Quốc tế

Bí ẩn căn cứ hải quân ngầm lớn nhất thế giới

Khoảng cuối năm 2019, Hải quân Thụy Điển khiến dư luận bất ngờ khi tuyên bố đưa vào sử dụng lại một “pháo đài” từ thời Chiến tranh Lạnh dưới lòng đất rộng lớn – nơi vốn được xây dựng để chống lại một cuộc tấn công hạt nhân.

Hải quân Nga sắp có thêm tàu chiến cực mạnh / Tàu ngầm Nga phô diễn sức mạnh tại một quốc gia Đông Nam Á trong sự kiện hải quân cực lớn

Sau 15 năm không được sử dụng, căn cứ hải quân Musko cách thủ đô Stockholm gần 70km về phía Nam, lại trở thành một phần của lực lượng vũ trang Thụy Điển. Tháng 9/2019, một buổi lễ tái khánh thành đã được tổ chức, đúng 50 năm sau lễ khánh thành đầu tiên vào năm 1969.

Bộ Quốc phòng Thụy Điển nhấn mạnh việc đưa lực lượng hải quân trở lại căn cứ Musko là động thái phản ánh thay đổi trong chính sách an ninh, bởi tại Musko có “nguồn lực rất quan trọng và độc nhất mà chúng ta có thể phát triển bằng nhiều cách khác nhau”.

Cuộc sống ở Musko

Căn cứ hải quân Musko được đặt tại thị trấn Haninge, phía Đông Thụy Điển. Việc xây dựng căn cứ bắt đầu vào năm 1950 và hoàn thành 19 năm sau đó. Căn cứ được xây ngầm trong lòng núi đá granite rất kiên cố trên đảo Musko, có diện tích khoảng 12 dặm vuông, tương đương hơn 3.000 hecta, một trong những hòn đảo lớn nhất quần đảo Stockholm. Công dân nước ngoài đặc biệt bị cấm đặt chân lên hòn đảo này, chủ yếu là vì sự tồn tại của căn cứ Musko.

Một lối vào căn cứ Musko.

Nhìn từ bên ngoài, người ta chỉ thấy các hàng rào dây thép và các cột ăng-ten rada. Trong khi đó, trên thực tế Musko là một “mê cung” với các đường hầm và hạ tầng phức tạp. Các đường hầm nhân tạo bao gồm đủ các bến cảng, bến cạn để đón tiếp tàu ngầm và các tàu khác phục vụ việc bảo dưỡng và sửa chữa. Các tàu khu trục cũng có những đường hầm được đào riêng.

Đảo Musko có kiến trúc đá vôi với độ dày lớn. Tổng khối lượng đá trong quá trình xây dựng vượt quá 1,5 triệu mét khối, khiến căn cứ này trở thành cơ sở quân sự trong lòng núi lớn nhất thế giới. Cấu trúc cơ bản của căn cứ bao gồm 3 đường hầm nối ra biển Baltic.

Cả 3 bến cảng của “pháo đài đá” này được khép kín bằng các cửa bảo vệ vững chắc, có thể chịu được áp lực của cuộc tấn công hạt nhân. Căn cứ được thiết kế để 1.000 quân nhân có thể đồn trú. Thời bình, khoảng 800 người làm việc tại căn cứ này.

Trung tâm Musko là một hạ tầng gồm 3 tầng gác, nơi đặt văn phòng chỉ huy và hệ thống rađa tân tiến. Căn cứ Musko được cho là “miễn nhiễm” trước các cuộc tấn công truyền thống. Hạ tầng của Musko có khả năng chống cả bom hạt nhân lẫn bom phá boongke. Đây được đánh giá là một trong những khu phức hợp ngầm lớn nhất thế giới hiện nay, và đặc biệt an toàn cho lực lượng tàu ngầm trong điều kiện chiến tranh hạt nhân.

Các lối vào căn cứ Musko được thiết kế với những cánh cửa sắt nặng hàng chục tấn. Phương tiện di chuyển chính tại căn cứ này là xe buýt. Là một căn cứ hoàn chỉnh, Musko còn có nhiều cơ sở khác phục vụ cho hoạt động của con người như nhà xưởng, phòng ăn, khu dành cho binh sĩ, bệnh viện, khu văn phòng,…

 

Trong Chiến tranh Lạnh, Musko là một cơ sở tuyệt mật song sau sự sụp đổ của Liên bang Xôviết, nhiều bí ẩn về căn cứ này được hé mở với nhiều bức ảnh chụp bên trong được hàng loạt tạp chí như Defence Talks, Military Photos, Pravda… công bố.

Bên trong căn cứ Musko có một đường hầm để neo đậu tàu với chiều dài 250 mét và riêng khu vực bến tàu đậu dài 145 mét. Musko đủ sức chứa các loại tàu chiến và tàu hậu cần như tàu hộ tống HMS Gavle, HMS Sundsvall, tàu tiếp liệu HMS Visborg (trước đây là tàu thả thủy lôi) của hải quân Thụy Điển…

Tàu hộ tống HMS Gavle rời đường hầm.

Sau Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển đã cắt giảm ngân sách quốc phòng, từ khoảng 3% GDP trong những năm 1980 xuống chưa đầy 1% trong những năm 2010. Nhiều trang thiết bị và khí tài bị loại bỏ, trong khi không ít căn cứ bị đóng cửa. Xưởng đóng tàu tại Musko cũng đã được bán cho công ty kỹ thuật Đức Thyssen Krupp.

Công ty quốc phòng Thụy Điển Saab đã mua lại cơ sở trên từ Thyssen Krupp vào tháng 6/2014. Hiện các cơ sở này đang trong tình trạng xuống cấp do nhiều năm bị bỏ hoang. Dự tính, Thụy Điển sẽ phải mất tới vài năm để cải tạo, và hiện đại hóa toàn diện căn cứ này. Theo các nguồn tin, trung tâm chỉ huy ngầm chưa thể hoàn tất quá trình tân trang trước 2021 hoặc 2022.

Mục tiêu dài hơi

 

Mặc dù Musko đã ngừng đóng vai trò trung tâm trong phòng thủ của Thụy Điển vào những năm 1990, song thực tế hải quân nước này chưa bao giờ hoàn toàn rời bỏ hòn đảo này. Cuối năm 2018, một số người Anh và Bỉ ham mê khám phá đã bị bắt sau khi cố tìm cách xâm nhập căn cứ này.

Theo giới quan sát, những tham vọng quân sự của Nga, cụ thể là việc Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014 và cuộc xung đột hiện tại ở miền Đông Ukraine đã thay đổi hoàn toàn tính toán của nhiều quốc gia khu vực. Không ít chính phủ nhận thấy rằng họ đang đứng trước nhiệm vụ khó khăn và lâu dài là xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang của mình.

Kế hoạch tái vận hành căn cứ tại Musko đã được Quốc hội Thụy Điển đưa ra bàn thảo từ năm 2018, và đi đến quyết định đây sẽ là nơi đặt trụ sở chính của Hải quân nước này.

Theo nhiều chuyên gia, pháo đài dưới lòng đất này được hồi sinh nhằm giúp lực lượng vũ trang Thụy Điển điều chỉnh hoạt động để đáp ứng những thách thức do môi trường bên ngoài ngày càng xấu đi. Động thái của Thụy Điển được cho là dựa trên những lo ngại về nguy cơ Nga sử dụng các loại vũ khí mạnh, thậm chí là hạt nhân, mà chỉ có Musko mới có thể đủ sức ứng phó.

Một tàu ngầm của hải quân Thụy Điển bên trong căn cứ Musko.

Trên thực tế, truyền thông Thụy Điển từng nhiều lần công khai nhắc đến “mối đe dọa Nga”. Bộ trưởng Quốc phòng Peter Hultqvist và các quan chức khác cũng không ít lần viện dẫn Nga là nguyên nhân khiến Thụy Điển phải tăng cường sức mạnh quốc phòng.

 

Năm 2014, Stockholm phát hiện một tàu ngầm mini của Nga trong vùng biển của mình, làm dấy lên những lo ngại về toan tính của Nga, đặc biệt là khi ký ức xung quanh vụ tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô mắc cạn ở Karlskrona năm 1981 chưa phai nhạt.

Ngay sau đó, Thụy Điển phát động một chiến dịch lớn để truy tìm và bắt giữ tàu ngầm Nga ở Kanholmsfjarden, thuộc quần đảo Stockholm của nước này. Báo động đã được phát lên sau khi quân đội Thụy Điển phát hiện tín hiệu của tàu ngầm Nga. Các nguồn được xác định là từ tàu ngầm và đơn vị quân đội Nga ở khu vực Kaliningrad.

Cuộc săn lùng tàu ngầm Nga tiếp diễn trong gần 7 ngày song không thu về kết quả cụ thể. Thậm chí Thụy Điển cũng không tìm được bất cứ bằng chứng nào cho thấy tàu ngầm Nga đã hiện diện trong vùng biển nước này.

Báo cáo cuối cùng dài 100 trang về việc tìm kiếm tàu ngầm Nga đã mất tới nhiều tháng để hoàn thiện. Và cũng chính trong khoảng thời gian đó, chính phủ Thụy Điển đã thông qua khoản chi tiêu quốc phòng mới. Lần đầu tiên trong vòng hơn 20 năm, Stockholm quyết định tăng ngân sách quốc phòng từ mức 4,3 tỷ USD năm 2016 lên hơn 5 tỷ USD vào năm 2020.

Một số chuyên gia thậm chí còn nêu lên thuyết âm mưu cho rằng sự thật về vụ săn tàu ngầm năm 2014 sẽ không bao giờ được công bố đầy đủ, song những ồn ào quanh đó đủ để thúc đẩy sự ủng hộ đối với việc Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như khởi đầu quá trình tăng cường chi tiêu quân sự của Stockholm.

 

Thời điểm đó, báo chí Nga, đặc biệt là tờ Rossaya Gazeta cũng cho rằng, mục đích thực sự của chiến dịch tìm kiếm đặc biệt kể trên không phải tìm cho ra tàu ngầm, mà mục tiêu chính là đạt được quyết định tăng ngân sách quốc phòng giai đoạn 2016– 2020 lên thêm gần 1 tỷ USD.

Tại thời điểm thực hiện vụ tìm kiếm, năng lực dò tìm tàu ngầm của Thụy Điển rất yếu, do ngân sách quốc phòng nước này chỉ chiếm 1% GDP và liên tục cắt giảm.

Thụy Điển là nước trung lập, không trải qua cuộc chiến tranh nào trong suốt 200 năm qua, ngân sách chủ yếu dồn cho phúc lợi xã hội. Nhiều ý kiến ở Thụy Điển cho rằng cần phải tăng cường đầu tư cho quốc phòng, nâng cao năng lực dò tìm và săn ngầm. Hải quân Thụy Điển chỉ có 5 tàu hộ tống có khả năng săn ngầm, còn ít hơn cả Na Uy là nước có dân số chỉ bằng nửa Thụy Điển.

Trong lực lượng vũ trang Thụy Điển không có trực thăng săn ngầm, và thậm chí với các tàu săn ngầm hiện tại, Thụy Điển khó lòng dò tìm hiệu quả khi quần đảo Stockholm có đến 30.000 đảo lớn nhỏ cùng hàng trăm lối ra vào cho tàu thuyền.

Trở lực

 

Trước những đòi hỏi về quốc phòng, thực tế Thụy Điển thiếu chi phí để thực hiện các kế hoạch tăng cường lực lượng. Một báo cáo gần đây ước tính Thụy Điển vẫn sẽ thiếu khoảng 4,3 tỷ USD nếu muốn hiện thực hóa tham vọng của các chính trị gia. Thụy Điển hiện đã có kế hoạch chi 6.4 tỉ USD mỗi năm bắt đầu từ năm 2025, và số tiền này dự kiến sẽ tăng thêm vào năm 2030.

Một tàu ngầm của Thụy Điển cạnh cửa ra vào căn cứ hải quân ngầm Musko.

Sau nhiều thập kỷ cắt giảm lớn, nền quốc phòng Thụy Điển bị thu hẹp đáng kể về ngân sách, tàu chiến, máy bay chiến đấu và nhân sự, các chuyên gia quân sự thậm chí còn kết luận rằng Thụy Điển sẽ không thể phòng thủ nếu bị tấn công.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Thụy Điển cho biết vào năm 1990 Thụy Điển đã chi 2,4% GDP cho quốc phòng. Năm 2018, con số tương ứng là khoảng 1%. Từ năm 1990 tới nay, số lượng tàu chiến và máy bay chiến đấu đã giảm 70%, trong khi số lượng các đơn vị tác chiến thực tế trong quân đội đã giảm 90% suốt 30 năm qua.

Việc Thụy Điển trong năm 2019, quyết định tăng mạnh chi tiêu diễn ra song song với biện pháp khác, như việc tái quân sự hóa đảo Gotland ở biển Baltic và việc tái lập các đơn vị quân đội đã ngừng hoạt động. Quốc gia này cũng mạnh tay mua sắm trang thiết bị quốc phòng, cụ thể là đơn đặt hàng 60 máy bay chiến đấu Gripen E - mẫu máy bay chiến đấu Gripen mới, lớn hơn và tiên tiến hơn mẫu hiện đang được sử dụng. Thụy Điển cũng đang gấp rút đóng mới 2 tàu ngầm tại thị trấn Karlskrona thuộc biển Baltic.

Ngoài ra Thụy Điển còn đặt hàng hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, hệ thống đủ sức bắn hạ máy bay chiến đấu và tên lửa đạn đạo. Thỏa thuận ước tính lên tới 4,5 tỷ USD nếu bao gồm bảo trì và nâng cấp trọn đời.

 

Ngoài việc mở rộng quân sự và mua sắm thiết bị, các lực lượng vũ trang Thụy Điển đang nỗ lực tăng cường hợp tác phát triển với một số đối tác. Thụy Điển đã tham gia và tổ chức một số cuộc tập trận với nhiều đối tác quan trọng, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác rộng rãi với các quốc gia như Mỹ, các nước Bắc Âu, Đan Mạch và một số nước thành viên NATO.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm