Quốc tế

Cận vệ của ông Kim Jong-un có gì khác so với những cận vệ thông thường?

Không chỉ có những cận vệ theo sát tháp tùng, lãnh đạo Kim Jong-un còn được đảm bảo an toàn bởi một hệ thống an ninh tinh vi ba lớp.

Bất ngờ biến thể tiếp dầu trên không của oanh tạc cơ H-6 / Thủ tướng Nhật Bản không sử dụng smartphone

Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra ở Singapore năm 2018, cả thế giới đã một lần nữa có cơ hội chứng kiến dàn cận vệ hộ tống lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, đó chỉ là lớp bảo vệ đầu tiên trong hệ thống an ninh đảm bảo an toàn cho ông Kim Jong-un.
Theo nhà phân tích Michael Madden, khi ở Triều Tiên, lực lượng bảo vệ cho lãnh đạo Kim Jong-un được chia thành 3 lớp an ninh.

Lớp bảo vệ thứ nhất: Vệ sĩ thân cận
Những cận vệ chạy theo tháp tùng chiếc limousine chở ông Kim Jong-un và những cận vệ luôn bao quanh ông đều thuộc lực lượng Trụ sở chính của Phụ tá sĩ quan. Những vệ sĩ này được tuyển chọn từ các binh sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ trong Quân Đội Nhân dân Triều Tiên (KPA).
Tiêu chí tuyển chọn các cận vệ của ông Kim Jong-un bao gồm chiều cao yêu cầu phải đạt xấp xỉ với chiều cao của lãnh đạo và không được có bất cứ khiếm khuyết nào về thị giác. Ngoài ra, những cận vệ này phải đạt được những thành tích nhất định hoặc có trình độ cao khi sử dụng các kỹ năng như bắn súng và võ thuật. Cuối cùng, họ phải trải qua một cuộc điều tra lý lịch gắt gao. Nhiều nhân sự tại Trụ sở chính của Phụ tá sĩ quan có liên hệ với gia đình nhà họ Kim hoặc tầng lớp ưu tú tại Triều Tiên.
Khi đã được nhận để trở thành vệ sĩ cho lãnh đạo Kim Jong-un, những cận vệ phải tham gia một chương trình đào tạo và huấn luyện chuyên sâu. Họ được huấn luyện tương tự như lực lượng hoạt động đặc biệt của KPA với những bài tập về sử dụng súng ngắn, kỹ năng tránh và một loạt các môn võ thuật. Các vệ sĩ thực tập còn phải trải qua những thử thách về sức bền của cơ thể, khả năng phản xạ và những bài tập thể lực khắc nghiệt.
Khi hộ tống ông Kim Jong-un, các cận vệ đứng hoặc di chuyển thành vòng xung quanh lãnh đạo tạo nên lớp bảo vệ có tầm nhìn 360 độ nhằm đảm bảo bất kỳ ai đến gần và những địa điểm xung quanh đều nằm trong tầm quan sát. Di chuyển phía trước đoàn hộ tống thường bao gồm 3 - 5 vệ sĩ, trong đó bao gồm cả chỉ huy Trụ sở chính của Phụ tá sĩ quan. Di chuyển bên cạnh lãnh đạo là 4 - 6 vệ sĩ, trong đó 2 - 3 vệ sĩ Phụ trách đảm bảo an toàn cho mỗi bên của ông Kim Jong-un.
Dàn cận vệ của ông Kim Jong-un lần đầu được thấy trong cuộc thượng đỉnh của lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)

Dàn cận vệ của ông Kim Jong-un lần đầu được thấy trong cuộc thượng đỉnh của lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)

Có thể nói, đội cận vệ quyền lực này là những công dân Triều Tiên duy nhất được phép mang theo súng ngắn khi đi cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Mỗi cận vệ thường sử dụng một khẩu súng ngắn bán tự động và một vũ khí dự phòng.
Mặc dù mang theo vũ khí, cách phòng thủ chính của đội vệ sĩ thân cận khi bảo vệ ông Kim Jong-un là kỹ năng quan sát và khả năng vô hiệu hóa mọi mối đe dọa đối với nhà lãnh đạo bằng tay và cơ thể của các vệ sĩ.
Các cận vệ của ông Kim Jong-un thường mặc những bộ vest tối màu kèm theo cà vạt của phương Tây hoặc những bộ đồ theo phong cách Tôn Trung Sơn tương tự như những quan chức trong đảng. Các tài xế của lãnh đạo Triều Tiên luôn đeo găng tay làm bằng vải lanh hoặc da khi cầm vô-lăng lái xe.
Các nhân viên sử dụng tai nghe và sóng radio để liên lạc nội bộ. Tuy nhiên, phương thức liên lạc chính của họ có phần lạc hậu khi đeo những chiếc phù hiệu đặc biệt trên trang phục để nhận diện và sử dụng một dãy các cụm từ hoặc ký tự làm mật khẩu.
Trụ sở chính của Phụ tá sĩ quan có khoảng 200 - 300 nhân viên, trong đó, hơn một nửa là vệ sĩ và số còn lại là các tài xế và nhân viên kỹ thuật. Trong khi một số chỉ huy của lực lượng cận vệ có sự nghiệp lâu dài, hầu hết các nhân viên chỉ làm việc trong nghề khoảng 10 năm.
Lớp bảo vệ thứ hai và thứ ba: Lực lượng của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ
Lực lượng của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Triều Tiên (GC) chịu trách nhiệm đảm bảo lớp bảo vệ an ninh thứ hai và thứ ba cho ông Kim Jong-un. Trong khi Trụ sở chính của Phụ tá đảm nhiệm bảo vệ trực tiếp lãnh đạo tối cao, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ phụ trách đảm bảo về cơ sở vật chất tại bất cứ nơi nào ông Kim Jong-un tới, bất kể đó là tòa nhà văn phòng, nhà riêng hay những địa điểm ông đến thăm trong nước và nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ còn hoàn thành một số chức năng hậu cần hoặc kỹ thuật để hỗ trợ nhà lãnh đạo trong công việc. Trong chuyến thăm Singapore của ông Kim Jong-un, đã có 3 máy bay hạ cánh tới từ Bình Nhưỡng, trong đó, nhân viên của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ở trên ít nhất hai trong số những chiếc máy bay này.
Những nhân viên này phụ trách vận hành và duy trì đường dây liên lạc an toàn dành cho lãnh đạo cũng như đảm bảo về bảo mật IT trên bất kỳ máy tính nào mà ông Kim Jong-un sử dụng. Họ cũng luôn sẵn sàng phục vụ bất kỳ loại rượu, thực phẩm và thuốc lá nào lãnh đạo muốn trong thời gian thực hiện chuyến thăm và kiểm tra kỹ bất kỳ thực phẩm hay đồ uống trước khi phục vụ ông Kim Jong-un. Họ còn phải luôn đảm bảo về vấn đề y tế cho lãnh đạo tối cao và có ít nhất hai nhân viên y tế đi cùng ông Kim Jong-un.
Các nhân viên của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ phải trải qua một quá trình lựa chọn và kiểm tra kỹ lưỡng tương tự như những cận vệ của ông Kim Jong-un.
Hệ thống an ninh 3 lớp này dường như chưa từng thấy đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên thế giới. Trong khi hầu hết mọi người đều chỉ chú ý vào đội cận vệ chạy theo tháp tùng chiếc limousine, chính những hàng rào bảo vệ không nhìn thấy mới thể hiện sự đảm bảo an ninh chặt chẽ của Triều Tiên.
Vũ khí - khí tài
Theo VTV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm