Quốc tế

COVID-19 tới 6 giờ ngày 12/8: Thế giới trên 600.000 ca bệnh mới; Chuyên gia kêu gọi Mỹ mở kho dự trữ vaccine

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 621.846 trường hợp mắc COVID-19 và 9.324 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 205 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,3 triệu người không qua khỏi.

4 “lá chắn thép” giúp thế giới ngăn chặn đại dịch COVID-19 / Thế giới vượt 200 triệu ca COVID-19 trước sự "thống trị" của biến thể Delta

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 9/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 12/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 205.357.360 ca, trong đó có 4.335.723 người tử vong.

Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại.

Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Anh, Indonesia và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Sau một thời gian, Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới, với gần 100.000 trường hợp trong 24 giờ qua.

Người dân chờ làm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Jerusalem, ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 184.402.792 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 16.618.845 ca và 101.815 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 11/8, thế giới có 147 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh với tổng số ca nhiễm trên 36,98 triệu ca, trong đó 635.440 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ và Brazil với số ca nhiễm tại 2 nước này lần lượt ở con số 32,07 triệu ca và 20,02 triệu ca. Trong khi đó, tổng số bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19 tại Brazil là 564.890, cao hơn con số Ấn Độ ghị nhận được 485.056 ca.

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đang trở thành mối đe dọa đối với nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 mà toàn cầu đã đạt được trong nhiều tháng qua khi làn sóng dịch bệnh gia tăng tại nhiều nước, kể cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Hơn 175 chuyên gia y tế công cộng và các nhà khoa học hàng đầu cũng như nhà hoạt động xã hội của Mỹ đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden có các bước đi khẩn cấp để cùng thế giới đương đầu với đại dịch COVID-19, trong đó có việc lập tức xuất khẩu lượng vaccine mà nước này đang lưu trữ.

Ngày 11/8, tờ The Washington Post đã đăng toàn văn một bức thư chung mà các nhà khoa học gửi tới các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đề ngày 10/8, trong đó nêu rõ biến thể Delta đang khiến châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á phải chứng kiến sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới do COVID-19, trong khi những khu vực này lượng vaccine còn rất hạn chế.

Các nhà khoa học cảnh báo thực tế này tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, một số biến thể có thể kháng lại các loại vaccine hiện có và đe dọa các thành tựu mà các nước đã đạt được trong gần hai năm qua. Họ nhấn mạnh "hiện là thời điểm mà các nhà lãnh đạo đầy tham vọng tiến hành tiêm chủng cho toàn thế giới".

Các nhà khoa học kêu gọi chính quyền Mỹ "trong vòng 1 tuần tới triển khai ngay việc xuất khẩu ít nhất 10 triệu liều vaccine/tuần" cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX hoặc thông qua các cơ chế phân phối toàn cầu khác. Giới chuyên gia gợi ý Nhà Trắng cũng nên phát triển và tập huấn cũng như chuyển giao công nghệ bào chế và sản xuất vaccine mRNA cũng như các vaccine khác tại nhiều nơi trên thế giới.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Hiện châu Á đang là điểm nóng của dịch COVID-19 với số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngay đặc biệt tăng cao tại một số nước như Iran, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Nhật Bản. Trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận hơn 42.500 ca nhiễm mới; Indonesia có thêm hơn 30.600 ca nhiễm. Con số này tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và Nhật Bản lần lượt là 21.038 ca, 20.780 ca, 12.021 ca và 10.579 ca. Toàn khu vực châu Á trong 24 giờ qua ghi nhận thêm gần 189.000 ca nhiễm và khoảng 3.300 ca tử vong.

Đại dịch COVID-19 nguy cơ vượt tầm kiểm soát ở Hàn Quốc khi số ca nhiễm mới trong ngày lần đầu tiên vượt 2.000 ca vào ngày 11/8. Các chuyên gia y tế sở tại cũng đưa ra cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay dường như đang khó kiềm chế hơn những làn sóng trước đây và thậm chí vẫn chưa đạt đỉnh dịch.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 1/8/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cùng ngày đã ghi nhận thêm 2.223 ca mới, trong đó có 2.145 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số lên 216.206 ca. Đây là số ca nhiễm hằng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở nước này vào tháng 1/2020, vượt mức cao nhất trước đó là 1.895 ca được ghi nhận vào ngày 27/7. Số ca nhiễm mới hàng ngày duy trì ở mức trên 1.000 ca kể từ ngày 6/7.

 

Sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới hằng ngày xuất hiện trong bối cảnh Hàn Quốc áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất kéo dài tại khu vực thủ đô và vùng phụ cận khiến các cơ quan y tế phải cảnh giác cao độ. Đặc biệt chỉ 2 ngày trước đó, có đánh giá cho rằng các ca nhiễm mới "đang giảm dần".

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, ngày 10/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc đã phê chuẩn thử nghiệm tiêm kết hợp vaccine đầu tiên giữa vaccine “bất hoạt” của hãng dược Sinovac nước này với vaccine được sản xuất dựa trên ADN do hãng dược Inovio của Mỹ bào chế. Công ty Advaccine Biopharmaceuticals Suzhou, đối tác thử nghiệm của hãng Inovio ở Trung Quốc đưa ra thông báo trên ngày 10/8.

Thử nghiệm này sẽ kiểm tra tính hiệu quả của việc kết hợp hai loại vaccine này trong phòng chống COVID-19, nhất là trong bối cảnh biến thể Delta lây lan nhanh đang làm gia tăng lo ngại về tính hiệu quả của các loại vaccine. Trong một tuyên bố, Chủ tịch công ty Advance Biopharmaceuticals Suzhou, Wang Bin cho biết các nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy việc kết hợp hai loại vaccine khác nhau tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn và cân bằng hơn.

 

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vẫn chưa có đủ dữ liệu để khẳng định việc tiêm kết hợp 2 loại vaccine khác nhau là an toàn và làm tăng khả năng miễn dịch. Công ty Inovio chưa công bố bất kỳ dữ liệu nào về tính hiệu quả từ các thử nghiệm lâm sàng trên toàn cầu. Đây là vaccine dựa trên DNA đầu tiên được thử nghiệm tại Trung Quốc.

Hành khách chờ đợi thông tin về các chuyến tàu tại nhà ga trung tâm Berlin, Đức khi các lái tàu tiến hành đình công, ngày 11/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp khi Nga và Anh ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 tăng vọt. Nhiều nước, trong đó có Ukraine, gia hạn các biện pháp phòng dịch đến ngày 1/10. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định thế giới sẽ còn phải sống chung với dịch COVID-19 trong nhiều tháng nữa và cuộc khủng hoảng dịch bệnh sẽ còn tiếp diễn.

Trước diễn biến dịch hiện nay, các nước đang đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh, coi đây là "vũ khí" để hạn chế sự lây lan của biến thể Delta. Việc đánh giá hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 đối với biến thể Delta cũng như đẩy nhanh tiến trình thử nghiệm hiệu quả của các loại vaccine mới cũng đang được hết sức chú trọng.

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nga khẳng định vaccine Sputnik V của nước này có hiệu quả phòng chống biến thể Delta vào khoảng 83%.

Người dân đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại trung tâm tiêm chủng ở Brussels, Bỉ, ngày 26/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Pháp, sau cuộc họp giữa Tổng thống Emmanuel Macron với các quan chức liên quan trong chính phủ để đánh giá tình hình dịch bệnh, người phát ngôn của Chính phủ Pháp Gabriel Attal ngày 11/8 thông báonước này sẽ áp dụng một số biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 cứng rắn hơn trong bối số ca mắc mới đang “giả đi ngang” và không có dấu hiệu lắng xuống.

Ông Gabriel Attal cho biết Pháp sẽ tăng cường kiểm soát đường biên giới bằng các biện pháp quyết liệt hơn, trong đó có yêu cầu tất cả khách du lịch đến từ các quốc gia có nguy cơ phải được kiểm soát bằng các xét nghiệm kháng nguyên nhằm ngăn chặn tối đa sự lây nhiễm vào lãnh thổ nước này.

 

Bên cạnh đó, kể từ thời điểm hiện tại, người đứng đầu các địa phương có thẩm quyền ra lệnh áp dụng “chứng nhận y tế” bắt buộc đối với những khu vực có "tỷ lệ mắc bệnh vượt quá 200%" và tại các trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa có diện tích hơn 20.000 m², ông Gabriel Attal nhấn mạnh. Ngoài ra, người đứng đầu địa phương hoặc người quản lý cơ sở kinh doanh cũng có quyền quyết định việc đeo khẩu trang tại những vùng có tỷ lệ mắc cao này, nhất là tại các rạp chiếu phim, nhà hàng và hộp đêm.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: IRNA/TTXVN

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) một lần nữa hối thúc 20 nhân vật quyền lực trên thế giới đảo ngược tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu trước tháng 10 tới.

Họ là những người đứng đầu các công ty lớn liên quan đến sản xuất vaccine ngừa COVID-19, lãnh đạo các nước ký hợp đồng mua hầu hết vaccine trên thế giới và đứng đầu các nước sản xuất vaccine.

 

Cho đến nay, gần 4,5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới. Tại các nước có thu nhập cao, theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tiêm vaccine là 104 liều vaccine/100 người. Tuy nhiên, tỷ lệ này tại 29 nước có thu nhập thấp nhất chỉ là 2 liều/100 người.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm trên 97.900 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 178.000 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Myanmar, Philippines và Singapore. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.

 

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tiếp tục tăng mạnh trong nhiều ngày liên tiếp. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và mắc mới cao nhất châu Á. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia chiếm tới trên 50% số người chết của châu Á.

Mai táng các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bekasi, Indonesia, ngày 10/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines đang chứng kiến số ca tử vong và ca mắc thấp hơn khá nhiều các nước thành viên khác, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Trong 1 ngày qua, nước này chỉ ghi nhận 6 ca tử vong, giảm rõ rệt so với mấy ngày trước.

Malaysia tình hình tiếp tục xấu hơn. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.

 

Ngày 11/8, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 211 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ ba trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Yangon, Myanmar, ngày 3/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua số liệu ca mới và tử vong vì dịch COVID-19 tiếp tục tăng mạnh, sau nhiều ngày không công bố số liệu dịch bệnh. Myanmar ngày 11/8 có tới 3.739 ca bệnh mới và 218 ca tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 11/8 ghi nhận thêm 21.038 ca bệnh mới (nhiều thứ 2 khu vực và cao nhất tại nước này kể từ đầu dịch), trong khi số ca tử vong là 207 người.

 

Đã nhiều ngày liên tiếp Thái Lan ghi nhận ca mắc mới ở mốc trên 20.000 ca/ngày. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 486 bệnh nhân mới và 12 ca tử vong trong một ngày qua. Tuy nhiên, Campuchia đang dần đi qua giai đoạn đỉnh hịch và số ca mắc mới cũng như tử vong vì COVID-19 tại nước này đang tiếp đà thuyên giảm. Thủ đô Phnom Penh hiện là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.

Công viên Merlion ở Singapore vắng lặng. Ảnh: THX/TTXVN

Singapore ngày 11/8 ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 sau nhiều tháng.

 

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 178.034 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.383 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 8.320.087 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 6.958.102 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 10/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm