Quốc tế

Cái giá châu Âu phải trả khi cố gắng giảm sự phụ thuộc vào dầu Nga

Châu Âu muốn giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga, nhưng họ nhận ra câu chuyện chẳng hề dễ như kế hoạch.

NÓNG: Nổ lớn ở thành phố Nga sát biên giới Ukraine / ‘Dao kéo’: Ngành công nghiệp tỷ USD biến Hàn Quốc thành ‘kinh đô thẩm mỹ’ thế giới, Covid-19 càng hốt bạc vì nhu cầu tăng vọt


Theo hãng tin Bloomberg, châu Âu đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Nga khi nguồn cung dầu khí bị trì hoãn vì xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, giá hàng loạt nguyên liệu như thép, đồng và nhôm thì ngày một tăng cao do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các kế hoạch trên của Châu Âu.

Cụ thể, nhiều nước châu Âu như Đức, Pháp đã lên kế hoạch xây dựng các đường ống dẫn khí đốt mới nhằm giảm phụ thuộc vào Nga trong khi Anh thúc đẩy nguồn năng lượng sạch cũng như phát triển thêm các nhà máy điện hạt nhân.

Cái giá châu Âu phải trả khi cố gắng giảm sự phụ thuộc vào dầu Nga - Ảnh 1.

Giá tua bin điện gió tăng mạnh trở lại

Trớ trêu thay, giá thép, đồng và nhôm đều đã lên mức cao kỷ lục trong 12 tháng qua. Chỉ số đo lường 1 rổ các hàng hóa chủ chốt "Bloomberg Commodity Spot Index" đã tăng 46% trong 1 năm qua khiến nỗ lực gia tăng gấp 3 năng lượng sạch trong 10 năm tới của Châu Âu gặp khó khăn. Xin được nhắc là những dự án xây đường ống khí đốt mới hay năng lượng sạch trên yêu cầu tối thiểu 52 triệu tấn thép và đó là mới chỉ trên lý thuyết.

"Cuộc xung đột hiện nay ảnh hưởng đến mọi công ty bao gồm cả chúng tôi khi Châu Âu sắp sửa có những dự án lớn. Chúng khiến kinh doanh của hãng cắm lộn đầu đi xuống", CEO Fred van Beers của SIF Holding, chuyên sản xuất thép chuyên dụng cho tua bin gió than thở.

Cơn nghiện khó cai

Trước khi xung đột xảy ra, nguồn khí đốt của Nga đến Châu Âu khá rẻ, dễ dàng vận chuyển với mạng lưới đường ống phủ rộng từ thời Liên Xô, đồng thời nguồn cung cũng dồi dào. Những yếu tố này cùng dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" (Nord Stream 2) mở qua Đức khiến Châu Âu càng dễ phụ thuộc vào dầu khí của Nga hơn, nhất là trong bối cảnh khu vực này muốn giảm nguồn nhiên liệu bẩn như than đá, hạt nhân.

Trong năm 2021, Liên minh Châu Âu (EU) đã nhập khẩu 155 tỷ mét khối (m3) khí đốt từ Nga. Sau khi xung đột bùng nổ, khu vực này muốn giảm con số đi 2/3 nhưng khả năng rất khó.

 

Nghiên cứu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy EU có thể giảm 30 tỷ m3 khí đốt từ Nga bằng năng lượng sạch hay hạt nhân, thế nhưng chi phí xây dựng những dự án để bù đắp lỗ hổng năng lượng này sẽ tăng thêm ít nhất 20% so với trước khi xung đột xảy ra vì giá nhiên liệu tăng cao cùng lạm phát phi mã.

Cái giá châu Âu phải trả khi cố gắng giảm sự phụ thuộc vào dầu Nga - Ảnh 2.

"Việc xây dựng sẽ đắt hơn nhiều so với ước tính ban đầu của chính phủ. Thậm chí một số dự án có thể bị trì hoãn vì chi phí đội lên quá cao", chuyên gia Grant Sporre của Bloomberg Intelligence nhận định.

Lấy ví dụ, EU muốn xây dựng các dự án nhằm cung ứng 290 GW điện gió và 250 GW điện mặt trời, nhưng riêng chi phí nguyên liệu thép cho chúng đã ngốn khoảng 65 tỷ Euro, tương đương 72 tỷ USD theo giá thị trường hiện tại.

Nguyên nhân thì dễ hiểu, hiện Nga và Ukraine đang là 2 trong số những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về thép chuyên dụng cho tua bin và đường ống khí đốt.

 

Tồi tệ hơn, số liệu của Rysted Energy cho thấy dù có thể mua nguyên liệu thép chuyên dụng từ nguồn khác nhưng giá cũng vẫn cao hơn 50% so với thông thường vì chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng.

Xin được nhắc là ngay cả Trung Quốc, một trong những nhà cung ứng lớn về thép cũng đã phải đóng cửa khu trung tâm sản xuất thép ở Tangshan vì dịch Covid-19 bùng phát.

Một nguyên liệu nữa khiến Châu Âu khó cai nghiện khí đốt của Nga là đồng, vốn thường dùng cho dây dẫn nội bộ và các đường cáp. Số liệu của Bank of America Corp cho thấy khu vực này sẽ cần ít nhất 7,7 triệu tấn đồng để xây dựng các dự án giảm phụ thuộc vào Nga, thế nhưng đà tăng giá hiện nay khiến chi phí đồng đội thêm 7,6 tỷ USD.

Thế rồi một nguyên liệu quan trọng nữa là nhôm, chuyên dùng cho sản xuất các tấm năng lượng mặt trời, tua bin và mối nối cũng đang thiếu hụt trầm trọng tại Châu Âu. Giá nhiên liệu tăng cùng hàng loạt chi phí đi lên do lạm phát đã khiến sản lượng nhôm đi xuống vì các nhà máy không có lợi nhuận.

Cái giá châu Âu phải trả khi cố gắng giảm sự phụ thuộc vào dầu Nga - Ảnh 3.

Châu Âu và Trung Quốc nhập khẩu rất nhiều dầu khí từ Nga (triệu thùng/ngày)

 

Điều trớ trêu là Nga hiện đứng thứ 2 sau Trung Quốc về sản lượng nhôm toàn cầu, chiếm 5% tổng sản lượng toàn thế giới. Số liệu của Bloomberg NEF cho thấy thị trường nhôm đang rất nóng khi giá đã lên mức cao kỷ lục trong tháng 3/2022. Thêm nữa, các lệnh trừng phạt vào Nga càng khiến nhôm trở nên đắt đỏ hơn ở Châu Âu.

Khó khăn vì thiếu Nga

Viện nghiên cứu Bruegel tại Brussels nhận định bình quân mỗi ngày Nga xuất khẩu 3 triệu thùng dầu thô và khoảng 1 triệu thùng sản phẩm hóa dầu sang Châu Âu và việc ngừng chấm dứt con số này là điều không thể bởi chúng tạo nên lỗ hổng quá lớn trong nguồn cung, gây nên cú sốc cho cả thị trường lẫn người dân.

Xin được nhắc là dầu thô của Nga chiếm đến 30% lượng nhập khẩu dầu của EU trong tháng 11/2021.

Ngoài ra, các hệ thống dẫn khí đốt hay sản xuất, phân phối hoặc thậm chí là tiêu thụ dầu khí nhập khẩu từ Nga tại Châu Âu cũng sẽ phải mất thời gian để điều chỉnh với nguồn cung ứng mới nếu điều này xảy ra.

 

Rõ ràng, Châu Âu đã phụ thuộc vào nguồn năng lượng cũng như nguyên liệu của Nga trong nhiều năm và không dễ gì chấm dứt ngay được. Dù EU tuyên bố hàng loạt dự án nhưng chúng cần thời gian để xây dựng, nhất là trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng khiến nhiều kế hoạch bị đình trệ.

Thậm chí ngay cả khi được khởi công, nhiều nhà đầu tư vẫn đắn đo về nguồn dầu khí rẻ từ Nga có thể trở lại bất cứ lúc nào khi xung đột Ukraine chấm dứt.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm