Chiến thuật “nắn gân” Mỹ - Hàn của Triều Tiên khi liên tiếp phóng tên lửa
Lộ diện tàu ngầm tên lửa đạn đạo thế hệ mới của Triều Tiên / Quốc gia nào khối NATO có trực thăng săn ngầm mang vũ khí hạt nhân của Liên Xô
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo dõi vụ phóng tên lửa hôm 26/7 (Ảnh: KCNA)
Theo thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), Triều Tiên đã phóng tên lửa đầu tiên vào lúc 5h06 và tên lửa thứ hai vào lúc 5h27 sáng ngày 31/7 (theo giờ địa phương) tại cảng Wonsan ở bờ biển phía đông nước này. JCS nhận định đây là hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bay được khoảng cách 250 km và đạt độ cao khoảng 30 km.
Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra chỉ 6 ngày sau khi Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, cũng từ khu vực trên, về phía biển Nhật Bản. Hai tên lửa do Triều Tiên phóng đi hôm 26/7 bay xa khoảng 600 km và đạt độ cao khoảng 50 km. Chúng được xác định là tên lửa “KN-23”, hay còn gọi là tên lửa đạn đạo Iskander Nga phiên bản Triều Tiên.
Một quan chức JCS cho biết hai tên lửa sáng nay được Triều Tiên phóng từ xe mang phóng tự hành, tương tự vụ phóng tuần trước. Quan chức này nói rằngtên lửa trong hai vụ phóng gần đây của Triều Tiên dường như cùng loại với nhau.
Giới phân tích nhận định các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên dường như nhằm thể hiện sự bất mãn với cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vào tháng tới.
“Việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn và bay ở tầm thấp cho thấy các vụ thử nghiệm tên lửa này nhắm mục tiêu tới Hàn Quốc. Triều Tiên rõ ràng không hài lòng với những nỗ lực của chúng ta nhằm duy trì sự cân bằng sợ hãi khi chúng ta vẫn tập trận quân sự và quyết định đưa các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 tham gia tập trận”, Nam Chang-hee, giáo sư tại Đại học Inha, Hàn Quốc, cho biết.
Triều Tiên từ lâu đã lên án các cuộc tập trận quân sự chung giữa lực lượng quân sự Mỹ và Hàn Quốc vì cho rằng đây là cách để hai nước đồng minh tập dượt cho kịch bản xâm lược Triều Tiên. Tuy nhiên, Seoul và Washington bác bỏ cáo buộc này, khẳng định hai nước tập trận chỉ đơn thuần nhằm mục đích phòng vệ.
Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng hôm 26/7 (Ảnh: KNC)
Sau vụ phóng tên lửa tuần trước, truyền thông Triều Tiên cho biết vụ phóng này được thực hiện để cảnh cáo Hàn Quốc vì kế hoạch tập trận chung với Mỹ cũng như mua máy bay chiến đấu tối tân từ Washington.
“Vụ phóng nhằm gây sức ép với Seoul vì Triều Tiên không thay đổi lập trường về cuộc tập trận, đồng thời gia tăng căng thẳng bằng cách phô diễn năng lực quân sự của nước này”, Yang Moon-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, cho biết.
Theo một số nhà phân tích, Triều Tiên dường như đã đạt được mục đích “dằn mặt” Hàn Quốc khi liên tiếp phóng tên lửa sau một thời gian “im hơi lặng tiếng”.
Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc đã nhóm họp và bày tỏ quan ngại “sâu sắc” về tên lửa của Triều Tiên, kêu gọi Bình Nhưỡng dừng các hành động có thể làm leo thang căng thẳng và gây tổn hại cho nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo thậm chí nói rằng nên coi Triều Tiên là “kẻ thù” nếu nước này có các động thái khiêu khích đe dọa Hàn Quốc. Đây được cho là tuyên bố cứng rắn nhất của Bộ trưởng Jeong đối với Triều Tiên kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm ngoái.
Các chuyên gia cho rằng phóng tên lửa là một trong những cách hiếm hoi để Triều Tiên thúc đẩy chính quyền Tổng thống Donald Trump phá vỡ thế bế tắc của các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ.
“Điều quan trọng với Triều Tiên là thu hút sự chú ý của Washington và buộc Mỹ đưa ra những điều khoản có lợi hơn, gần gũi hơn với yêu cầu của Triều Tiên. Họ cũng gửi thông điệp ngầm rằng các cuộc đàm phán có thể đổ vỡ nếu Mỹ không hành động”, Shin Beom-chul, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, nhận định.
Triều Tiên phóng tên lửa khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Thái Lan để chuẩn bị tham dự cuộc họp với bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN trong tuần này. Vấn đề Triều Tiên dự kiến sẽ nằm trong chương trình làm việc của ông Pompeo.
Chuyên gia Harry Kazianis tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Washington cho rằng vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên nhằm mục đích gây sức ép với Mỹ.
“Hiện tại, có vẻ như các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ tạm dừng cho tới mùa thu, vì chính quyền Kim Jong-un sẽ không ngay lập tức quay lại con đường ngoại giao sau vụ thử tên lửa lần này”, ông Kazianis cho biết.
Các chuyên gia cảnh báo Triều Tiên có thể sẽ còn phóng thêm nhiều tên lửa cho tới khi cuộc tập trận Mỹ - Hàn kết thúc. Sau đó, các nỗ lực ngoại giao có thể bắt đầu, dự kiến vào khoảng cuối tháng 8.
“Cho tới lúc đó, Triều Tiên có thể phóng thêm vài tên lửa nữa. Đây là cách để duy trì sức mạnh đàm phán trong tiến trình đối thoại”, chuyên gia Shin nói.
Đại tá Lee Peters, phát ngôn viên của lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, cho biết Washington đã nắm được thông tin về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo