Quốc tế

Chiến thuật “cương nhu” kết hợp của Trung Quốc trong đàm phán với Mỹ

Trung Quốc một mặt đưa ra những tuyên bố cứng rắn với Mỹ nhằm trấn người dân trong nước, mặt khác vẫn chấp nhận nhượng bộ Washington trong cuộc chiến thương mại căng thẳng.

Sa mạc Trung Quốc lạnh âm 25º C, tuyết phủ trắng xóa / Washington dọa cấm các quan chức Trung Quốc tới Mỹ giữa lúc căng thẳng

 Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp tại Bắc Kinh vào tháng 11/2017 (Ảnh: AP)

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp tại Bắc Kinh vào tháng 11/2017 (Ảnh: AP)

Khi hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp nhau trong bữa tối tại Argentina hôm 1/12 với hy vọng đạt được một thỏa thuận đình chiến sau nhiều tháng chiến tranh thương mại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng “màn độc thoại” kéo dài 30 phút. Các quan chức Mỹ có mặt trong bữa tối hôm đó đã tiết lộ thông tin này.

Tuy nhiên, vài ngày sau cuộc họp, cả thế giới, đặc biệt người dân Trung Quốc, vẫn không biết rốt cuộc ông Tập Cận Bình đã nói gì. Cũng không ai biết liệu có phải phát biểu của ông đã giúp hạ nhiệt căng thẳng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, một cuộc đối đầu khiến thị trường toàn cầu chao đảo, hay không.

Theo SCMP, điều này đã cho thấy tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Trung Quốc, khi Bắc Kinh vừa phải đảm bảo sự cần thiết của việc nhượng bộ Mỹ, vừa phải tìm cách để không bị coi là yếu thế trước Washington trong mắt cộng đồng quốc tế.

Sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, Nhà Trắng ngay lập tức công bố một loạt động thái nhượng bộ của Trung Quốc, từ cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ cho tới nhất trí khởi động quá trình giải quyết việc chuyển giao công nghệ Mỹ cho các đối tác Trung Quốc. Trong khi đó, phải vài ngày sau, Trung Quốc mới thông báo rằng Bắc Kinh và Washington đã nhất trí đình chiến 90 ngày chiến tranh thương mại.

Nhà Trắng cho biết Trung Quốc cam kết sẽ mua “số lượng lớn” các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và nhiều sản phẩm khác từ Mỹ, đồng thời tiến hành các cuộc đàm phán liên quan tới vấn đề chuyển giao công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ.

 

Trung Quốc cũng xác nhận những lĩnh vực trên là trọng tâm trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, thời điểm Trung Quốc công bố thông tin muộn hơn Mỹ 4 ngày và giọng điệu của Bắc Kinh cũng “kiềm chế” hơn nhiều so với Washington khi nói về quy mô nhượng bộ.

Giới phân tích nhận định Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục cẩn trọng trong việc hé lộ sự tiến triển của các cuộc đàm phán với Mỹ và mối quan tâm của Bắc Kinh là tái khẳng định cam kết cải cách thị trường vốn được mong đợi từ lâu. Tuy nhiên, những kế hoạch này trở nên nhạy cảm hơn với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đã khơi dậy chủ nghĩa dân tộc từ những ngày đầu của cuộc chiến thương mại.

Wang Yong, giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, mô tả các cuộc đàm phán thương mại là “phức tạp” và “có độ nhạy cảm cao”.

“Sự nhượng bộ, nếu được diễn giải quá mức, có thể dẫn đến các vấn đề trong hệ thống chính trị nội bộ của Trung Quốc và gây ra tranh cãi. Khoảng thời gian 3 tháng đàm phán khá ngắn, do vậy không cần phải tạo ra những rắc rối không cần thiết trong dư luận”, ông Yong cho biết.

Sự cẩn trọng của Trung Quốc

 

 Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các quan chức dự tiệc tối kết hợp làm việc tại Argentina ngày 1/12. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các quan chức dự tiệc tối kết hợp làm việc tại Argentina ngày 1/12. (Ảnh: Reuters)

Vào ngày 3/12, đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã đăng bản thông báo bằng tiếng Trung của Nhà Trắng về kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập tại Argentina lên WeChat, mạng xã hội phổ biến nhất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các đơn vị kiểm duyệt mạng của Trung Quốc đã can thiệp để ngăn không cho văn bản này được chia sẻ rộng rãi.

“Trên mạng xã hội, tất cả các bài viết liên quan tới thông cáo báo chí của Mỹ về thỏa thuận (tại Argentina) đều bị kiểm duyệt, ngoại trừ những thông báo được đăng trên trang web chính thức, cũng như trên tài khoản WeChat hoặc Weibo của đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh”, một nguồn tin quen thuộc với hoạt động truyền thông của Trung Quốc, cho biết.

Những gì đang diễn ra đã gợi nhắc lại câu chuyện cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ, người từng bị phe diều hâu ở Trung Quốc chỉ trích là “phản bội” khi ông tìm cách đàm phán để đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối thập niên 1990.

David Zweig, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Khoa học Công nghệ Hong Kong, cho biết ông hoài nghi việc Trung Quốc sẵn sàng cho bất kỳ ai biết được thông tin về những nhượng bộ mà Bắc Kinh đã chấp thuận với Mỹ trong cuộc hội đàm tại Argentina.

 

“Ông Chu Dung Cơ không muốn người Trung Quốc biết về những nhượng bộ mà ông đã đưa ra vào năm 1999 để đưa Trung Quốc gia nhập WTO. Tuy nhiên sau đó, Mỹ đã công bố những nhượng bộ này trên trang web của văn phòng đại diện thương mại và ông Chu suýt bị mất chức”, ông Zwieg cho biết.

“Họ hiểu rằng họ sẽ phải đưa ra những nhượng bộ nghiêm túc, nhưng họ không muốn công khai những nhượng bộ này và họ chắc chắn sẽ không công khai trong khi vẫn đang đàm phán”, ông Zwieg cho biết thêm.

Nhận thức được phản ứng tiêu cực từ công chúng, chính quyền Trung Quốc đã điều chỉnh một cách cẩn trọng các tuyên bố liên quan tới việc nhượng bộ Mỹ. Trong mỗi thông báo về đàm phán với Mỹ, Bắc Kinh đều nhắc đi nhắc lại rằng đây không phải là sự nhượng bộ.

Trung Quốc nói rằng việc tăng cường mua thêm các sản phẩm năng lượng và nông nghiệp của Mỹ là nhằm đáp ứng “nhu cầu ngày càng tăng của người dân Trung Quốc” đối với các mặt hàng này. Trong khi đó, những thay đổi trong việc tiếp cận thị trường và bảo vệ sở hữu trí tuệ là nhằm phục vụ cho lợi ích của cả các công ty Trung Quốc và công ty Mỹ.

Thời báo Phố Wall đưa tin Trung Quốc đã đồng ý giảm thuế đối với mặt hàng ô tô do Mỹ sản xuất từ 40% xuống 15% và đang lên kế hoạch thay thế “Made in China 2025” - một chương trình hiện đại hóa công nghiệp nhắm mục tiêu tới Washington. Ngoài ra, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 12/12 cho biết Trung Quốc tiếp tục mua đậu tương của Mỹ trở lại sau lệnh tạm dừng cách đây vài tháng. Đây được cho là những động thái cho thấy Bắc Kinh thực sự đang nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại với Washington.

 


Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm