Chuyển giao trước Việt Nam nhưng giờ Philippines mới nhận tàu Pohang từ Hàn Quốc
Mặc dù hải quân Philippines được phía Hàn Quốc trao tặng một tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang trước cả Việt Nam nhưng tới ngày 5/8 họ mới chính thức tiếp nhận chiếc chiến hạm này.
Tàu vận tải Nga chở đầy bom có sức công phá lớn cập cảng Syria / "Hố đen đại dương" thuộc Lữ đoàn Tàu ngầm của Hải quân Việt Nam
Vào năm 2017 phía Hàn Quốc thông báo 2 tàu hộ vệ săn ngầm mang tên Gimcheon (PCC-761) và Chungju (PCC-762) đã được đưa vào diện bàn giao, chúng thuộc thế hệ 3 (Flight III) của lớp chiến hạm Pohang.
Được biết hai con tàu này bắt đầu phục vụ trong hải quân Hàn Quốc từ năm 1987. Chiếc Gimcheon đã nghỉ hưu từ ngày 31/12/2015, trong khi tàu Chungju bị loại ngũ ngày 27/12/2016.
Hàn Quốc đã thông báo chuyển giao tàu Chungju cho hải quân Philippines và sau đó là tặng chiếc Gimcheon cho hải quân Việt Nam như biện pháp thắt chặt tình hữu nghị.
Nhưng có một điều đặc biệt đó là hải quân Việt Nam mặc dù được tặng tàu Pohang sau Philippines nhưng chúng ta đã đưa tới 2 chiếc vào biên chế, bao gồm tàu Gimcheon (số hiệu hiện tại 18) và tàu Sokcho (số hiệu hiện tại 20)
Còn Philippines, phải sau hơn 2 năm kể từ ngày được Hàn Quốc chuyển giao thì tàu Chungju mới được họ tiếp nhận, con tàu mang số hiệu mới là PS-39 Conrado Yap.
Sở dĩ có tình trạng trên là bởi hải quân Philippines không đủ năng lực đại tu, sửa chữa lớn cho con tàu, trong khi họ lại chưa thanh toán tiền thuê đối tác Hàn Quốc thực hiện.
Chiếc chiến hạm Pohang của hải quân Philippines vẫn đầy đủ giàn vũ khí như khi còn tại ngũ trong hải quân Hàn Quốc, sẽ góp phần nâng cao đáng kể sức mạnh của quốc gia Đông Nam Á này.
Lớp tàu hộ vệ săn ngầm Pohang có kích cỡ trung bình với chiều dài 88,3 m; chiều rộng 10 m; mớn nước 2,9 m; lượng giãn nước đầy tải 1.300 tấn; thủy thủ đoàn 95 người.
Động cơ CODOG (kết hợp diesel và turbine khí) cho phép tàu chạy với vận tốc tối đa 32 hải lý/h (59 km/h), tốc độ hành trình 15 hải lý/h (28 km/h), tầm hoạt động 4.000 hải lý (7.400 km).
Vũ khí trang bị cho thế hệ Flight III của lớp tàu hộ vệ Pohang bao gồm 2 khẩu pháo Oto Melara Compact cỡ 76,2 mm với nòng dài gấp 62 lần đường kính (76 mm/62) bố trí trước - sau.
Bên cạnh đó, trên tàu còn có 2 bệ pháo bắn nhanh Nobong 40 mm/70 nòng đôi, đây là phiên bản pháo Dardo của Italia do Hàn Quốc sản xuất theo giấy phép.
Ngoài tác dụng bổ trợ cho khẩu 76 mm trong việc tiêu diệt các mục tiêu cỡ nhỏ thì nó còn đảm trách vai trò phòng không, chống lại máy bay bay thấp cũng như tên lửa hành trình chống hạm (cho dù chức năng khá hạn chế).
So sánh với Flight II thì đáng ngạc nhiên là thế hệ Flight III lại không có tên lửa chống hạm (phải đến Flight IV mới được bổ sung 4 tên lửa RGM-84 Harpoon).
Có lẽ phía Hàn Quốc chỉ muốn phân lớp này tập trung vào nhiệm vụ săn ngầm, họ lắp đặt cho con tàu 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi săn ngầm hạng nhẹ Mk 32 cỡ 324 mm.
Về hệ thống điện tử, tàu được trang bị radar trinh sát bề mặt Marconi ST-1810, hệ thống điều khiển hỏa lực ST-1802, thiết bị ngắm bắn quang học Radamec 2400 cùng với thiết bị định vị thủy âm (sonar) gắn liền loại Signaal PHS-32.
Hàn Quốc chuyển giao tàu cùng nguyên vạn dàn vũ khí, tuy nhiên, cơ số đạn pháo, ngư lôi đi kèm tàu sẽ được bán theo dạng hợp đồng thương mại.
Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo