Bị ngăn cản thương vụ S-400 với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tố Mỹ tống tiền
Ethiopia tuyên bố quốc tang tưởng niệm nạn nhân máy bay rơi / "Tổng thống tự phong" nói 17 người Venezuela thiệt mạng do mất điện
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Washington đe dọa chặn tất cả các nguồn cung cấp vũ khí tiên tiến cho đồng minh trong NATO này nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga.
Theo đó, Mỹ sẽ không bàn giao 100 máy bay tàng hình F-35 mà Ankara mua của Washington và cũng sẽ không xem xét bán các hệ thống tên lửa đất đối không Patriot nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tổ hợp phòng không S-400 do Nga sản xuất, Lầu Năm Góc lên tiếng hôm 9-3.
Cùng ngày, trả lời câu hỏi liên quan đến các mối đe dọa mới nhất của Mỹ, Tổng thống Erdogan lưu ý áp lực của Washington là do đường lối ngày càng độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề quốc phòng và khu vực.
Ông Erdogan nói tại TP Diyarbakir: "Rất rõ ràng tại sao Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không này, mua trong điều kiện gì và sẽ dùng chúng ra sao. Mọi người đều biết rằng vấn đề này không liên quan gì đến cả NATO, dự án F-35 cũng như an ninh của Mỹ. Vấn đề không phải là về S-400. Đó là bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ hành động theo ý muốn của mình trong các vấn đề liên quan đến sự phát triển của khu vực, đặc biệt là ở Syria".
Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí và tăng cường phòng thủ tên lửa và không quân rất quan trọng đối với an ninh quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến Syria đang diễn ra ở biên giới và sau nỗ lực đảo chính quân sự năm 2016.
Ankara cân nhắc việc mua các hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất nhưng Nga đưa ra các điều khoản tốt hơn mà không có ràng buộc nào đối với S-400.
Dĩ nhiên, đây là một đề nghị khó có khách hàng có thể từ chối. Cũng vì động thái này, Mỹ đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nếu tiếp tục triển khai việc mua hệ thống phòng thủ tân tiến S-400 của Nga trị giá khoảng 5,5 tỉ USD. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không hủy bỏ kế hoạch mua tên lửa này.
Washington coi hệ thống phòng không của Nga là mối đe dọa tiềm tàng đối với vũ khí của nước này, đặc biệt là F-35, và khẳng định rằng các thành viên NATO chỉ nên mua từ trong khối để duy trì "khả năng tương tác". Mỹ tin rằng việc bán S-400 là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm phá vỡ liên minh trong lúc phương Tây quan ngại mối quan hệ đang phát triển giữa ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ngoài thương vụ S-400, Ankara và Washington cũng đang cố gắng giải quyết những bất đồng của họ về người Kurd ở Syria, những người mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố nhưng được Mỹ vũ trang trong nhiều năm. Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Nga và Iran, là những nước bảo đảm cho lệnh ngừng bắn ở Syria và đã được thực hiện thành công ở một số khu vực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo