Bên trong tàu ngầm tên lửa Nga khiến Mỹ - NATO 'lạnh gáy'
Tàu ngầm Mỹ mắc kẹt trong băng gần căn cứ hải quân Nga? / Nga nâng cấp căn cứ tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương ở Kamchatka
Đầu năm nay, trong một bài viết về các tàu ngầm mang tên lửa đáng sợ nhất thế giới, tạp chí National Interest (NI) của Mỹ đã liệt kê tàu ngầm mang tên lửa hành trình lớp Yasen của Nga là "mối đe dọa đối với lục địa Mỹ".
Lý do NI đưa ra là do tàu ngầm lớp Yasen có khả năng hoạt động "siêu yên tĩnh", tốc độ cao, "cảm biến cực kỳ mạnh" và quan trọng nhất, chúng có thể mang tới 32 tên lửa hành trình 3M-14K Kalibr (đầu đạn thông thường/hạt nhân) với tầm bắn trên 2.500km.
NI tính toán rằng, các tàu ngầm lớp Yasen, gồm tàu Severodvinsk và Kazan có thể dễ dàng áp sát bờ biển phía đông của Mỹ, chỉ cách 2.000km và tấn công lục địa của nước này, phạm vi tấn công có thể xa tới tận Great Lakes (hay Ngũ Đại Hồ).
Quả thực, nếu những chiếc tàu này áp sát trong phạm vi 1.000km hoặc thấp hơn, thì chúng có thể tấn công xa tới tận Chicago hoặc thậm chí là St.Louis.
Tuy nhiên, theo hãng tin Sputnik, thật may mắn cho St. Louis, học thuyết hạt nhân của Nga chưa thay đổi: Moscow sẽ không tiến hành tấn công hạt nhân phủ đầu trong bất cứ trường hợp nào, mà chỉ dùng vũ khí hạt nhân như phương sách cuối cùng trong trường hợp bí tấn công trước, hoặc để đáp trả cuộc tấn công quy mô lớn bằng vũ khí thông thường.
Trở lại với tàu ngầm Severodvinsk. Hẳn sẽ có nhiều người tò mò về nội thất bên trong con tàu, điều kiện sống của thủy thủ, nhiệm vụ nào được thuyền trưởng đánh giá là nhiệm vụ chính của tàu? Sputnik đã tìm đáp án cho những câu hỏi này thông qua chuyến thăm tàu Severodvinsk của nhà báo Andrei Stanavov.
Các thủy thủ trên tàu ngầm Severodvinsk. Ảnh: Sputnik/ Andrei Stanavov
Theo đó, sau khi đi qua một chuỗi các cửa hầm và thang sẽ đến phòng điều khiển - nơi các thủy thủ giám sát hệ thống gồm nhiều màn hình máy tính, đóng vai trò như "bộ não" của tàu ngầm.
"Nhiệm vụ chính của chúng tôi là bảo vệ các tàu ngầm tên lửa chiến lược"- Đại tá cấp 1 Rank Roman Sanarchuk, chỉ huy con tàu, cho hay - "Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo khả năng sống sót của chúng khi chiến đấu. Ví von như máy bay thì chúng (các tàu ngầm) là máy bay ném bom hạng nặng, chúng tôi là các máy bay chiến đấu và tấn công hợp nhất làm một.
Nếu kẻ thù dám 'nhe nanh vuốt', thì chúng tôi sẽ tiến tới và phát động các cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác - hay tên lửa hành trình Kalibr".
Kalibr - dòng tên lửa chống tàu mặt nước, chống ngầm và tấn công mặt đất, ra mắt vào năm 2015, khi những chiếc tàu từ hạm đội Caspi nhỏ bé nhưng đáng gờm của Nga bắn đi hàng chục tên lửa nhằm vào các mục tiêu khủng bố cách xa 1.500km tại Syria.
Kể từ sau đó, các tên lửa này được Nga sử dụng thêm nhiều lần, phóng từ tàu mặt nước và tàu ngầm, trong đó có tàu Severodvinsk.
Phòng điều khiển đóng vai trò như "bộ não" của tàu ngầm. Ảnh: SPUTNIK / ANDREY STANAVOV
"Họ có lý do để sợ chúng tôi"
Ông Sanarchuk cho biết, mỗi năm trôi qua, việc giấu mình khỏi tai mắt thám thính của NATO lại trở nên khó khăn hơn, do NATO đã cải tiến mạng lưới giám sát chống ngầm rộng khắp, và các máy bay tuần thám Poseidon của Mỹ thường xuyên cất cánh từ các sân bay của Na Uy để săn lùng tàu ngầm Nga.
Thật may mắn khi liên minh phương Tây phần lớn chưa thông thạo tính năng của tàu ngầm lớp Yasen, điều đó khiến họ phải đặc biệt chú ý tới chúng.
"Họ có lý do để sợ chúng tôi" - Vị chỉ huy nói - "Con tàu này có độ ồn rất thấp, thấp hơn nhiều so với hầu hết các tàu ngầm nước ngoài.
Tên lửa hành trình cho phép nó tấn công ở khoảng cách xa, chúng tôi có thể phát hiện các mục tiêu tiềm năng trước khi chúng kịp phát hiện ra chúng tôi.
Bên cạnh đó, con tàu sẽ sớm được nâng cấp để mang theo tên lửa siêu vượt âm. Điều này sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực của nó".
Hàng tháng trời dưới lòng biển
Trái tim hạt nhân của tàu Severodvinsk, với công suất 250.000 mã lực, cho phép con tàu dài 139m, lượng giãn nước 13.800 tấn này đạt tới vận tốc 31 hải lý/h (tương đương 57km/h).
Với phạm vi hoạt động không giới hạn và khả năng dự trữ hành trình chỉ phải phụ thuộc vào lương thực và các yêu cầu bảo trì, Severodvinsk có thể hoạt động trong thời gian dài dưới biển. Trong năm ngoái, đợt triển khai của tàu Severodvinsk đã kéo dài tới 150 ngày.
Trợ lý cấp cao cho chỉ huy của tàu ngầm Severodvinsk. Ảnh: SPUTNIK / ANDREY STANAVOV
Mạng an-ten hình cầu đồ sộ phía trước của tàu đủ lớn và mạnh để "nhìn" và "nghe ngóng" môi trường xung quanh. Để nhường chỗ cho mạng an-ten này, các ống phóng lôi của tàu đã chuyển từ mũi tàu xuống bố trí ở khoang số 2 - đây là giải pháp kỹ thuật "chưa từng có tiền lệ" trong lĩnh vực chế tạo tàu ngầm Nga.
Cùng với tên lửa Kalibr, tàu Severodvinsk có thể mang theo các tên lửa hành trình chống tàu lớp Onyx.
Vũ khí bí mật
Ngoài hỏa lực mạnh mẽ, phạm vi hoạt động không giới hạn và tính tăng tàng hình, chìa khóa để dẫn tới mức độ hoạt động hiệu quả của tàu ngầm luôn luôn là kíp thủy thủ.
Phòng ngủ của thủy thủ trên tàu. Ảnh: SPUTNIK / PAVEL LVOV
Đại tá Sanarchuk cho biết trong thời gian rảnh khi làm nhiệm vụ, các thủy thủ thường tìm cách giải tỏa căng thẳng. Đối với những chuyến đi dài, các cabin trên tàu được trang bị ti vi và nhiều bộ phim kỹ thuật số.
Các thủy thủ có 4 bữa ăn trong ngày, gồm nhiều món ăn đa dạng và 100g rượu vang đỏ cho bữa trưa.
"Đối với bữa sáng, chúng tôi luân phiên có cháo, trà, cà phê, phô mai, bánh mì với phô mai và xúc xích. Chúng tôi tự pha cà phê. Khi chúng tôi ra biển thì sẽ có thêm bữa trà tối và chúng tôi sẽ làm các loại bánh, như bánh táo, pizza, bánh kếp..." - Đầu bên của tàu Fanur Gazizullin cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo