Quốc tế

Bài toán của ngành công nghệ Trung Quốc trong kỷ nguyên mới

Khi nền kinh tế số 2 thế giới bắt đầu mở cửa nhiều lĩnh vực thị trường thì các 'ông lớn' công nghệ Trung Quốc cũng tìm hướng vươn ra biển lớn toàn cầu.

Nếu có ai đặt câu hỏi rằng, đâu là biểu tượng cho sự bùng nổ ngành công nghệ Trung Quốc thì nhiều người sẽ không ngần ngại chỉ vào Thâm Quyến. Từ một làng chài nghèo cách đây hơn 40 năm, Thâm Quyến đã trở thành công xưởng lắp ráp hơn 90% sản phẩm đồ điện tử trên toàn cầu. Nhiều tên tuổi công nghệ hàng đầu của quốc gia tỷ dân như Huawei, ZTE và Tencent đều lấy Thâm Quyến làm trụ sở. Cho đến tận bây giờ, không ít nhân tài công nghệ từ khắp Trung Quốc vẫn tìm tới đây để nuôi dưỡng giấc mơ khởi nghiệp

Ông Liam Casey, Giám đốc điều hành hãng thiết kế PCH, Thâm Quyến cho biết: "Những người đến đây khởi nghiệp đều có ước mơ lớn. Nó có một hệ sinh thái nguyên vật liệu khổng lồ, lực lượng lao động chất lượng cao và cả logistics thuận lợi".

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, bước sang kỷ nguyên mới, khi nền kinh tế số 2 toàn cầu bắt đầu mở cửa nhiều lĩnh vực thị trường thì các "ông lớn" công nghệ Trung Quốc cũng đang bắt đầu phải tìm hướng vươn ra biển lớn toàn cầu, thay vì tiếp tục trông chờ vào sự hậu thuẫn trong nội địa. Tiếp nối thành công của những Huawei hay TCL, các tên tuổi hiện nay như Alibaba và Tencent đều đang nỗ lực tìm đường lấn sân sang các thị trường lân cận, trong đó có Đông Nam Á.

Sau khi Alibaba thâu tóm nền tảng thương mại điện tử Lazada của Indonesia với giá 2 tỷ USD, Tencent cũng đã mạnh tay đầu tư vào đối thủ khác là Shopee thông qua công ty con Sea. Trong cuộc chiến dịch vụ gọi xe, Didi Chuxing đã trở thành cổ đông vào Grab, còn ứng dụng giao hàng Meituan lại chọn Go-jek làm đối tác.

Nóng bỏng nhất có lẽ là thị trường thiết bị di động khi bất chấp cú vấp của Huawei, hàng loạt thương hiệu Trung Quốc khác như Xiaomi, Oppo và OnePlus, với lợi thế giá rẻ và mẫu mã đa dạng đang thách thức thế độc tôn của hai ông lớn Samsung- Apple tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ và châu Phi.

Theo một khảo sát gần đây của BCG, gần 60% lãnh đạo giới công nghệ Trung Quốc hiện nay đều đang tin rằng, mở rộng ra thế giới chính là hướng đi quan trọng nhất, bất chấp những thách thức không nhỏ trong tương lai.

Theo Trung tâm Tin tức VTV24/VTV

loading...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo