Các nước phương Tây chịu tác động từ đòn trừng phạt Nga
Nga thông báo tạm ngừng bắn ở Ukraine để mở hành lang nhân đạo / Mỹ và đồng minh xem xét khả năng cấm nhập khẩu dầu của Nga
Dầu thô của Mỹ tăng hơn 7% trong phiên giao dịch tối 6/3 khi thị trường tiếp tục phản ứng trước tình trạng gián đoạn nguồn cung do xung đột Nga- Ukraine, cũng như khả năng phương Tây áp đặt cấm vận với dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Moscow. Giá dầu thô kỳ hạn trung gian Tây Texas có thời điểm tăng lên 130,50 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008 trước khi quay đầu giảm nhẹ. Giá dầu thô Brent cũng tăng hơn 8,54% lên 128,20 USD và có thời điểm đạt mức cao nhất là 139,13 USD chỉ trong một đêm, cũng là mức cao nhất trong 13 năm.
Theo chuyên gia John Kilduff của Công ty tư vấn đầu tư Again Capital, giá dầu đang tăng lên do triển vọng cấm vận hoàn toàn đối với dầu mỏ và các sản phẩm của Nga.
Trước đó trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh đang xem xét cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga.
“Hiện chúng tôi đang trao đổi với các đối tác và đồng minh châu Âu của chúng tôi để xem xét một cách phối hợp triển vọng cấm nhập khẩu dầu của Nga trong khi đảm bảo rằng vẫn có nguồn cung dầu phù hợp trên các thị trường thế giới. Đó là một cuộc thảo luận rất tích cực”, Ngoại trưởng Blinken cho biết.
Động thái nêu trên nếu được triển khai sẽ cô lập Nga hơn nữa khỏi nền kinh tế toàn cầu. Bởi cho tới nay, trừng phạt của phương Tây đối với Nga vẫn cho phép nước này tiếp tục các hoạt động thương mại năng lượng. Theo phân tích của JPMorgan, tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ giảm 12,5% do phải đối mặt với sức nặng của lệnh trừng phạt chưa từng có đã đóng băng dự trữ ngoại hối 630 tỷ USD và cắt đứt nền kinh tế với phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên trừng phạt Nga cũng có tác động đáng kể đến các nước phương Tây. Trong đánh giá đầu tiên về tác động kinh tế của cuộc xung đột Nga-Ukraine, các chuyên gia cảnh báo, Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn, với lạm phát tăng cao hơn, trong khi châu Âu cũng tiến gần tới suy thoái. Cụ thể theo tổng kết của CNBC, mức trung bình của 14 dự báo về nền kinh tế Mỹ cho thấy, dù vẫn tiếp tục, song xu hướng phục hồi hậu đại dịch đã chậm lại, với GDP tăng 3,2% trong năm nay, giảm nhẹ 0,3% so với dự báo tháng 2. Lạm phát đối với tiêu dùng cá nhân được cho là tăng 4,3% trong năm nay, cao hơn 0,7% so với cuộc khảo sát trước đó vào tháng 2.
Nếu như nền kinh tế Mỹ dù tăng trưởng chậm hơn nhưng vẫn được đánh giá là bền bỉ, tác động với châu Âu lại có phần nặng nề hơn. Ngân hàng đầu tư Barclays đã hạ dự báo tăng trưởng của châu Âu trong năm nay xuống 3,5% so với 4,1% của tháng trước. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo vẫn còn nhiều điều chưa biết về phản ứng của nền kinh tế đối với cú sốc do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra. Hầu hết các dự báo đều nhận thấy rủi ro lạm phát cao hơn và tăng trưởng thấp hơn. Việc loại bỏ hoàn toàn dầu của Nga khỏi nguồn cung toàn cầu có thể đồng nghĩa với một cú sốc năng lượng lớn hơn và là đòn giáng mạnh vào thị trường toàn cầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo