Quốc tế

Chuyên gia: Bị "vành đai trắng" của Nga đẩy vào chân tường ở Syria, Thổ sẽ nhượng bộ?

Máy bay Nga-Syria thường xuyên ném bom vào khu vực rộng khoảng 2.000 km2 ở Idlib, biến nơi đây thành "vành đai trắng" (khu vực tự do oanh kích).

Phiến quân Syria "đề nghị" Nga ném bom vào vị trí của mình tại Idlib / Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sớm tung xe tăng hạng trung Kaplan MT vào chiến trường Syria?

Ngày 26/3, Viện chính sách Cận Đông (WINEP) có trụ sở tại Mỹ xuất bản bài viết: "Idlib May Become the Next Gaza Strip" (tạm dịch: Idlib có thể sẽ trở thành một "Dải Gaza mới") của nhà phân tích Fabrice Balanche.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là trong bối cảnh lệnh ngừng bắn theo sau Thỏa thuận Moscow ở tây bắc Syria nhiều khả năng sẽ sớm đổ vỡ, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Từ "Idlib lớn" tới "Idlib nhỏ"

Lệnh ngừng bắn tại tỉnh Idlib của Syria theo sau Thỏa thuận Moscow được ký giữa Nga-Thổ là "đòn chí tử" tiếp theo trong quá trình thu hẹp "Idlib lớn" (phần lãnh thổ do các tay súng chống chính phủ Damascus kiểm saots) còn phân nửa kể từ tháng 4/2019.

Tuy nhiên, bước tiến này cũng chỉ là "tạm thời" so với mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các đồng minh để tiêu diệt thứ mà họ coi là "Jihadistan" (vùng đất của những kẻ thánh chiến Hồi giáo /Jihad).

Các tay súng chống chính phủ Syria hiện chỉ kiểm soát 3.000 km2 của "Idlib lớn", giảm từ 7.000 vào tháng 4/2019 và 9.000 vào tháng 9/2017, khi Quân đội Arab Syria (SAA) tiến hành hoạt động quân sự lớn đầu tiên nhằm tái chiếm khu vực.

Đầu tháng 3/2020, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ đã ước tính dân số trong khu vực nói trên là 2,6 triệu người.

Con số nói trên được tính là giảm so với số liệu tháng 4/2019 là 3 triệu (bao gồm 1.300.000 IDP/người tản cư) nhưng thực tế là khoảng 400.000 đã di chuyển từ "Idlib lớn" tới khu vực phía bắc của tỉnh Aleppo hiện do lực lượng Thổ kiểm soát.

Đối mặt với chiến sự và tình trạng thiếu chỗ ở tại Idlib, phần lớn trong số những người tản cư nói trên đã "tái định cư" ở Afrin trong những ngôi nhà của người Kurd (đã di tản trước trong và sau chiến dịch "Cành Olive" của Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa đông năm 2018).

OCHA hiện coi Idlib và phía bắc Aleppo chỉ là một thực thể với 4 triệu dân (2,6 triệu người địa phương và 1,4 triệu người tản cư). Điều này cho thấy cách cơ quan này dự đoán sẽ có nhiều người từ Idlib di chuyển tới phía bắc Aleppo trong những tháng tới.

Chuyên gia: Bị vành đai trắng của Nga đẩy vào chân tường ở Syria, Thổ sẽ nhượng bộ? - Ảnh 1.

Tiến trình giảm lãnh thổ ở "Idlib lớn" từ năm 2017 tới nay với khu vực "Dải Gaza" mới nằm sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

"Dải Gaza mới" ở miền bắc Syria

WINEP đã quan sát sâu hơn vào khu vực này và nhận thấy các thay đổi đang diễn ra có thể dẫn tới việc biến một khu vực ở tây bắc Syria thành một "Dải Gaza mới".

"Dải Gaza mới" để chỉ một nơi có mật độ dày đặc người tị nạn, nơi mà Liên Hiệp Quốc phải hợp tác với các nhóm vũ trang vì trên thực tế chúng là cơ quan có thẩm quyền duy nhất trong khu vực.

Uớc tính có khoảng 50.000 tay súng chống chính phủ hoạt động tại Idlib vào năm 2019, nhưng hiện tại rất khó có thể xác định số lượng do tổn thất trong giao tranh và đào ngũ.

Nhóm khủng bố Hayyat Tahrir al-Sham (HTS) vẫn tiếp tục thống trị khu vực, với "cánh tay nối dài" là các nhóm khủng bố Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP) và Tanzim Hurras al-Deen (tất cả chúng đều có liên hệ với al-Qaeda).

 

Một số nhóm phiến quân Syria đã tham chiến ở Idlib như Faylaq al-Sham, Ahrar al-Sham, Jaysh al-Ahrar, Jaysh al-Izza) nhưng chủ yếu cư trú tại phía bắc Aleppo và đóng quân gần các cứ điểm của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF).

HTS đã củng cố kiểm soát Idlib thông qua cái gọi là Chính phủ Cứu rỗi Syria (thành lập vào tháng 9/2017). "Chính phủ" này dần dần loại bỏ các cấu trúc của Chính phủ lâm thời Syria (lưu vong tại Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ) cũng như các tổ chức địa phương được hưởng lợi từ viện trợ.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tỏ ra khá "thực dụng" ở Idlib bằng cách hợp tác chặt chẽ với HTS.

Lãnh đạo của HTS Abu Muhammad al-Julani thì hy vọng rằng "vùng đệm" được Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ tại phần còn lại của Idlib sẽ biến tham vọng "Tiểu vương quốc Hồi giáo Idlibstan" phát triển. Tuy nhiên, "giấc mơ" này bị dồn ép vào vùng đất nhỏ chỉ bằng 1/3 so với trước đây.

Không giống như các phần còn lại ở Idlib là mục tiêu không kích của máy bay Nga, khu vực được cho là "Dải Gaza mới" này tương đối "yên bình".

 

Không chỉ vì nó tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, mà nhiều khả năng là Damascus và các đồng minh muốn người di tản và phiến quân tập trung tại đây.

Ngoài ra, Bab al-Hawa cửa khẩu duy nhất nối Idlib với thế giới bên ngoài cũng như nguồn viện trợ nhân đạo cũng có "sức hút" nhất định với người di tản (các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức của LHQ không đi quá xa khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vì lý do an ninh).

Đoàn xe của Liên Hiệp Quốc vượt cửa khẩu Bab al-Hawa để tiến hành hoạt động nhân đạo tại tỉnh Idlib, Syria.

"Vành đai trắng" của sự hủy diệt?

Ngay cả những người dân Idlib tản cư cũng chưa muốn trở về nhà (những nơi cách xa biên giới và nằm trong tầm kiểm soát của phiến quân) do các khu vực này có thể trở thành mục tiêu ném bom và tâm lý không tin tưởng vào lệnh ngừng bắn hiện tại.

 

Nói cách khác, họ sẵn sàng vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ hay di chuyển về phía bắc Aleppo trong trường hợp có một đợt tấn công khác diễn ra hơn là trở về nhà.

Khu vực nằm giữa "Dải Gaza mới" và vùng do chính phủ kiểm soát( bao gồm thủ phủ Idlib) rộng khoảng 2.000 km2 và có khoảng 500.000 người cư trú.

Máy bay của Nga-Syria thường xuyên ném bom khu vực này do không muốn nó trở thành "nơi trú ẩn an toàn" của các nhóm khủng bố. Theo quan điểm của Damascus, khu vực này của tỉnh Idlib phải được giải phóng hoặc trở thành "vành đai trắng" (khu vực tự do oanh kích).

Các thị trấn nhỏ như Atareb, Taftanaz và Binnish cũng không an toàn hơn Idlib vì giờ đây chúng nằm trong tầm bắn của pháo binh SAA. Khu vực phía nam đường cao tốc M4 được gọi là Jabal al-Zawiya hiện đang là "vùng đất không người".

Chuyên gia: Bị vành đai trắng của Nga đẩy vào chân tường ở Syria, Thổ sẽ nhượng bộ? - Ảnh 3.

Bản đồ chi tiết về "Dải Gaza mới" ở tây bắc tỉnh Idlib.

 

Dọc theo cao tốc M4 là một dải đất rộng 12 km sẽ trở thành khu phi quân sự nơi Moscow và Ankara tuần tra chung.

Các nhóm khủng bố từ chối nhượng bộ vì điều đó đồng nghĩa với việc tự phá hủy tuyến phòng thủ ở phía nam Idlib và đặt Jisr al-Shughour, Jabal al-Kabani và Ariha vào tầm ngắm của đợt tấn công mới của SAA.

Jisr al-Shughour có 50.000 dân trước chiến tranh và phần lớn là người Arab Sunni. Nó là cửa ngõ vào đồng bằng al-Ghab từ phía bắc và vùng Arab Alawite trung thành với chính phủ từ phía đông.

SAA đã kiểm soát thành phố cho đến tháng 5/2015, khi các nhóm tiền thân của HTS chiếm được nó. Hàng trăm dân thường Alawite đã bị giết hại và bị bắt cóc trong các đợt tấn công từ Jisr al-Shughour tới các làng Eshtabraq và al-Ziyarah phía nam thành phố.

Mong muốn "rửa hận" cùng với giá trị chiến lược của thành phố biến thành mục tiêu ưu tiên của SAA mặc dù nó nằm ở phía bắc của cao tốc M4.

 

Phía tây nam của cao tốc M4, Jabal al-Kabanah (còn gọi là mặt trận Zuwayqat-Kabanah) là "cánh cửa" mở về Jisr al-Shughour. Dải đồi núi này cũng bao quát đồng bằng al-Ghab và thung lũng sông Nahr al-Kabir, tuyến đường tự nhiên nối Latakia với Jisr al-Shughour.

Jabal al-Kabanah đã bị SAA tấn công liên tục từ tháng 4/2019 nhưng các tuyến phòng thủ của đối phương bao gồm một mạng lưới các đường hầm khiến nơi đây thành một cứ điểm gần như không thể đánh chiếm. Tuy vậy, với việc mất kiểm soát M4, Jabal al-Kabanah sẽ bị bao vây.

Ariha, một thị trấn phía nam đường cao tốc từng có 60.000 dân hiện tại đã không còn người ở do các cuộc pháo kích dữ dội tháng 2/2020.

SAA đã "ưu tiên" tấn công thị trấn trong những đợt giao tranh cuối cùng trước ngưng bắn vì những ngọn đồi gần đó kiểm soát một khu vực nông thôn rộng hàng chục km.

Việc Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) tăng cường lực lượng và triển khai các cứ điểm dọc theo cao tốc M4 được cho là một động tác "bảo vệ" cho "Dải Gaza mới" nơi hiện là mối quan tâm chính của họ.

 

Ankara không muốn thấy sự hoảng loạn khiến 2 triệu người tị nạn mới cố gắng vượt biên vào Thổ Nhĩ Kỳ.Tuy nhiên các cứ điểm khó có thể đóng vai trò phòng thủ do trong quá khứ, 8 trong số 12 cứ điểm được thiết lập từ năm 2018 đã bị bao vây.

Sự hiện diện của 9.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib được coi là đáng kể, nhưng họ sẽ duy trì tình trạng này bao lâu vẫn là một câu hỏi mở.

Chuyên gia: Bị vành đai trắng của Nga đẩy vào chân tường ở Syria, Thổ sẽ nhượng bộ? - Ảnh 5.

Các căn cứ của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) trong tỉnh Idlib hiện đã "hòa lẫn" với các nhóm vũ trang đối lập.

Chiến sự Idlib sẽ ra sao trong tương lai?

Các bên tham chiến ở tây bắc Syria đã tỏ ra mình có mục tiêu rõ ràng và trên hết là quan trọng đối với họ. Nga muốn các nhóm khủng bố cách xa họ. HTS và các đồng mình thì đã bị "dồn tới chân tường" do đó sẵn sàng quyết tử nếu cần.

 

Damascus thì muốn tái kiểm soát càng nhiều lãnh thổ Syria càng tốt còn Ankara sẽ chỉ "bàn giao" Idlib nếu họ được "bật đèn xanh" cho hoạt động quân sự nhằm vào gười Kurd Syria ở phía đông; và trên hết, nó không muốn nhiều người tị nạn hơn.

Tương tự như vậy, Liên minh châu Âu (EU) đang "run rẩy" trước viễn cảnh vài triệu người tị nạn hướng đến biên giới của mình.

Những mục tiêu này kết hợp với tình hình quân sự trên mặt đất cho thấy kịch bản rất có thể sẽ diễn ra là một sự thỏa hiệp khu vực và vùng lãnh thổ tỉnh Idlib do "phe đối lập" kiểm soát tiếp tục thu nhỏ tới mức của "Dải Gaza mới".

Đây có lẽ không phải là giải pháp tốt nhất cho hàng triệu người Syria đang bị giam cầm trong "nhà tù khổng lồ" Idlib, nhưng dường như đó chưa thể trở thành lý do cần và đủ để các phe phái tham chiến theo đuổi một "sự mạo hiểm" khác.

Nhà phân tích Fabrice Balanche hiện là phó giáo sư tại Đại học Lyon 2, thành viên của Viện chính sách Cận Đông (WINEP) đồng thời là tác giả của cuốn sách "Các giáo phái trong nội chiến Syria: Một nghiên cứu địa chính trị".

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm