Bán đảo Triều Tiên thành "chiến trường" của cạnh tranh quyền lực Mỹ - Trung
Triều Tiên cảnh báo: “Mỹ đừng thử thách sự kiên nhẫn của chúng tôi” / Triều Tiên cảnh báo Mỹ: Đã đến lúc từ bỏ chính sách thù địch
Lãnh đạo Trung-Triều gặp nhau trong một chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh (Ảnh: EPA-EFE)
Chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên của ông Tập Cận Bình
Theo kế hoạch, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Triều Tiên chính thức đầu tiên kéo dài 2 ngày từ ngày mai. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới thăm Bình Nhưỡng trong 14 năm qua, kể từ năm 2005.
Trong một bài viết đăng tải trên báo Rodong Sinmun của Triều Tiên vào hôm nay, ông Tập đã cam kết ủng hộ hết mình đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và cũng hứa đóng một vai trò tích cực trong nỗ lực mang đến hòa bình và sự ổn định tới khu vực.
“Bất kể tình hình thế giới thay đổi thế nào”, Trung Quốc vẫn “chắc chắn ủng hộ Chủ tịch Kim Jong-un lãnh đạo đảng Triều Tiên và nhân dân Triều Tiên để thực hiện chiến lược mới”, bài báo viết.
Ngoài bày tỏ mong muốn của hai bên nhằm tăng cường “các trao đổi và thông tin chiến lược”, ông Tập cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục ủng hộ Bình Nhưỡng trong các cuộc đàm phán với các quốc gia khác.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho hòa bình, sự ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực bằng việc tăng cường hợp tác và kết nối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”, ông Tập nói.
Trước đó, ngày 18/6, Nhân dân Nhật báo của đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết trên tài khoản chính thức mạng xã hội rằng ông Tập sẽ thảo luận hợp tác kinh tế và thương mại với ông Kim trong chuyến thăm này.
Dẫn lời Zheng Jiyong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Fudan tại Thượng Hải, tờ báo cho hay Bình Nhưỡng đã thực hiện các bước cải cách nền kinh tế và giới thiệu các giới thiệu các chính sách đổi mới công nghiệp của Trung Quốc.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Bắc Kinh đã đề xuất xây dựng một tuyến đường sắt nối thành phố Đan Đông ở tỉnh Liêu Ninh (đông bắc Trung Quốc) tới Bình Nhưỡng và sau đó là đến Seoul và Busan tại Hàn Quốc, cũng như một tuyến đường mới giữa Đan Đông và Bình Nhưỡng đi qua thành phố Sinuiju của Triều Tiên.
Chiến trường ngoại giao căng thẳng
Những bình luận của ông Tập diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang vướng vào cuộc chiến thương mại và công nghệ với Mỹ, và sau hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 2 mà không đạt được thỏa thuận chung.
Phát biểu 2 ngày trước chuyến thăm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 18/6 cho biết kết quả của thượng đỉnh Trump-Kim lần hai “gây bất ngờ” và rằng Trung Quốc khuyến khích cả hai bên tiếp tục đối thoại.
Tổng thống Trump hồi tuần trước cho hay ông đã nhận được một “bức thư đẹp” từ ông Kim, vốn “thay đổi” giọng điệu giữa hai bên. Hồi tháng 5, ông nói Bình Nhưỡng “chưa sẵn sàng đàm phán”.
Một trong những cản trở lớn của quá trình đàm phán là vấn đề các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Bình Nhưỡng nói rằng các lệnh trừng phạt nên được dỡ bỏ như một điều kiện tiên quyết của quá trình giải trừ hạt nhân, trong khi Washington khẳng định các lệnh trừng phạt vẫn được giữ nguyên cho tới khi nào Bình Nhưỡng cung cấp bằng chứng rõ ràng cho thấy tiến trình này đang diễn ra.
Trong khi đó, Mỹ cáo cuộc Trung Quốc cung cấp các khoản hỗ trợ lớn cho Triều Tiên để giúp giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt.
Thời báo Hoa nam Buổi sáng dẫn lời Zhao Tong, một chuyên gia tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua, cho rằng mặc dù mục đích chính chuyến thăm của ông Tập là nhằm tái khẳng định quan hệ với Bình Nhưỡng, nhưng thời điểm của chuyến thăm, diễn ra giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, là nhằm thể hiện Bắc Kinh vẫn có vai trò trong các cuộc đàm phán hạt nhân.
“Khi sự đối đầu chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, Trung Quốc vẫn muốn khẳng định sự ảnh hưởng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Bằng việc chứng tỏ quan hệ đặc biệt với Triều Tiên vào thời điểm cả Washington và Seoul đều không thể nối lại các hoạt động trao đổi cấp cao với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh muốn nói với Washington rằng Trung Quốc vẫn là một đối tác không thể thiếu nhằm giải quyết các vấn đề khu vực”, ông Zhao nói.
Chuyến thăm của ông Tập diễn ra chỉ một tuần trước khi ông dự định gặp ông Trump bên lề thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản.
Các nhà phân tích cho rằng bán đảo Triều Tiên đã trở thành một chiến trường ngoại giao căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.
Cha Du-hyeogn, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt giành ảnh hưởng trên bán đảo.
“Mỹ và Trung Quốc đang tìm kiếm vùng ảnh hưởng tới hơn trong khu vực. Sau thượng đỉnh Trump-Kim lần 1 tại Singapore năm ngoái, Mỹ và Triều Tiên trở thành các bên chính duy nhất trong các vấn đề của bán đảo. Trung Quốc muốn phục hồi sự ảnh hưởng và trở thành người chơi lớn”, ông Cha nói.
Mỹ đã bày tỏ các hoài nghi về việc Trung Quốc tuân thủ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi đầu tháng này, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã trao cho người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa các bức ảnh và ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Triều Tiên vận chuyển dầu mỏ gần bờ biển Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng ông Tập sẽ tìm các sử dụng chuyến thăm Bình Nhưỡng lần này để thúc đẩy tầm ảnh hưởng ngoại giao trên mặt trận hạt nhân của Triều Tiên, khẳng định vai trò của mình trong việc đối phó với Mỹ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này