Quốc tế

Các hãng bán lẻ Mỹ đối mặt với lượng lớn hàng tồn kho

Trái ngược với 1 năm trước khi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến hàng hóa trở nên khan hiếm, hiện các hãng bán lẻ Mỹ đang phải đối mặt với lượng lớn hàng tồn kho.

Giá dầu rơi xuống mức thấp nhất 6 tháng / Quỹ đầu tư Saudi Arabia chi hơn 7 tỷ thâu tóm cổ phiếu Mỹ

Sau hơn 1 năm chi cho mua sắm hàng hóa nhiều hơn bình thường trong mùa dịch, hiện người dân Mỹ đang thay đổi xu hướng chi tiêu của mình theo hướng cân bằng và phù hợp với tình hình hơn.

Theo Business Insider, lạm phát ảnh hưởng chủ yếu trong lĩnh vực hàng hóa. Nên khi các hộ gia đình tránh tình trạng giá cả leo thang và chuyển sang thói quen tiêu dùng trước đại dịch, lĩnh vực dịch vụ được dịp lên ngôi.

Còn tờ Tạp chí phố Wall cho biết, lạm phát đang thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu, đồng thời chuyển sang các lĩnh vực như du lịch, giải trí và ăn uống. Điều đó dẫn đến việc họ dành ít tiền hơn cho các mặt hàng như quần áo và đồ gia dụng.

Các hãng bán lẻ Mỹ đối mặt với lượng lớn hàng tồn kho - Ảnh 1.

Các hãng bán lẻ Mỹ đối mặt với lượng lớn hàng tồn kho. Ảnh minh họa - Ảnh: Unsplash.

Báo chí Mỹ nhận định, sự điều chỉnh xu hướng tiêu dùng trên là động thái tích cực, giúp cho nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi và trở lại trạng thái cân bằng hơn. Nhưng nó lại đang đặt ra thách thức cho các hãng bán lẻ với lượng lớn hàng tồn kho, đặc biệt là quần áo thời trang, đồ điện tử và đồ nội thất.

Theo tờ Tạp chí phố Wall, lượng hàng tồn kho của Walmart đã tăng khoảng 33% trong quý đầu tiên do nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ này đánh giá sai sự thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng, khiến hãng này phải giảm giá và thu về lợi nhuận thấp hơn.

Tương tự, Gap - công ty sở hữu chuỗi cửa hàng Gap, Old Navy và Banana Republic, đã kết thúc tháng 4 với lượng hàng tồn kho tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng hàng tồn kho của American Eagle tăng 46%. Còn Urban Outfitters tăng 32%.

Tình trạng này đang đặt ra cho các hãng bán lẻ quyết định khó khăn. Một số hãng tiến hành giảm mạnh giá các sản phẩm tồn kho để thu tiền về và giảm chi phí kho bãi, chấp nhận giảm lợi nhuận. Trong khi các hãng khác chấp nhận trả phí kho bãi, giữ lại hàng tồn kho với hy vọng có thể đưa ra bán năm sau. Nhưng dù theo phương án nào thì thiệt hại vẫn đang hiện hữu.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm