Báo Mỹ: Vũ khí ‘cây nhà lá vườn’ của Ukraine phát huy sức mạnh kinh ngạc, QĐ Nga 'bầm dập'
Nga nêu nguyên nhân rút quân khỏi vùng Kiev, chờ đợi một điều ở ông Zelensky để kết thúc chiến sự / NÓNG: Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc giới chức Nga muốn sát hại Tổng thống Ukraine Zelensky
Theo tạp chí Forbes (Mỹ), để đánh bật các phương tiện quân sự của Nga, lực lượng Ukraine đã phải phục kích dọc theo các tuyến đường- đôi khi trong nhiều ngày – trước khi bắn tên lửa và nhanh chóng tẩu thoát.
Đó là chiến thuật cơ bản mà Ukarine đã áp dụng trong bối cảnh "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine vẫn tiếp diễn. Họ đã mang tới những tổn thất nặng nề cho Kremlin.
Không thể xác định được con số chính xác nhưng các đội ATGM (tên lửa chống tăng) cơ động nhanh của Ukraine chắc chắn đã hạ gục hàng trăm xe tăng, cùng các phương tiện khác. Các cuộc phục kích bằng tên lửa có lẽ đã gây ra tỷ lệ thiệt hại đáng kể trong số 2.000 khí tài mà các nhà phân tích bên ngoài xác nhận rằng Nga đã thiệt hại kể từ khi mở rộng cuộc chiến ở Ukraine từ đêm 23/2.
Tên lửa Stugna-P dẫn đường bằng laser (do Ukraine sản xuất) đã tỏ ra đặc biệt hiệu quả. Theo Forbes, đây là một diễn tiến mà không ai cảm thấy ngạc nhiên.
Với giá chỉ 20.000 USD một set, rẻ hơn tên lửa Javelin (178.000 USD/set). Loại tên lửa này được sản xuất tại Ukraine và được thanh toán bằng nội tệ, vì vậy quân đội Ukraine có thể đã mua được hàng nghìn tên lửa loại này. Tính riêng trong năm 2018, Ukraine đã trang bị 2.500 tên lửa Stugna-P.
Tên lửa chống tăng Stugna-P. Ảnh: ukrinform
Trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, Kyiv đã chuyển hướng sang sử dụng Stugna-P, vốn ban đầu chỉ phục vụ cho mục đích xuất khẩu với các khách hàng tiềm năng bao gồm Algeria, Morocco và Saudi Arabia. Có thể thấy mục đích này thể hiện rõ trong các video quảng bá hoạt động của Stugna-P ở Ukraine. Nhiều bảng điều khiển trong video vẫn hiển thị chữ viết Ả Rập.
Stugna-P có một tính năng quan trọng. Người điều khiển có thể bắn tên lửa gắn trên giá ba chân từ xa, thông qua một bộ điều khiển. Tính năng này giúp bảo vệ kíp vận hành.
Lực lượng Ukraine có thể bố trí tên lửa Stugna-P đường kính 130mm dọc theo con đường di chuyển của các đơn vị quân sự Nga, sau đó khởi động hệ thống và theo dõi bất cứ cuộc tấn công nào từ một địa điểm riêng biệt.
Tuy nhiên, tiếp cận mục tiêu gần hơn sẽ cho phép tên lửa đạt độ chính xác cao hơn. Do đó, không phải vô cớ mà các binh sĩ Ukraine đã học cách tiếp cận gần mục tiêu, kiên nhẫn chờ đợi rồi nhanh chóng rút đi sau khi tấn công.
Vào giữa tháng 3, một nữ trung úy quân đội Ukraine nói với tờ New York Times rằng nhóm Stugna-P của cô đã phục kích suốt 3 ngày để bắn 1 phát bắn duy nhất vào đoàn xe Nga.
Tên lửa chống tăng Corsar. Ảnh: en.uos.ua
Ngoài Stugna-P, một đội ATGM của Ukraine được trang bị tên lửa Corsar [cỡ nhỏ hơn nhưng cũng được dẫn đường bằng laser] - đã tiết lộ chiến thuật tương tự trong một video được chia sẻ trên internet vào khoảng ngày 30/3.
Lực lượng Ukraine dùng tên lửa Corsar tấn công đoàn xe Nga
Sử dụng một chiếc máy bay không người lái thương mại để giám sát, kíp vận hành gồm 4 người đã bắn tên lửa Corsar từ một ngọn cây, chờ tên lửa đánh trúng mục tiêu, sau đó nhanh chóng cầm bệ phóng, tên lửa dự phòng chạy nhanh qua cánh đồng tới một chiếc xe bán tải dân sự đang đậu gần đó để tẩu thoát.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xem xét các cuộc đột kích ATGM trong bối cảnh cụ thể. Các cuộc tấn công theo kiểu ‘đánh rồi chạy’ của Ukraine có thể làm suy yếu sức mạnh một nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn của Nga, nhưng các đội tên lửa nhỏ, được vũ trang hạng nhẹ không thể giữ vững được lâu, và họ nhìn chung cũng không cố gắng làm điều đó.
Các đội ATGM rất dễ bị lực lượng đối phương càn quét. Một lý do lớn khiến quân đội Ukraine thành công với tên lửa của họ là do phía Nga tham chiến với quá ít bộ binh.
Để phòng thủ hoặc giành lại một địa bàn từ Nga, Ukraine vẫn cần tới bộ binh được hỗ trợ bởi hỏa lực pháo và xe tăng. Đây là những lực lượng không buộc phải rút lui sau khi khai hỏa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo