Bức ảnh làm rộ tin đồn “rồng lửa” S-300 Nga lọt vào tay Mỹ
Triều Tiên bắn thử tên lửa, Mỹ-Hàn “toát mồ hôi” vì điều này / Tổng thống Mỹ Trump có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc vào cuối tháng 6
Theo RT, những đồn đoán bắt đầu nổi lên sau khi xuất hiện một bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy một số thành phần của hai hệ thống được cho là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-300PT do Liên Xô thiết kế và chế tạo.
Bức ảnh cho thấy các vật thể được cho là hệ thống kiểm soát hỏa lực 30N6 và hai xe mang phóng tự hành 5P85 xuất hiện tại một căn cứ quân sự của Mỹ. Cả hai thành phần trên đều là một phần của hệ thống tên lửa đất đối không S-300PT.
Hệ thống S-300PT được thiết kế nhằm mục đích bảo vệ các công trình quân sự, công nghiệp và chính quyền trước các cuộc không kích. Hệ thống này được Liên Xô triển khai lần đầu tiên vào năm 1979, sau đó cung cấp cho nhiều quốc gia như Trung Quốc, Algeria, Venezuela, Iran, Ukraine. Các đồng minh NATO như Bulgaria và Slovakia cũng từng tiếp nhận hệ thống S-300 của Nga.
Khi công bố bức ảnh vệ tinh chụp hệ thống phòng thủ tên lửa S-300PT của Nga, blogger chuyên theo dõi tin tức quân sự không tiết lộ vị trí đặt hệ thống này cũng như tình trạng hoạt động của S-300PT hiện nay tại căn cứ Mỹ. Mặc dù blogger đã xóa bức ảnh, song thông tin này vẫn thu hút sự chú ý của truyền thông Nga.
RT dẫn một số nhận định cho rằng việc một số nước thành viên NATO sở hữu hệ thống S-300 của Nga có thể là lý do khiến hệ thống này xuất hiện tại Mỹ.
Theo một số nguồn tin, Mỹ đã giữ lại ít nhất một hệ thống S-300 kể từ đầu thập niên 1990 và hệ thống này do Washington lấy từ tay Belarus trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động sau khi Liên Xô sụp đổ. New York Times năm 1994 từng đưa tin tình báo quân đội Mỹ đã mua “các thành phần” của S-300 trong một thỏa thuận bí mật để nghiên cứu hệ thống này.
Hiện vẫn chưa rõ liệu hệ thống được cho là S-300 của Nga tại Mỹ là phiên bản thật hay mô phỏng, một số hãng truyền thông Nga đồn đoán rằng quân đội Mỹ có thể đang tiến hành các cuộc thử nghiệm để chuẩn bị cho chiến dịch quân sự tại Venezuela, nơi sử dụng hệ thống S-300 để phòng không.
End of content
Không có tin nào tiếp theo