Bệnh nhân đại phẫu u não vẫn nói chuyện, hát quốc ca trong cuộc mổ
Trong suốt 6 tiếng phẫu thuật khối u não với đường kính lên đến 6cm, ở rất gần các vùng chức năng quan trọng (ngôn ngữ, vận động), bệnh nhân chỉ “ngủ” trong khoảng 4 tiếng. 2 tiếng còn lại, người bệnh thức, nói chuyện, hát, đếm, co tay chân… theo yêu cầu của bác sĩ.
Hà Nội: Người nhà bệnh nhân co ro trong bệnh viện dưới cái rét 9 độ C / Nhiều bệnh nhân nghèo sẽ được BV đưa về quê ăn Tết miễn phí
Chiều 28/1, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh cho biết, ca mổ kéo dài 6 tiếng cho bệnh nhân N.T.K (36 tuổi, Hà Nội) bằng phương pháp thức tỉnh đã thành công. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, các vùng chức năng quan trọng không bị ảnh hưởng.
Trước đó, tháng 4/2018, bệnh nhân N.T.K được mổ khối u tế bào thần kinh đệm tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh (BV Việt Đức). Tuy nhiên, do khối u não nằm ở vùng nhiều chức năng nên các bác sĩ không thể cắt sâu, khoét rộng để lấy hết toàn bộ khối u, do người bệnh có nguy cơ liệt, ảnh hưởng ngôn ngữ… vì khối u nằm sát các vùng chức năng này.
Cũng từ đầu năm 2018, các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật thần kinh ấp ủ tiến hành phương pháp “phẫu thuật thức tỉnh” để có thể can thiệp những trường hợp khối u não sát các vùng chức năng quan trọng. Các bác sĩ đã đi học hỏi chuyên gia Nhật Bản, mời chuyên gia Nhật Bản sang BV Việt Đức hỗ trợ.
“Đây là một ca bệnh khó, với sự tham gia trực tiếp của nữ bác sĩ người Nhật Kotoe Kamata và nam bác sĩ gây Takashi Maruyam. Hai chuyên gia yêu cầu bệnh nhân phải nói được tiếng anh, để trong quá trình phẫu thuật thức tỉnh, bác sĩ - bệnh nhân có thể trao đổi nhanh, trực tiếp không cần phải qua phiên dịch mới có thể đảm bảo phát hiện ngay nguy cơ khi chạm vào các vùng chức năng quan trọng”, PGS Hệ cho biết.
Để tiến hành ca phẫu thuật thức tỉnh, bác sĩ gây mê - phẫu thuật cần có sự phối hợp vô cùng nhịp nhàng. Theo đó, chỉ ở những vùng phẫu thuật an toàn không chạm vào vùng chức năng, họ mới cho bệnh nhân “ngủ” để giảm căng thẳng. Còn khi phải xử lý khối u ở vùng nguy cơ, bác sĩ sẽ “đánh thức” bệnh nhân dậy, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn, giao tiếp, làm theo yêu cầu của bác sĩ.
“Bệnh nhân được yêu cầu đếm từ 1 – 10, trả lời các câu hỏi về tên tuổi, gia đình, vận động co, duỗi chân theo yêu cầu của bác sĩ. Khi bác sĩ nói bệnh nhân có thể hát, anh N.T.K đã hát rất nhiều bài, trong đó có bài Quốc ca Việt Nam, bài Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng, bác sĩ vừa can thiệp, vừa theo dõi, nghe tiếng nói, tiếng hát của bệnh nhân để phẫu thuật, đảm bảo kịp thời phát hiện ngay chạm vào vùng chức năng hay không qua những âm thanh, hành động của người bệnh”, PGS Hệ chia sẻ.
Theo PGS Hệ, phương pháp mổ thức tỉnh được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến, như tại Nhật đã áp dụng 20 năm. Phương pháp phẫu thuật này cho phép phát hiện, giảm nguy cơ tai biến như phẫu thuật truyền thống, chạm vào vùng chức năng bệnh nhân có thể liệt, ảnh hưởng ngôn ngữ vĩnh viễn.
Tại Việt Nam, sau ca đầu tiên áp dụng phương pháp này với sự thị phạm của chuyên gia Nhật Bản, các bác sĩ hoàn toàn chủ động, tự tin thực hiện các ca phẫu thuật tiếp theo.
U tế bào thần kinh đệm là loại u hay gặp nhất trong não. Với phương pháp phẫu thuật thức tỉnh sẽ ứng dụng hiệu quả các trường hợp u sát vùng chức năng nói, vận động, nhìn… Ngoài ra một số phẫu thuật động kinh cũng sử dụng phương pháp này.
Các bác sĩ cảnh báo khi có dấu hiệu đau đầu thường xuyên, nhìn mờ, nhìn đôi... bệnh nhân nên đến bệnh viện kiểm tra, chẩn đoán, phát hiện kịp thời u não.
Theo Dân trí
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo