Quốc tế

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, cuộc xung đột sẽ còn kéo dài?

Tình hình Ukraine đang nóng lên với bước chuyển mới về vũ khí hạng nặng và những dự đoán về các động thái quân sự mới vào thời điểm sát dấu mốc tròn 1 năm xung đột bùng nổ.

Châu Âu tạo cuộc cách mạng không chiến ngoài tầm nhìn với tên lửa Meteor / Giá dầu châu Á đi xuống giữa những lo ngại về suy thoái tại Mỹ

Vũ khí, vũ khí và vũ khí. Đó là từ khóa được nhắc đi nhắc lại liên tục trong tuần qua khi Tổng thống Ukraine Zelenskiy thực hiện chuyến công du con thoi tới một loạt thủ đô ở châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) họp hội nghị thượng đỉnh bất thường về tình hình Ukraine.

Lời kêu gọi của Ukraine không mới, tuy nhiên, điểm mới là những cam kết mà nước này đang nhận được. Lần đầu tiên, các nước phương Tây sẽ cung cấp cho Ukraine xe tăng chiến đấu sau nhiều tháng từ chối. Nga cảnh báo đây là một bước leo thang cực kỳ nguy hiểm. Còn phương Tây coi đây là một bước chuyển lớn, sẽ làm thay đổi cục diện trên chiến trường.

Cam kết mới của phương Tây về viện trợ quân sự cho Ukraine

Chi phí đắt đỏ và khó bảo dưỡng, đó là lời giải thích lâu nay của các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu khi nhận được những lời thúc giục của Tổng thống Zelensky về việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Nhưng nay là những tuyên bố mới.

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, cuộc xung đột sẽ còn kéo dài? - Ảnh 2.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: AP)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh: "Thực sự đang có một cuộc chiến ở châu Âu không xa Berlin bao nhiêu. Nó đang diễn ra ở một quốc gia lớn là Ukraine. Đó là lý do tại sao mọi việc chúng ta thực hiện đều phải thể hiện rõ ràng là, chúng ta cần làm những gì cần thiết và có thể để hỗ trợ Ukraine".

Là nước sản xuất phần lớn xe tăng Leopard 2 và giữ tất cả các giấy phép xuất khẩu, động thái của Đức đã "bật đèn xanh" cho các nước đang sở hữu loại xe tăng này tái xuất cho Kiev.

Bộ Quốc phòng Canada đã ngay lập tức chuyển 4 chiếc Leopard 2 cho Ukraine với mục đích huấn luyện. Những chiếc Leopard 2 xuất hiện trên chiến trường có thể vào tháng 3 hoặc tháng 4.

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, cuộc xung đột sẽ còn kéo dài? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (Ảnh: AP)

 

Ông Boris Pistorius - Bộ trưởng Quốc phòng Đức - cho biết: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể cung cấp ít nhất một tiểu đoàn trong 3 tháng đầu năm nay, có thể là 3 tháng. Và sau đó, chúng ta phải tiến hành càng nhanh càng tốt".

Trước đó, Mỹ cũng đã công bố quyết định gửi các loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại cho Ukraine.

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, cuộc xung đột sẽ còn kéo dài? - Ảnh 4.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP)

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng: "Năng lực thiết giáp đóng vai trò quan trọng. Đó là lý do Mỹ đã cam kết hàng trăm xe chiến đấu bọc thép cho đến nay, bao gồm hơn 500 chiếc như một phần của gói hỗ trợ mà chúng tôi đã công bố vào thứ Sáu tuần trước. Và hôm nay, tôi thông báo rằng Mỹ sẽ gửi 31 xe tăng Abram đến Ukraine".

Việc phương Tây viện trợ xe tăng cho Ukraine có thể được xem là một cột mốc đánh dấu việc các nước phương Tây lại vượt qua một lằn ranh đỏ mới trong việc trợ giúp quân sự cho Ukraine, đồng thời đặt ra nguy cơ khiến xung đột tại Ukraine leo thang không kiểm soát, dẫn tới đối đầu trực tiếp Nga - NATO.

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, cuộc xung đột sẽ còn kéo dài? - Ảnh 5.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (Ảnh: AP)

 

Ông Sergei Shoigu - Bộ trưởng Quốc phòng Nga - cho biết: "Mỹ và các đồng minh đang cố gắng kéo dài xung đột càng nhiều càng tốt. Để làm điều này, họ đã bắt đầu cung cấp vũ khí tấn công hạng nặng. Trên thực tế, các bước đi này đang kéo các nước NATO vào cuộc xung đột và có thể dẫn đến mức độ leo thang khó lường".

Tại loạt cuộc gặp thượng đỉnh tuần qua, các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi hỗ trợ tối đa cho Ukraine.

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, cuộc xung đột sẽ còn kéo dài? - Ảnh 6.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (Ảnh: AP)

 

Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu - tuyên bố: "Chúng tôi cho rằng những tuần và tháng tới có thể sẽ mang tính quyết định nên giờ đã đến lúc triển khai hỗ trợ tối đa".

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, cuộc xung đột sẽ còn kéo dài? - Ảnh 7.

Đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và đối ngoại Josep Borrell (Ảnh: AP)

Ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và đối ngoại - cho biết: "Châu Âu sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine, cung cấp thêm vũ khí, hỗ trợ quân sự nhiều hơn, hỗ trợ tài chính nhiều hơn".

 

Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của Tổng thống Zelensky kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Điểm đến trong chuyến công du đầu tiên của ông Zelensky tháng 12 năm ngoái là Mỹ. Và sau đó, gói viện trợ mới trị giá 50 tỷ USD cho Ukraine đã được Quốc hội Mỹ thông qua.

Cùng thời điểm công bố viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine, các nước phương Tây cũng đang đưa tin rộng rãi về khả năng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn trong những ngày sắp tới. Trong cuộc đối đầu với một cường quốc hạt nhân và ngân sách quốc phòng lớn gấp 10 lần Ukraine, việc duy trì khả năng chiến đấu của Ukraine được nhận định phụ thuộc rất lớn vào hỗ trợ quân sự từ phương Tây.

Tương quan sức mạnh quân sự các bên

Trong các cam kết mới nhất, Ukraine sẽ nhận được xe tăng chiến đấu của Mỹ, Anh và Đức.

Xe tăng M1 Abrams của Mỹ có tầm bắn lên tới 1.000 km, tuy nhiên, xe tăng này được đánh giá là tiêu thụ nhiều nhiên liệu, khó bảo trì và việc huấn luyện cách sử dụng mất nhiều thời gian hơn.

 

Xe tăng Challenger 2 của Anh có tầm bắn 250 - 450 km và cũng cần kíp lái 4 người giống M1 Abrams của Mỹ. Quân đội Anh cho biết, xe tăng này đã từng được điều đến các chiến trường Bosnia - Herzegovina, Kosovo và Iraq.

Xe tăng Leopard 2 của Đức được cho là phù hợp nhất với quân đội Ukraine hiện nay. Với tầm bắn 500 km, chiếc xe tăng này chỉ cần kíp lái 2 người, ít phức tạp hơn về mặt kỹ thuật, thời gian huấn luyện nhanh hơn và số lượng sẵn hơn. Xe tăng này đang được quân đội 20 nước trên thế giới sử dụng. Riêng tại châu Âu có 2.000 chiếc, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS).

Tổng thống Ukraine Zelenskiy đã yêu cầu được cung cấp 300 xe tăng, hiện số lượng cam kết đã tương đương con số này (Mỹ cam kết 31 chiếc, Anh 14 chiếc còn Đức là 14 chiếc Leopard 2 và khoảng 100 chiếc Leopard 1, ngoài ra còn có hàng chục chiếc từ Canada, Tây Ban Nha, Na Uy, Ba Lan…).

Về phía Nga, hãng thông tấn TASS cho biết, Nga đã bổ sung lô xe tăng mới T-90M Proryv-3 tới khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cái tên 'Proryv' có nghĩa là "Đột phá", đây là phiên bản tiên tiến nhất của xe tăng T-90 do Nga sản xuất.

Như vậy, chiến sự tại Ukraine đang có dấu hiệu leo thang căng thẳng với nguy cơ xảy ra cuộc đụng độ lớn giữa các xe tăng của Nga và của phương Tây. Có một điểm khác biệt là xe tăng tăng cường của Nga đã có mặt tại thực địa còn loạt xe tăng mới cam kết của phương Tây nếu nhanh thì cũng phải vài tháng nữa mới sẵn sàng. Tuy nhiên, bản thân các cam kết và việc bắt tay vào huấn luyện cho binh sĩ Ukraine đã đánh dấu một bước ngoặt về viện trợ quân sự cho Ukraine.

 

Bước ngoặt viện trợ quân sự cho Ukraine

Trước những diễn biến mới dồn dập tuần qua, một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa được triệu tập theo yêu cầu của Nga về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Trước đó, Nga đã gửi công hàm tới các nước NATO để phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo rằng, bất kỳ lô hàng nào chứa vũ khí cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Nga.

Cho đến nay, có ít nhất 28 nước đang cung cấp vũ khí cho Ukraine. Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất, với tổng trị giá khoảng 25 tỷ USD. Các nước EU thì khoảng một nửa con số đó.

Chiến sự giằng co tại Ukraine

 

Vào lúc này, tình hình trên chiến trường vẫn đang ở thế giằng co. Cả hai phía đều đang công bố hàng ngày về thiệt hại của phía bên kia nhưng về cơ bản, bản đồ chiến sự không có nhiều thay đổi lớn kể từ sau khi Nga rút quân khỏi Kherson, tập trung về bờ Đông sông Dniepr vào mùa thu năm ngoái.

Các lực lượng của Nga và Ukraine đang chiến đấu dọc theo một mặt trận dài gần 1.000 cây số và bước vào mùa đông, những thắng lợi của cả hai bên chỉ là từng phần. Điểm nóng chiến sự lúc này đang là khu vực Bakhmut, mà Nga gọi là Artemovsk, một thành phố thuộc tỉnh Donetsk. Đây là nơi quân đội Nga tập trung bao vây ròng rã 6 tháng nay. Bakhmut đã trở thành một trong những trận đánh kéo dài nhất và đẫm máu nhất trong cuộc xung đột Ukraine gần 1 năm qua.

Ông Sergei Shoigu - Bộ trưởng Quốc phòng Nga - cho biết: "Hiện tại, các hoạt động quân sự đã thành công và đang tiếp tục ở các vùng Vuhledar và Artemovsk".

Với địa hình đồi núi, cùng hệ thống chướng ngại vật quân sự, Bakhmut trở thành khu vực địa chiến lược quan trọng với cả Nga và Ukraine. Nếu Nga giành được Bakhmut, Moscow có thể phá vỡ tuyến giao thông quan trọng, tuyến đường tiếp vận quân sự từ Kiev tới vùng Donbass.

Về phần mình, Ukraine cũng tăng cường các nỗ lực phòng thủ tại khu vực này, củng cố sức mạnh quân đội, nhất là việc gia tăng các khí tài quân sự từ sự hỗ trợ của phương Tây.

 

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, cuộc xung đột sẽ còn kéo dài? - Ảnh 8.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: AP)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: "Sẽ không ai đầu hàng ở Bakhmut. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến chừng nào còn có thể. Chúng tôi coi Bakhmut là pháo đài phòng thủ của mình".

Cục diện cuộc chiến đang ở thế giằng co tại tiền tuyến Bakhmut khi thời tiết khắc nghiệt làm giảm đà tiến quân của cả hai bên. Mặt đất đóng băng khiến các hoạt động di chuyển của các lực lượng quân sự qua biên giới gặp khó khăn. Thời tiết được dự báo tiếp tục diễn biến theo hướng tiêu cực cho các hoạt động di chuyển trên khắp vùng Donbass khi tuyết tan dẫn đến bùn lầy và sẽ trở nên tồi tệ nhất vào khoảng từ giữa đến cuối tháng 3. Do vậy, các chuyên gia quân sự cho rằng, nhiều khả năng hai bên sẽ tránh lên kế hoạch cho các cuộc tấn công lớn vào thời điểm này.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng nhận định, thế giằng co hiện tại chỉ là một quãng thời gian tạm lắng trước một cơn bão mới trong tương lai.

Như vậy, những bất lợi do mùa đông - với nhiệt độ tại Ukraine xuống đến -20 độ C mùa đông năm nay - đang gây khó khăn cho cả hai bên. Nhưng một cuộc tấn công lớn từ phía Nga đang được dự đoán có khả năng cao xảy ra vào cuối tháng 2 này cho đến giữa tháng 3.

Chiến dịch quân sự tại Ukraine

Theo hãng thông tấn Nga TASS, trong tuyên bố mới nhất ngày hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Vershinin, phát biểu rằng, bất kỳ hành động quân sự nào cũng kết thúc bằng đàm phán và Nga sẽ sẵn sàng cho các cuộc đàm phán như vậy. Nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng nói thêm rằng, đàm phán với Ukraine sẽ chỉ diễn ra theo hướng phù hợp với tình hình thực tế. Vậy thực tế đang được phía Nga nhìn nhận như thế nào?

Người dân Nga đã đặt nhiều câu hỏi về diễn biến chiến trường mà họ cho là khá là chậm chạp và kỳ lạ ở Ukraine trong một năm qua. Câu trả lời thực tế không đơn giản nhưng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine ngay từ đầu được khẳng định là không liên quan đến các hành động nhằm tiêu diệt Ukraine với tư cách là một quốc gia độc lập. Nói một cách khác, người Nga đang hiểu rằng, họ đối đầu không phải với Ukraine mà với cả phương Tây.

 

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, cuộc xung đột sẽ còn kéo dài? - Ảnh 9.

Các nước phương Tây lại vượt qua một lằn ranh đỏ mới trong việc trợ giúp quân sự cho Ukraine (Ảnh: AP)

Nhìn chung, theo giới chuyên gia, phi hạt nhân hóa và phi quân sự hóa vẫn là mục tiêu cuối cùng của chiến dịch quân sự Nga tại Ukraine, loại bỏ tư tưởng "phát xít mới" và ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO.

Từ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, một điều có thể nhìn thấy rõ tại Nga là sự thay đổi tâm lý xã hội và cách tiếp cận vấn đề. Ví dụ cụ thể là trong trường học, thậm chí là các lớp tiểu học, ngoài việc đưa vào các khoá học quân sự, các thông tin về quân đội, khí tài Nga thì việc một phụ huynh là quân nhân đang tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine được các thầy, nhà trường xướng danh như một người anh hùng đang bảo vệ Tổ quốc.

 

Trong một cuộc khảo sát dư luận xã hội vào đầu tháng 2, đại đa số người Nga, hơn 86%, tin rằng chiến sự ở Ukraine sẽ kết thúc trong vòng 2 năm tới.

Tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine

Những tín hiệu từ chiến trường và các kênh ngoại giao đều đang cho thấy cuộc xung đột Ukraine có thể sẽ còn kéo dài. Theo các ước tính của Mỹ và châu Âu, cuộc xung đột đang khiến hàng trăm binh sĩ của cả Nga và Ukraine thiệt mạng hoặc bị thương mỗi ngày. Trên bình diện quốc tế, cuộc xung đột vũ trang đẫm máu nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 này đang định hình lại an ninh châu Âu và tác động đến các tính toán chiến lược toàn cầu.

Trong bài phát biểu quan trọng tuần qua về những ưu tiên của Liên hợp quốc trong năm 2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại thế giới đang bước vào một cuộc chiến rộng hơn do cuộc xung đột tại Ukraine. Nguy cơ xung đột đang leo thang trong khi triển vọng hòa bình vẫn mờ mịt.

Chiều hướng của cuộc xung đột có thể phần nào được hé lộ khi Tổng thống Nga Putin đọc Thông điệp Liên bang, công bố các chính sách của Nga vào ngày 21/2 tới.

 

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm