Quốc tế

Chiến thuật "lấy yếu chống mạnh" của Iran khiến Mỹ không thể làm ngơ

Dù không tương xứng về lực lượng quân sự và số lượng vũ khí với Mỹ song Tehran biết cách lấp đầy khoảng trống đó bằng chiến thuật và vị trí chiến lược.

Vì sao Không quân Iran "đông nhưng không mạnh"? / Iran bất ngờ ngừng chỉ trích S-400, toan tính nào phía sau?

Tên lửa mới

Cuộc không kích của Iran nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq cho thấy Iran đã phát triển được một số tên lửa đạn đạo mới.

"Cuộc không kích cho thấy các tên lửa đạn đạo của Iran có hệ thống chỉ dẫn hiệu quả và chính xác", ông Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, đồng thời khẳng định thêm việc Iran tấn công các mục tiêu của Mỹ mà không gây bất kỳ thương vong nào có thể không phải là tình huống ngẫu nhiên mà có một sự tính toán từ trước.

Chiến thuật
Chiến thuật "lấy yếu chống mạnh" của Iran khiến Mỹ không thể làm ngơ. Ảnh minh họa: AP

Báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược (IISS) cũng cho thấy nhiều cơ sở của quân đội Mỹ tại Trung Đông hiện đang nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran.

“Nếu họ muốn và hầu như không có bất kỳ cảnh báo nào, Iran có thể tấn công bất kỳ vị trí nào trong những địa điểm trên. Khoảng 60.000 quân Mỹ sẽ gặp nguy hiểm", James Marks, một vị Tướng đã nghỉ hưu của Mỹ nhận định với CNN.

Một báo cáo từ tháng 11/2019 của IISS cũng cho thấy bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm đối phó với tên lửa Iran đều vấp phải những thách thức lớn lao.

"Iran chủ yếu dựa vào các bệ phóng tên lửa di động và các đường hầm để tăng khả năng sống sót của các tên lửa trong khi các bệ phóng được phân bố rải rác trên khắp đất nước này. Những yếu tố như vậy khiến đối phương rất khó để hành động trước hay ngăn chặn", báo cáo trên nhận định.

 

Hải quân “bầy đàn”

Trong khi Hải quân Mỹ có những con tàu lớn được trang bị công nghệ hiện đại nhất thì Iran lại có cách đối phó của mình trong vùng biển này: chiến thuật tấn công bầy đàn (swarm tactics - một chiến lược quân sự được tiến hành bằng hoạt động tấn công đồng loạt nhằm làm rối loạn khả năng phản ứng của đối phương, từ đó khiến đối phương xao nhãng vào mục tiêu quân sự chủ yếu mà quân tiến công đang hướng đến).

Trong cuộc tập trận hải quân năm 2015, lực lượng hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã sử dụng 100 thuyền nhỏ để tấn công mô hình tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ trên Vịnh Ba Tư. Quân đội trên những chiếc tàu nhỏ này đã sử dụng những tên lửa vác vai, rocket và súng cối để tấn công vào mô hình tàu Nimitz với những bức ảnh cho thấy tàu sân bay mô hình này hoàn toàn bốc cháy.

Báo cáo của IISS còn chỉ ra rằng Iran có thể đang sở hữu từ 3.000 - 5.000 thuyền nhỏ và có một vị trí hoàn hảo để sử dụng chúng, đó là Eo biển Hormuz - cửa ngõ vào Vịnh Ba Tư.

"Tính bất ngờ, khả năng gây hỗn loạn và tốc độ là những yếu tố quan trọng trong tác chiến của hải quân Iran, cùng với không gian hẹp của Eo biển Hormuz - vùng biển mà tại nơi hẹp nhất chỉ rộng có 32 km sẽ tăng khả năng thành công cho những cuộc tấn công bầy đàn", IISS nhận định.

 

Trong cuộc tập trận năm 2015 này, Iran cũng tập luyện việc đặt bom mìn dưới biển. Một quả mìn của Iran gần như khiến toàn bộ tàu khu trục USS Samuel B.Roberts chìm ở Vịnh Ba Tư năm 1986.

Ông Schuster cho rằng mìn từng được sử dụng trong Thế chiến I nhưng trong những cuộc tập trận năm 2015, một chỉ huy quân sự của Iran khẳng định rằng nước này đã phát triển được những cách thức sử dụng loại vũ khí này hiệu quả hơn.

"Chúng tôi có những quả mìn trên biển hiện đại nhất mà người Mỹ không thể tưởng tượng được", Chuẩn Đô đốc Ali Fadavi sau đó là chỉ huy lực lượng hải quân Iran tuyên bố.

Iran cũng từng thực hiện vô số cuộc tập trận bằng mìn. Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ cho biết Tehran có khoảng 5.000 quả mìn, cả các phiên bản mới và cũ.

IISS cũng nhận định: "Iran có thể cài những quả mìn thật cùng hàng nghìn quả mìn giả khiến những thiết bị dò mìn gặp khó khăn trong việc vô hiệu hóa mối đe dọa này".

 

Phòng không di động

Iran đã phát triển hệ thống phòng không di động tiên tiến tích hợp radar và tên lửa có thể nhắm vào những chiến đấu cơ bay cao nhất của Mỹ, IISS cho biết.

Hệ thống có tên là Sevom-e-Khordad này từng giúp Iran bắn hạ thành công một máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6/2019.

Từ năm 2017, Iran đã sở hữu các tên lửa đất đối không tầm xa SA-20c mà Nga cung cấp, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết, đồng thời đánh giá hệ thống này là "nhân tố đáng gờm nhất trong hệ thống phòng không tích hợp của Iran" trong một báo cáo đánh giá về sức mạnh quân sự Iran năm 2019.

Lực lượng không theo quy ước và quân ủy nhiệm

 

Khi Mỹ tiến hành không kích giết chết tướng Qassem Soleimani ngày 3/1, Iran đã mất đi một chỉ huy quân sự có khả năng tiến hành các chiến dịch bên ngoài lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, Tehran không hề mất đi mạng lưới đồng minh và quân ủy nhiệm hùng hậu mà ông Soleimani từng xây dựng và duy trì.

Những lực lượng này gồm có Hezbollah ở Lebanon, nhóm vũ trang Houthi ở Yemen, lực lượng bán quân sự dòng Shia ở Iraq, Taliban ở Afghanistan, các nhóm vũ trang ở Bahrain và một số khu vực khác, DIA của Mỹ cho biết.

Theo DIA, các lực lượng này được Iran trang bị cho mọi thứ từ súng trường, rocket cho tới máy bay không người lái trong khi đổi lại, điều mà Tehran nhận được chính là tầm ảnh hưởng trong bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra tại khu vực.

"Iran biết cách duy trì sự cân bằng hiệu quả giữa các lực lượng tại Trung Đông để từ đó gia tăng khả năng tiến hành những cuộc chiến tranh thông qua các bên thứ 3 trong khu vực", John Chipman, Tổng giám đốc IISS nhận định hồi tháng 11/2019.

Ông Chipman cũng đánh giá Iran đã có được sự tôn trọng và trung thành từ các lực lượng ủy nhiệm trong khi những kẻ thù của nước này gần như không tìm được bất kỳ biện pháp hiệu quả nào để ngăn chặn các lực lượng này.

 

Ông Schuster thì cho rằng các lực lượng ủy nhiệm để mở rộng tầm chiến đấu của Iran ra bên ngoài biên giới. Chuyên gia này chỉ ra rằng tại Eo biển Bab el-Mandeb, nơi nối Biển Đỏ với Ấn Độ Dương và nằm khơi Yemen là địa điểm mà nhóm vũ trang Houthi - đồng minh của Iran đang kiểm soát. Trong khi đó, có những vùng biển mà hải quân Mỹ nếu muốn sử dụng kênh đào Suez thì sẽ phải đi từ Địa Trung Hải tới Ấn Độ Dương.

Ông Schuster cho rằng nhóm vũ trang Houthi có thể "sẽ bao vây hoặc tấn công rocket vào các tàu thuyền của Mỹ đi qua đây và thậm chí kể cả khi lực lượng này không nhắm trúng mục tiêu thì điều đó cũng đã gửi đi một thông điệp cho Washington".

Như vậy, mặc dù so sánh cả về lực lượng và số lượng, quân đội Iran không hề "tương xứng" với Mỹ nhưng với chiến thuật và lợi thế về vị trí của mình, Tehran có thể khiến Mỹ bất an khi hoạt động trên vùng biển do nước này hoặc các lực lượng ủy nhiệm của nước này kiểm soát.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm