Căng thẳng Mỹ - Iran thêm nóng bỏng khi thủy quân lục chiến Anh tới vịnh Ba Tư
Trước nguy cơ sẽ phải tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm chống lại Iran, Mỹ đang tích cực kêu gọi sự trợ giúp của đồng minh và mới đây nước Anh đã đáp lời họ.
Mỹ cáo buộc Iran “tống tiền hạt nhân” giữa lúc căng thẳng leo thang / Ông Putin cảnh báo “hậu quả thảm khốc” nếu Mỹ động binh với Iran
Hãng thông tấn Al Masdar News vừa cho biết, Anh đã quyết định gửi 100 lính thủy đánh bộ (thủy quân lục chiến) đến khu vực vịnh Ba Tư để bảo vệ các tàu quân sự và tàu thương mại sau sự cố xảy ra gần đây ở vịnh Oman.
Sự kiện được nhắc tới chính là 2 tàu chở dầu mang tên Kokuka Courageous và Front Altair đã bị hư hại trong một vụ tấn công tại vịnh Oman, gần eo biển Hormuz.
Mọi nghi ngờ đang tập trung vào Iran vì Tehran đã nhiều lần tuyên bố sẽ đóng cửa eo biển Hormuz và tấn công mọi tàu chở dầu đi qua đây nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.
Bộ Ngoại giao Anh cáo buộc lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công. Trước đó, những nhận xét tương tự đã được Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đưa ra.
Theo tờ The Sunday Times, thủy quân lục chiến Anh từ căn cứ 42 Commando gần thành phố Plymouth sẽ thành lập nhóm đặc nhiệm số 19 để tuần tra khu vực vịnh Ba Tư từ căn cứ hải quân của nước này đặt tại Bahrain
Quyết định của Anh không gây ngạc nhiên vì từ lâu London vẫn được biết đến như một đồng minh quan trọng bậc nhất của Washington, chính sách của họ thường gắn với Mỹ "như hình với bóng".
Lực lượng lính thủy đánh bộ Anh được đánh giá là rất thiện chiến và có tính kỷ luật cao, sẽ đóng góp vai trò đắc lực trong liên minh quân sự chống lại Iran đang dần được hình thành.
Theo sau lực lượng thủy quân lục chiến thì rất nhiều khả năng hải quân hoàng gia Anh cũng sẽ cử chiến hạm tới tham gia tuần tra dọc eo biển Hormuz cũng như vịnh Ba Tư.
Hành động này của Anh đang nhận được sự ủng hộ lớn, bởi dù sao đi nữa việc Iran đe dọa đóng eo biển Hormuz là đã vi phạm quyền tự do đi lại của tàu thuyền quốc tế và không thể chấp nhận được.
Không chỉ có quân đội Anh, Mỹ còn lôi kéo được nhiều đồng minh khác trong khu vực vùng Vịnh tham gia hoạt động quân sự với mình, nổi bật là Saudi Arabia, Qatar, Oman và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Lý do dẫn tới quyết định trên là bởi những nước Arab này đều có nền kinh tế dựa phần lớn vào dầu mỏ, nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa sẽ ảnh hưởng nặng nề tới việc xuất bán dầu của họ ra thế giới.
Ngoài ra không thể bỏ qua nhân tố Israel, khi Tel Aviv từ lâu đã coi Tehran là kẻ thù nguy hiểm do các tướng lĩnh Iran thường xuyên đưa ra các tuyên bố cứng rắn như đe dọa xóa sổ nhà nước Do Thái khỏi bản đồ quốc tế.
Tuy nhiên có lẽ Israel sẽ chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin tình báo chứ không tham chiến trực tiếp do lo ngại sẽ phá vỡ liên minh quân sự của Mỹ với các nước Arab.
Tình thế của Iran lúc này được đánh giá là cực kỳ khó khăn, sức mạnh quân sự của họ không thể đối chọi lại với Mỹ chứ chưa nói đến cả một liên minh hùng hậu đi kèm.
Theo anninhthudo.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo