Quốc tế

Công ty Trung Quốc chế tạo bộ phận quan trọng của tiêm kích tàng hình F-35

Một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc đang chế tạo bảng mạch cho các máy bay chiến đấu hiện đại F-35 mà Mỹ và Anh đều sử dụng, Bộ Quốc phòng Anh tiết lộ. Thông tin này diễn ra giữa lúc Washington lo ngại Bắc Kinh đánh cắp các công nghệ chủ chốt của Mỹ.

Mỹ có thể thua Nga, Trung Quốc vì vấn đề này / Mỹ gặp trục trặc chế tạo hệ thống đánh chặn tên lửa Triều Tiên

Công ty Trung Quốc chế tạo bộ phận quan trọng của tiêm kích tàng hình F-35 - 1

Các máy bay chiến đấu F-35 (Ảnh minh họa: RAF)

Theo một tuyên bố do Bộ Quốc phòng Anh phát đi hôm 14/6, công ty Exception PCB đóng tại Gloucestershire, tây nam nước Anh, “kiểm soát nhiều tính năng chủ chốt của máy bay chiến đấu F-35, trong đó có các hệ thống động cơ, ánh sáng, nhiên liệu và định vị”.

Công ty Shenzhen Fastprint có trụ sở tại Trung Quốc đã mua lại công ty Exception PCB của Anh vào năm 2013.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Anh vẫn khẳng định Exception PCB không gây ra nguy cơ nào đối với chuỗi cung ứng của F-35 và rằng đây là một nhà sản xuất có tiếng về bảng mạch cho ngành công nghiệp quốc phòng, nhưng một số người vẫn lên tiếng bày tỏ lo ngại.

Ông Gerald Howarth, một cựu quan chức quốc phòng của đảng Bảo thủ Anh, tỏ ra lo ngại rằng công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc đang chế tạo các bộ phận cho một chương trình bí mật của Mỹ, viện dẫn những lo ngại về tính cạnh tranh và hành vi gián điệp của Trung Quốc.

“Chúng tôi hoàn toàn không biết gì về vai trò của Trung Quốc và chỉ giờ đây mọi người mới bắt đầu thức tỉnh”, ông Howarth nói.

 

Tuy nhiên, theo báo Telegraph của Anh, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Exception PCB hay công ty mẹ Shenzhen Fastprint đã làm gì sai trái.

Thông tin trên được tiết lộ sau những cáo buộc rằng Trung Quốc đã cố gắng đánh cắp các chi tiết về chương trình F-35 trị giá nhiều tỷ USD, do tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ đứng đầu.

Được trang bị các cảm biến tối tân và các công nghệ khác, máy bay chiến đấu tàng hình F-25 dự kiến sẽ trở thành xương sống của quân đội Anh, Mỹ và các lực lượng hải quân và không quân các nước đồng minh trong những thập niên tới.

Hãng Lockheed Martin cho hay hãng không hay biết bất kỳ một nhà cung cấp nào khác thuộc sở hữu của Trung Quốc trong chương trình F-35 vào thời điểm này.

Trong một ấn bản hồi tháng 3, Bộ Quốc phòng Anh còn ca ngợi Exception PCB là một ví dụ tiêu biểu của một công ty đóng tại Anh tham gia cung cấp các bộ phận của F-35. Tuy nhiên, tài liệu không để cập tới việc công ty mẹ đóng tại Trung Quốc đã mua lại nó vài năm trước.

 

Vào tháng 11 năm ngoái, một bài viết do Bộ Quốc phòng Anh xuất bản nói rằng 107 nhân viên của công ty “chế tạo các bảng mạnh vốn kiểm soát các tính năng cơ bản của F-35, bao gồm các hệ thống động cơ, ánh sáng, nhiên liệu và định vị”. Bài viết cũng không đề cập tới công ty mẹ tại Trung Quốc.

Một điều đáng chú ý là, Exception PCB không chỉ tham gia sản xuất các bộ phận của F-35 mà cũng sản xuất các thiết bị cho máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon, F-16 của Lockheed Martin, trực thăng Apache.

Về phần mình, Lockheed Martin đã ám chỉ rằng mọi nguy cơ vẫn hiện hữu mặc dù tất cả các bộ phận trên máy bay F-35 điều được kiểm tra liên tục ngay ở giai đoạn chế tạo ban đầu.

Thông tin trên được tiết lộ giữa lúc một cuộc tranh cãi ngày càng leo thang giữa Mỹ và tập đoàn công ty khổng lồ của Trung Quốc là Huawei. Washington cáo buộc Huawei đánh cắp dữ liệu cơ sở hạ tầng không gian mạng cho chính phủ Trung Quốc, điều mà công ty có trụ sở tại Thâm Quyến bác bỏ mạnh mẽ.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh cấm sử dụng công nghệ của Huawei, cấm các công ty Mỹ, trong đó có Google, làm ăn với công ty Trung Quốc mà không có giấy phép của chính phủ. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng đang cố gắng thuyết phục các đồng minh châu Âu, trong đó có Anh, chặn Huawei tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G. Mỹ đã cảnh báo về việc có thể hạn chế hợp tác tình báo với bất kỳ quốc gia nào cho phép sử dụng thiết bị của Huawei trong các mạng lưới của các nước này.

 

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm