Quốc tế

Armata không phải là cỗ tăng có cỡ nòng lớn nhất

Theo National Interest, dù xe tăng thế hệ mới T-14 Armata rất mạnh nhưng nó không phải là dòng tăng mạnh nhất của Nga.

Nhận định trên được báo Mỹ đưa ra khi nói về những dòng tăng đáng sợ nhất của Liên xô trước đây và Nga hiện nay. Đứng đầu tiên là T-14 Armata, những dòng tăng tiếp theo lần lượt là T-90, T-72, T-54/55... Tuy nhiên, sức mạnh hỏa lực khủng khiếp nhất lại là tăng T-95.

Tăng Armata.

Báo Mỹ cho rằng, chính T-95 - cỗ tăng được phát triển từ thời Liên xô mới sở hữu sức mạnh khủng khiếp nhất với trang bị khẩu pháo chính có cỡ nòng lên tới 152mm. Ngoài ra,báo Mỹ còn chỉ rahai vấn đề lớn mà T-14 Armata vẫn phải tiếp tục hoàn thiện nhằm tạo ra ưu thế trước các đối thủ đến từ NATO, đó là sức mạnh hỏa lực và độ cơ động.

Kích thước lẫn trọng lượng cơ sở của T-14 đều lớn hơn T-80 và T-90, do vậy theo dự tính ban đầu, động cơ của T-14 phải đạt công suất máy 1.500 - 2.000 mã lực, cung cấp tốc độ tối đa lên tới 70 - 90 km/h, tầm hoạt động tối thiểu 500 km. Phương án tối ưu cho động cơ của Armata khó có lựa chọn thay thế nào khác ngoài việc lắp đặt loại turbine khí, vì nó đáp ứng tốt cả hai yêu cầu về kích thước nhỏ gọn lẫn mức độ sinh công.

Nhưng cho tới thời điểm hiện tại nền công nghiệp quốc phòng Nga chưa đủ khả năng sản xuất động cơ turbine khí đảm bảo chất lượng, toàn bộ cơ sở vật chất đang nằm trên đất Ukraine do sự phân công lao động từ thời Liên bang Xô Viết. Với tình hình căng thẳng chính trị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc đặt mua mặt hàng này từ Kiev là điều không thể.

Cùng với tạp chí Mỹ, Đại úy Stefan Buhler từ Hiệp hội sĩ quan xe tăng Thụy Sĩ cũng thẳng thắn cho rằng, xe tăng T-14 Armata của Nga không hề mang tính cách mạng. Cụ thể, T-14 Armata không phải là cái gì đó mang tính cách mạng, nhưng dù sao vẫn vượt trước ngành chế tạo xe tăng phương Tây chừng 3-5 năm.

Rõ ràng các chuyên viên Nga là những người đầu tiên đưa vào cấu trúc tháp không có người, làm cho cỗ xe chiến đấu trở nên nhẹ nhàng hơn và do vậy di chuyển linh hoạt hơn. Những công nghệ khác cũng không thực sự là mới mẻ, nhưng trong tổng hòa với nhau lại tạo thành nhánh mới. Khác với các nhà quân sự phương Tây, người Nga rất thực dụng.

Nhưng điều gây bất ngờ nhất về Armata lại do đích thân Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Uralvagonzavod, Alexander Potapov tuyên bố hiện tại, loại đạn chuyên dùng cho Armata 152mm có thể xuyên tấm thép dày 1m vẫn chưa được sản xuất. Trước đó chính ông Potapov tiết lộ, loại đạn công nghệ cao này đã được sản xuất hồi năm 2017

Một khi loại pháo 152mm được Nga tích hợp trên tăng Armata, điều đó đồng nghĩa với việc siêu tăng này sở hữu loại pháo lớn nhất thế giới bởi hiện nay, tăng Abrams của Mỹ có cỡ nòng 120mm, tăng chủ lực Challenger 2 của Anh với pháo chính L30A1 120mm và trên dòng tăng Đức cũng chỉ có cỡ nòng 120 mm.

Nhưng thời điểm cụ thể loại đạn chuyên dụng và nòng pháo 152mm ra đời và được tích hợp lên cỗ tăng Armata, chính các chuyên gia Nga cũng không thể có câu trả lời chính xác.

Theo Đan Nguyên/Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo