Quốc tế

Bản đồ năng lượng toàn cầu được vẽ lại như thế nào?

Nhiều yếu tố tiềm ẩn đang và sẽ tiếp tục tác động tới thị trường năng lượng toàn cầu. Vậy bản đồ năng lượng sẽ được vẽ lại như thế nào?

Quản lý thị trường Thanh Hoá: Tăng cường công tác quản lý hàng hoá dịp Tết Quý Mão / Độc đáo quất bonsai chào Tết Quý Mão 2023

Hiện nay, về cơ bản, nhiều nước châu Âu đã tích trữ đủ khí đốt cho mùa Đông năm nay. Song có nhiều yếu tố tiềm ẩn đang và sẽ tiếp tục tác động tớithị trường năng lượng. Cuộc chiến tại Ukraine không chỉ làm thay đổi trật tự thế giới mà đã và đang tạo ra những thay đổi trên bản đồ năng lượng toàn cầu.

Trong bối cảnh Nga - nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất cho Liên minh châu Âu (EU) khóa van các đường ống vận chuyển, châu Âu đã và đang tiếp cận các nhà cung cấp khí đốt lớn từ Mỹ, Na Uy, Algerie, các nhà sản xuất khí hóa lỏng từ Trung Đông, châu Phi; đồng thời nỗ lực chuyển đổi năng lượng tái tạo.

Như Na Uy đã tăng 8% sản lượng khai thác khí đốt trong năm ngoái và trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu tại châu Âu kể từ tháng 2/2022. Về phần mình, Nga chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang châu Á, đặc biệt là các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ. Những động thái của Nga sẽ định hình lại bản đồ năng lượng toàn cầu.

Tham vọng của Nga là sẽ hợp nhất cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt trên khắp miền Đông và miền Tây nước Nga thành một hệ thống duy nhất, mở rộng phạm vi bao phủ mạng lưới khí đốt ở các khu vực và trung tâm công nghiệp của Đông Siberi.

Vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu

Nhập khẩu dầu Ural của Nga vào châu Âu đã giảm mạnh trong năm 2022. Nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga vào EU, Na Uy, Anh đã giảm 80%, tương đương khoảng 1,36 triệu thùng/ngày trong tháng 11, 12 vừa qua. Nhập khẩu khí đốt của Nga vào EU trong năm 2022 đã giảm từ 55% hồi đầu năm xuống mức gần bằng 0.

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Chúng tôi đã hành động và chúng tôi đã hành động thành công. Chúng tôi đã đưa ra kế hoạch năng lượng RePowerEU nhằm giảm 2/3 nhu cầu khí đốt của Nga trước cuối năm 2022".

Để loại bỏ phụ thuộc năng lượng từ Nga, châu Âu đã chuyển sang sử dụng các loại dầu thô từ Na Uy, Mỹ, Saudi Arabia, tăng mua khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, Qatar, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng tái tạo bằng việc ký kết thỏa thuận với các nước Nam Kavkaz; thông qua kế hoạch hỗ trợ năng lượng tái tạo trị giá 28 tỷ Euro hay mới nhất là thỏa thuận hợp tác giữa Đức và Na Uy.

Bản đồ năng lượng toàn cầu được vẽ lại như thế nào? - Ảnh 1.

Nhiều yếu tố tiềm ẩn đang và sẽ tiếp tục tác động tới thị trường năng lượng. Ảnh minh họa.

Về phần mình, Nga đẩy mạnh chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang châu Á. Vận chuyển dầu thô qua đường biển của Nga tới các đối tác châu Á tiếp tục được duy trì, chiếm tới hơn 71% tổng lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga trong tháng 12/2022. Ấn Độ là điểm đến hàng đầu với 1,1 triệu thùng/ngày, Trung Quốc là 800.000 thùng/ngày.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa biết đi về đâu và cũng chưa biết đến khi nào mới kết thúc, nhưng rõ ràng là bàn cờ năng lượng thế giới đang được vẽ lại. Dòng chảy từ Nga sang các thị trường châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục. Mỹ, Trung Đông, Angola, Brazil, Na Uy và Venezuela đang chuyển sản lượng sang châu Âu

Nhưng cho đến nay, việc giải tỏa "cơn khát" của châu Âu chủ yếu rơi vào tay các quốc gia vùng Vịnh, với lượng xuất khẩu sang châu Âu trong tháng 8 tăng lên 1,2 triệu thùng/ngày, so với 500.000 thùng/ngày vào tháng 2.

Sang năm 2023, với ít hoặc không còn dầu và khí đốt của Nga, châu Âu có thể sẽ cần nhiều hơn nữa từ Mỹ vì vùng Vịnh đang dần cạn kiệt. Các thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) như Iraq và Kuwait, đang sản xuất ít hơn so với mức đã cam kết. Chỉ có Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là có khả năng tăng sản lượng.

Sự mất cân đối về nguồn cung năng lượng đe dọa tạo ra những bất ổn mới trên thị trường toàn cầu.

 

Trung Quốc định hình liên minh năng lượng mới

Theo nhận định của các nhà quan sát thị trường, trong những biến động trên thị trường năng lượng toàn cầu năm 2022, Mỹ và Trung Quốc là những nước hưởng lợi nhiều nhất.

Tháng 9/2022, Mỹ xuất khẩu mức kỷ lục 6,4 triệu thùng sản phẩm dầu tinh luyện/ngày, tăng 1 triệu thùng/ngày so với năm ngoái. Trong năm 2022, EU nhập khẩu thêm 60% khí đốt hóa lỏng của Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc mua được năng lượng từ Nga với giá chiết khấu nhưng Trung Quốc còn đi xa hơn. Trong bối cảnh bản đồ năng lượng thế giới dịch chuyển, Trung Quốc đặt mục tiêu định hình một trật tự năng lượng mới bằng việc gắn đồng Nhân dân tệ trong giao dịch năng lượng với Nga và trong giao dịch với khu vực Trung Đông.

Cuộc gặp của nhà lãnh đạo Trung Quốc với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Saudi Arabia vào tháng 12/2022 đã đánh dấu sự chấp nhận rộng rãi hơn đối với petroyuan (các nước mua dầu mỏ sẽ dùng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc để trả cho các nước xuất khẩu dầu).

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: "Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn dầu từ các nước vùng Vịnh và mở rộng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng. Trung Quốc cũng sẽ tận dụng tối đa sàn Giao dịch Năng lượng Quốc tế Thượng Hải như một nền tảng để thực hiện thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch dầu khí".

Saudi Arabia xuất khẩu 7,3 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trung Quốc mua 25% lượng dầu xuất khẩu của nước này. Nếu lượng dầu đó được mua bằng Nhân dân tệ, đồng tiền của Trung Quốc đương nhiên sẽ có vị thế khác.

"Hợp tác kinh tế đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng. Saudi Arabia rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc và Trung Quốc cung cấp cho nước này một thị trường ổn định để xuất khẩu dầu mỏ. Ngay từ đầu, đó là một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi", bà Tang Tianbo - Viện Nghiên cứu Trung Đông, Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc cho hay.

Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, rất quan tâm đến việc thiết lập các hợp đồng dầu mỏ giao dịch bằng Nhân dân tệ. Không chỉ vậy, Bắc Kinh còn nung nấu kế hoạch giới thiệu chuẩn dầu riêng của mình - chuẩn dầu Thượng Hải, để cạnh tranh với các chuẩn dầu Brent và WTI. Theo các chuyên gia, để làm được điều đó, Trung Quốc trước tiên sẽ cần thuyết phục các nhà sản xuất dầu lớn và người tiêu dùng sử dụng đồng Nhân dân tệ và đầu tư vào chuẩn dầu Thượng Hải.

Điều đó có cơ sở khi các quốc gia Nga, Iran và Venezuela chiếm 40% trữ lượng dầu của OPEC+ và tất cả họ đang bán dầu cho Trung Quốc với mức chiết khấu cao. Trong khi các nước Vùng vịnh chiếm 40% trữ lượng, 20% còn lại nằm ở các khu vực mà Nga và Trung Quốc có thể tạo ảnh hưởng.

 

Giá dầu có thể đạt100USD/thùng

Hiện giá khí đốt trên thị trường giao ngay đã trở lại mức của tháng 2/2022 trước khi cuộc chiến Nga, Ukraine bắt đầu và giá dầu đã trở lại mức của tháng 1/2022.

Có thể thấy bước đi của những nước như Nga, Trung Quốc chưa gây tác động lớn nhưng với việc các nước G7 áp giá trần với năng lượng của Nga từ tháng 12/2022 và Nga chuyển mạnh dòng dầu và khí sang phía Đông, cho thấy nguy cơ mất cân đối nguồn cung năng lượng năm 2023 hiển hiện rất rõ.

Bản đồ năng lượng toàn cầu được vẽ lại như thế nào? - Ảnh 2.

Bàn cờ năng lượng thế giới đang được vẽ lại. Ảnh minh họa.

Tình hình năng lượng trong năm 2023 được cho sẽ là một thách thức đối với nhiều nước. Về xu hướng thị trường dầu năm 2023, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế dầu đang trong xu thế giảm trước những nỗi lo về nền kinh tế Trung Quốc và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin ở Trung Đông đang cho rằng giá 75 USD/thùng là giới hạn mà Saudi Arabia có thể chấp nhận và họ sẽ làm mọi cách để giá dầu không xuống dưới mốc này.

 

Tuy nhiên, nhìn vào quá trình thích ứng với COVID-19 của các quốc gia thời gian qua, các dự báo cho rằng việc tái mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc sẽ đi vào ổn định vào giữa năm và khi đó nhu cầu dầu sẽ có sự gia tăng đáng kể.

Cơ quan năng lượng quốc tế IAE hiện vẫn dự báo nhu cầu dầu của thế giới trong năm 2013 sẽ tăng thêm 1,7 triệu thùng/ngày so với năm ngoái. Còn một số tổ chức nghiên cứu thị trường cho rằng nếu nền kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái thì giá dầu sẽ đạt 110 USD/thùng vào giữa năm nay.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm