Quốc tế

Chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ định hình lại thị trường toàn cầu

Chỉ sau 100 ngày, loạt thuế quan cực đoan từ Nhà Trắng đã làm đảo lộn thị trường tài chính, đẩy vàng lên đỉnh, chứng khoán lao dốc và khơi mào làn sóng đối đầu kinh tế chưa từng có trên toàn cầu.

Người Mỹ đổ xô mua ô tô trước lo ngại thuế quan đẩy giá tăng mạnh / Máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu: Cuộc đua tàng hình và trí tuệ nhân tạo giữa các cường quốc

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Theo bình luận của hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ sau 100 ngày đầu tiên kể từ khi nhậm chức đã tạo ra những cơn sóng ngầm mạnh mẽ xuyên suốt nền kinh tế toàn cầu, gây ra một cuộc tái định hình thị trường tài chính chưa từng thấy.

Thuế quan toàn diện - vũ khí kinh tế của Nhà Trắng

Kể từ ngày nhậm chức 20/1, chính quyền Trump đã liên tục đưa ra các thông báo chính sách làm rung chuyển thị trường quốc tế. Đòn bẩy chính trong chiến lược này là việc áp dụng mức thuế quan toàn diện vào đầu tháng 4, nhắm vào hơn 180 quốc gia - được Tổng thống Trump gọi là "thuế quan có đi có lại" (hay thuế quan đối ứng).

Cụ thể, các mức thuế dao động từ mức cơ bản 10% cho đến mức cao nhất lên tới 245% đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Mục tiêu được tuyên bố là nhằm khuyến khích các công ty chuyển hoạt động sản xuất trở lại Mỹ, giảm thâm hụt thương mại và tạo việc làm cho người dân Mỹ.

Trong khi Tổng thống Trump ca ngợi những biện pháp này là con đường để đưa "hàng nghìn tỷ USD" trở lại Mỹ, phản ứng từ các nền kinh tế lớn đã được đưa ra ngay lập tức. Đặc biệt, Trung Quốc đã nhanh chóng đáp trả bằng cách áp thuế 125% đối với hàng hóa của Mỹ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến kinh tế toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.Không kém phần quan trọng, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã có những động thái trả đũa, góp phần vào làn sóng bất ổn kinh tế toàn cầu.

 

Thị trường chứng khoán: Biến động kỷ lục

Thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một giai đoạn biến động mạnh mẽ trong 100 ngày đầu tiên dưới thời Trump. Các chỉ số chính đều chứng kiến mức giảm đáng kể:

Chỉ số Dow Jones giảm 8,4%, ổn định ở mức khoảng 40.500 điểm vào cuối tháng 4, sau khi đã chạm mức thấp gần 37.600 điểm. S&P 500 giảm 8,2%, đóng cửa ở mức 5.550 điểm, và từng giảm xuống dưới mốc tâm lý quan trọng 5.000 điểm. Chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm 11,8% xuống còn 17.410 điểm, thấp nhất là khoảng 15.250 điểm.

"Mức độ biến động này phản ánh sự bất an sâu sắc của các nhà đầu tư về tương lai của nền kinh tế toàn cầu dưới áp lực của các chính sách thương mại cứng rắn," các chuyên gia thị trường nhận định.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên làm việc tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Tiền tệ và hàng hóa: Cuộc tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn

 

Thị trường tiền tệ cũng phản ứng mạnh mẽ trước các chính sách của Trump. Chỉ số đô la Mỹ giảm 8,3%, xuống còn 99, trong khi đồng euro tăng mạnh 9,6%, ổn định ở mức 1,14 USD, so với 1,04 USD trước đó.

Khi các thị trường chứng khoán và tiền tệ trở nên bất ổn, các nhà đầu tư đã chuyển hướng sang các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống, đặc biệt là vàng. Giá vàng đã tăng mạnh 22,5% trong 100 ngày đầu tiên của ông Trump, từ khoảng 2.700 USD/ounce lên mức cao kỷ lục vượt quá 3.300 USD vào cuối tháng 4, và thậm chí đạt đỉnh 3.350 USD vào giữa tháng.

Ngược lại, thị trường dầu mỏ chịu áp lực giảm mạnh. Dầu thô Brent giảm khoảng 20%, từ gần 79 USD/thùng vào cuối tháng 1 xuống còn khoảng 63 USD vào cuối tháng 4. Các nhà phân tích cho rằng điều này phản ánh lo ngại về việc thuế quan sẽ làm giảm hoạt động thương mại toàn cầu, từ đó giảm nhu cầu dầu.

Bitcoin, dù được kỳ vọng tăng trưởng nhờ sự ủng hộ của ông Trump đối với tiền điện tử, cũng đã giảm 8,5% trong giai đoạn này.

Các công ty công nghệ lớn chịu tổn thất nặng nề

 

Trong số các cổ phiếu bị ảnh hưởng, các công ty công nghệ lớn chịu tác động mạnh nhất: Tesla, dù được hưởng lợi từ mối quan hệ giữa CEO Elon Musk và Tổng thống Trump, đã giảm mạnh 32%. Nvidia, gã khổng lồ về chất bán dẫn, giảm 22,8%. Alphabet (công ty mẹ của Google) giảm 19,7%. Amazon giảm 19,1%. Meta giảm 10,4%.Microsoft giảm 8,2%. Apple, thường kiên cường nhất, cũng giảm 5,4%.

"Sự sụt giảm này cho thấy mối quan ngại sâu sắc của các nhà đầu tư về ảnh hưởng của thuế quan đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và chi phí sản xuất của các công ty công nghệ", một chuyên gia thị trường chứng khoán nhận xét.

Sau 100 ngày đầu tiên dưới chính quyền Trump, bức tranh kinh tế toàn cầu đang chứng kiến những điều chỉnh mạnh mẽ. Các nhà phân tích dự báo rằng nếu các chính sách thuế quan tiếp tục được duy trì hoặc mở rộng, chúng ta có thể chứng kiến một sự tái cấu trúc sâu rộng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thay đổi dòng chảy thương mại quốc tế và tác động lâu dài đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.

Trong bối cảnh đầy biến động này, câu hỏi lớn đặt ra là liệu "thuế quan có đi có lại" của ông Trump có thực sự mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ như cam kết, hay sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng hơn trên toàn cầu.


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm