Quốc tế

Báo Mỹ: Tàu sân bay Trung Quốc bội phần nguy hiểm khi bổ sung J-20

Nhằm tăng cường sức mạnh cho hàng không mẫu hạm của mình, Trung Quốc có thể sớm cho ra đời biến thể hải quân của tiêm kích tàng hình J-20.

Tàu sân bay thứ 4 của Trung Quốc có thể chạy bằng năng lượng nguyên tử / Khám phá hệ thống tên lửa đánh chặn mang tên “Thợ săn tầm thấp” của Trung Quốc

Để thay thế các máy bay chiến đấu J-15 đang phục vụ trên tàu sân bay, một phiên bản trên hạm của tiêm kích tàng hình J-20 dự kiến sẽ sớm được Bắc Kinh phát triển.

Chiếc chiến đấu cơ này sẽ được sử dụng như một máy bay tấn công tầm xa chống mục tiêu mặt nước - mặt đất, bên cạnh đó nó còn đảm nhiệm vai trò phòng không cho hạm đội, đây là nhận xét từ tạp chí National Interest của Mỹ.

Theo số liệu công khai, trọng lượng rỗng của tiêm kích tàng hình thế hệ năm J-20 là 21 tấn, nếu tính thêm nhiên liệu và vũ khí, nó sẽ nặng tới tới 37 tấn. Tờ báo Mỹ cho rằng máy bay sẽ phải cất cánh từ tàu sân bay trang bị máy phóng.

Hiện tại Hải quân Trung Quốc không có khả năng như vậy, nhưng theo báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ về sự phát triển của quân đội Trung Quốc, Bắc Kinh có thể đưa vào biên chế tàu sân bay đầu tiên có trang bị máy phóng vào năm 2022.

Tiêm kích J-20 do Trung Quốc sản xuất có thể sớm được giới thiệu ở một phiên bản mới, được thiết kế để chiếm ưu thế trên không và tiến hành những cuộc tấn công tầm xa bằng tên lửa không đối không hạng nặng.

Giới phân tích cho rằng, sau khi được đưa vào biên chế trong Hải quân Trung Quốc, phiên bản trên hạm của máy bay chiến đấu tàng hình J-20 sẽ khiến tàu sân bay Trung Quốc trở thành một phương tiện tác chiến cực kỳ đáng gờm.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan tới vấn đề Đài Loan cũng như với chính sách bành trướng của mình, Bắc Kinh sẽ tích cực sử dụng chúng để thể hiện sức mạnh trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết thêm, có thể vào giữa những năm 2030, Trung Quốc sẽ cân bằng số lượng hàng không mẫu hạm với Hải quân Mỹ, cho dù kế hoạch dài hạn của họ chỉ là đóng mới tổng cộng 6 tàu sân bay.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng J-20 khó có khả năng trở thành máy bay chiến đấu trên hạm. Thực tế là tại Trung Quốc, họ đang cố gắng nghĩ đến dự án J-31 - vốn được định vị là một tiêm kích đặt trên boong tàu.

Chiếc J-20 bị cho là quá nặng nề và cồng kềnh, rất khó hoạt động tốt trên tàu sân bay, kể cả khi hàng không mẫu hạm Trung Quốc đã được trang bị máy phóng, chiếc J-31 nhỏ gọn tỏ ra là lựa chọn hợp lý hơn nhiều.

Nhưng vào thời điểm hiện tại, ngay cả chiếc J-31 cũng chưa sẵn sàng, nó bị đánh giá là một bản thiết kế còn nhiều thiếu sót và đang phải chỉnh sửa rất nhiều chi tiết, sẽ còn khá lâu nữa dòng chiến đấu cơ này mới có thể hiện diện trên boong tàu sân bay.

Bởi vậy sự lo lắng của tờ tạp chí Mỹ về việc tiêm kích tàng hình thế hệ năm J-20 được trang bị cho những tàu sân bay cỡ lớn với lượng giãn nước quanh mức 100.000 tấn của Hải quân Trung Quốc vẫn tỏ ra tương đối thừa thãi.

Thay vào đó, có lẽ người Mỹ nên cảnh giác hơn với phiên bản trên hạm của tiêm kích tàng hình thế hệ năm Su-57 Felon do Nga chế tạo, nhất là khi Moskva khẳng định họ sẽ sớm cho ra mắt biến thể hải quân của nó.

Nhưng trái ngược với Trung Quốc, khó khăn lớn nhất của Hải quân Nga không nằm ở tiêm kích hạm, họ đang gặp vướng mắc trong việc chế tạo một tàu sân bay hoàn toàn mới nhằm thay thế chiếc Đô đốc Kuznetsov đã quá cũ kỹ.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm