Quốc tế

Bước ngoặt lớn khi phương Tây ép Mỹ cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga

Nhiều nước phương Tây đã đồng tình cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga, thậm chí bằng vũ khí của phương Tây. Không những vậy, các nước này còn gây sức ép để Mỹ chấp nhận cho Ukraine thực hiện điều đó bằng vũ khí Mỹ. Đây sẽ là bước ngoặt lớn cho xung đột Nga - Ukraine.

Lính Ukraine tiết lộ điểm yếu chí tử khiến Abrams chỉ làm mồi cho drone Nga / Mỹ lo ngại Ukraine tấn công trạm radar hạt nhân của Nga

Phương Tây hiện đang gây sức ép với Mỹ, cụ thể là Tổng thống Biden, về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Tổng thống Biden đang thận trọng cân nhắc khả năng này với sức ép từ hai hướng. Một mặt, ông muốn giúp đỡ Ukraine không thua trước Nga; mặt khác, ông không muốn Mỹ và đồng minh rơi vào một cuộc xung đột trực tiếp với đối thủ có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ này.

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Biden đang xích lại gần quyết định mang tính bước ngoặt: Không cấm Ukraine dùng vũ khí Mỹ để bắn vào lãnh thổ Nga.

Áp lực từ đồng minh phương Tây

Các đồng minh phương Tây của Mỹ đã gây nhiều áp lực lên Tổng thống Biden. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào tuần trước nói với tờ Economist rằng chỉ có thể ngăn chặn được việc Ukraine mất lãnh thổ gần Kharkov nếu như Ukraine được tự do tấn công thẳng vào các vị trí pháo binh và bệ phóng tên lửa cũng như chốt chỉ huy bên trong lãnh thổ Nga.

Ông Stoltenberg nói: “Khước từ Ukraine khả năng dùng những vũ khí này để chống lại các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ Nga là điều gây khó cho họ trong việc tự vệ”.

Lính Ukraine nã pháo Caesar (do Pháp sản xuất) về phía vị trí quân Nga gần thị trấn Avdiivak ở tỉnh Donetsk. Ảnh: Reuters.

Lính Ukraine nã pháo Caesar (do Pháp sản xuất) về phía vị trí quân Nga gần thị trấn Avdiivak ở tỉnh Donetsk. Ảnh: Reuters.

Cả Anh và Pháp đều có những phát ngôn tương tự như đương kim Tổng thư ký NATO.

Ngày 28/5/2024, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố cho phép phía Ukraine sử dụng các vũ khí của Pháp gửi cho họ (bao gồm cả tên lửa tầm xa) để tấn công các căn cứ bên trong nước Nga khi các căn cứ đó tấn công vào lãnh thổ Ukraine. Ông chỉ nhấn mạnh là không được tấn công các mục tiêu dân sự hoặc những mục tiêu quân sự khác.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Scholz cũng nói rằng Ukraine được phép tự vệ chừng nào nước này tôn trọng các điều kiện do các nước viện trợ vũ khí cho họ đưa ra, cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế.

Các lằn ranh đỏ trước đây do giới lãnh đạo phương Tây đưa ra trong việc hỗ trợ Ukraine thì nay đều đã bị chính phương Tây vượt qua, bao gồm việc cung cấp xe tăng (đồng ý vào đầu năm 2023) và máy bay tiêm kích F-16 (đồng ý vào mùa hè năm 2023).

 

Theo website Bộ Ngoại giao Pháp, nước này đã cung cấp cho Ukraine một số lượng tên lửa hành trình SCALP. Trung tâm nghiên cứu CSIS cho biết, tên lửa này có tầm bắn lên tới 155km, mang được đầu đạn nổ xuyên mạnh nặng 400kg.

SCALP tương đương với tên lửa Storm Shadow của Anh, cũng đã được cung cấp cho Ukraine.

Ngoài ra Pháp còn cung cấp cho Ukraine một loạt vũ khí khác, bao gồm lựu pháo tự hành Caesar.

Về phần mình, Tổng thống Nga Putin cho rằng Ukraine không thể sử dụng vũ khí tầm xa nếu thiếu sự ủng hộ đáng kể từ phía NATO, và sự tham gia như thế của NATO có thể kích hoạt một “cuộc xung đột toàn cầu”.

Hôm 28/5 khi thăm Uzbekistan, ông Putin nói rằng “vũ khí chính xác tầm xa không thể sử dụng được nếu thiếu trinh sát bằng thiết bị từ vũ trụ”. Bên cạnh đó, theo ông Putin, việc lựa chọn mục tiêu và phóng tên lửa cần được thực hiện bởi những “chuyên gia có kỹ năng cao, dựa trên dữ liệu trinh sát”.

 

Tổng thống Putin cũng cảnh báo rằng các nước châu Âu cần tính đến thực tế họ là những nước diện tích nhỏ và có mật độ dân cư lớn, ám chỉ đòn trả đũa của Nga vào các nước này sẽ có tác động rất mạnh.

Chuyển động trong nội bộ chính quyền Mỹ

Trên thực tế, sau nhiều tháng nhận các lời phàn nàn từ Tổng thống Ukraine Zelensky, Nhà Trắng đã chính thức bắt đầu một cách nhanh chóng quá trình đánh giá lại khả năng mạo hiểm cho phép Ukraine tấn công vào bên trong nước Nga. Nếu Mỹ phê chuẩn cho Ukraine khai hỏa vũ khí Mỹ vào Nga, Kiev sẽ có điều kiện để phản kích lại các vị trí pháo và tên lửa hiện nằm tương đối an toàn bên trong lãnh thổ Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken khi thăm Moldova vào ngày 29/5 tuyên bố công khai để ngỏ khả năng chính quyền ông Biden sẽ “thích ứng và điều chỉnh” quan điểm về việc tấn công vào bên trong nước Nga bằng vũ khí Mỹ. Ông nói, sự thay đổi này sẽ dựa trên tình hình chiến trường Ukraine đã thay đổi.

Đây là lời kêu gọi mới nhất trong nội bộ chính quyền Biden quanh nội dung thay đổi chính sách về vấn đề Ukraine sử dụng vũ khí trong xung đột với Nga.

Trở về từ Kiev trước đó, Ngoại trưởng Blinken báo cáo với Tổng thống Biden rằng Ukraine có thể không giữ được lãnh thổ giữa Kharkov và biên giới Nga trừ phi ông Biden đảo ngược chính sách của mình.

 

Các trợ lý an ninh quốc gia của Tổng thống Biden đang xúc tiến một “quá trình khẩn trương” nhằm đưa ra khuyến nghị chính thức với ông. Họ ý thức rằng động lực trong xung đột quân sự đang nghiêng về phía Nga.

Một số cố vấn của ông Biden tin rằng việc ông Biden đảo ngược quan điểm của mình là điều tất yếu. Nhưng nếu Tổng thống Mỹ thực sự thay đổi quan điểm về vấn đề này, khả năng cao ông sẽ đặt ra một số hạn chế nghiêm ngặt như Ukraine chỉ được dùng vũ khí Mỹ để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga và sát biên giới, có liên quan đến các cuộc tấn công vào Ukraine.

Có thể ông Biden sẽ tiếp tục cấm dùng vũ khí Mỹ để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga hoặc vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Nga.

Điện Kremlin nhìn nhận các động thái của Tổng thống Biden là leo thang căng thẳng. Để đáp lại sự “leo thang” đó, Nga mới đây đã tiến hành tập trận hạt nhân chiến thuật.

Phản ứng trước tuyên bố của Tổng thư ký NATO với tờ Economist, phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói rằng “NATO đang đùa giỡn với ngôn từ quân sự và đang rơi vào tình trạng phấn khích quân sự”. Nói về nguy cơ NATO đối đầu trực diện với Nga, ông Peskov cho rằng họ đã ở trong trạng thái đó rồi.

 

Tuy nhiên giới chức Mỹ bắt đầu ngày càng coi nhẹ các lời cảnh báo đó từ phía Nga. Họ cho rằng Nga chưa mạo hiểm tấn công vũ khí vận chuyển từ lãnh thổ NATO sang Ukraine, và ông Putin vẫn thận trọng tránh xung đột trực tiếp với liên minh quân sự phương Tây này.

Thậm chí cựu quan chức quân sự Mỹ Seth G. Jones còn kết luận rằng “lo lắng về việc Ukraine dùng vũ khí Mỹ để tấn công mục tiêu chiến tranh trên lãnh thổ Nga là điều không cần thiết”. Theo ông này, “Ukraine có nhu cầu quân sự hợp pháp là làm suy yếu năng lực tác chiến của Nga”.

Ông Jones còn nêu thực tế là nước Anh vẫn chưa bị Nga tấn công dù vũ khí Anh đã được Ukraine dùng để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm