng ta cần phải bước vào một thế giới mới", ông nói.
Apple đang thu hút nhiều nhà lắp ráp hơn tham gia vào chuỗi cung ứng, ngay cả tại Trung Quốc. Theo những người có liên quan đến chuỗi cung ứng, hai nhà cung cấp khác của Apple là Luxshare Precision Industry và Wingtech Technology đang chuẩn bị có thêm hoạt động kinh doanh mới.
Hồi đầu năm, Luxshare cho biết, một số khách hàng điện tử tiêu dùng mà họ không nêu tên đang lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc do các biện pháp chống dịch Covid-19. Những khách hàng này đang muốn Luxshare mở rộng hoạt động ra ngoài Trung Quốc nhiều hơn. Luxshare là công ty đầu tiên sản xuất AirPods cho Apple. Từ năm 2019, công ty này đã đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất sang Việt Nam với 6 nhà máy tại Bắc Giang và Nghệ An.
Tình trạng hỗn loạn này cũng tác động đến lợi nhuận của Apple, khiến hãng công nghệ này càng phải cấp bách đa dạng hóa sản xuất và chuyển ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đang chậm lại, việc tuyển dụng khó khăn khiến Apple gặp khó trong việc thuê ngoài và tìm kiếm các nhà cung cấp mới.
Mặt khác, Apple và Trung Quốc đã gắn bó nhiều thập kỷ trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Vì vậy, việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc không thể diễn ra trong ngày một ngày hai. Mỗi năm Apple đều tung ra các mẫu iPhone mới cùng với các bản cập nhật của iPad, máy tính và các sản phẩm khác. Do đó, cho tới khi tìm được nơi mới, WSJ cho rằng, Apple sẽ vẫn tiếp tục duy trì sản xuất tại đây.
"Việc tìm được tất cả các mảnh ghép để xây dựng một quy mô như Apple mong muốn là điều không dễ dàng", bà Kate Whitehead, cựu giám đốc điều hành của Apple hiện là chủ sở hữu công ty tư vấn chuỗi cung ứng, cho biết.
Theo Ming-chi Kuo, nhà phân tích tại TF International Securities, mục tiêu dài hạn của Apple là tăng lượng cung ứng sản phẩm iPhone từ các nhà máy ở Ấn Độ lên 40-45% so với mức một con số hiện nay. Đồng thời, các nhà cung cấp ở Việt Nam sẽ đẩy mạnh thêm mảng sản xuất AirPods, đồng hồ thông minh và máy tính xách tay cho Apple.
End of content
Không có tin nào tiếp theo