4 “lá chắn thép” giúp thế giới ngăn chặn đại dịch COVID-19
Không quân Mỹ kiệt quệ vì tiêm kích F-35, ngân sách tăng chóng mặt / Quỹ Tiền tệ Quốc tế thông qua gói hỗ trợ lớn nhất lịch sử để giúp các nước đương đầu với COVID-19
Mỹ hiện đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ năm. Trong mỗi đợt dịch bùng phát, Mỹ đã phải trả giá đắt vì hành động quá ít so với những gì quốc gia này có thể làm để chống lại COVID-19.
Với việc triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, Mỹ đã ngăn chặn được đáng kể số ca mắc bệnh mới, nhưng giờ đây, sự xuất hiện của biến thể Delta đang đe dọa những người chưa tiêm vaccine.
Từ những gì chúng ta biết về khả năng thích nghi và phát triển của SARS-CoV-2 thông qua cách virus đột biến, có một lựa chọn khả thi để kiểm soát dịch bệnh lâu dài, đó là một chiến lược kết hợp vaccine và thuốc điều trị COVID-19 đang được phát triển nhanh chóng, cùng với các biện pháp y tế công cộng cũng như sự hợp tác sâu rộng của toàn cầu.
Vaccine
Vaccine được cho là “vũ khí tối thượng” đầu tiên chống lại đại dịch COVID-19. Thế hệ vaccine đầu tiên ở Mỹ có hiệu quả cao và thế hệ thứ hai, thứ ba và các thế hệ tiếp theo sẽ cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn.
Tuy nhiên, ngay cả việc mũi tiêm nhắc lại đang được nghiên cứu và vaccine thế hệ tiếp theo sẽ được điều chỉnh để ngăn chặn các biến thể mới, chỉ riêng việc tiêm chủng cũng không có khả năng chấm dứt đại dịch.
Không phải tất cả mọi người đều có kháng thể bảo vệ sau khi tiêm . Trong trường hợp tốt nhất, vaccine có khả năng giảm 95% nguy cơ lây nhiễm chủng SARS-CoV-2 ban đầu. Sự xuất hiện của biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh chóng đang là mối đe dọa đối với hiệu quả của vaccine.
Ngay cả khi toàn bộ dân số Mỹ được tiêm chủng, 17,5 triệu người vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 nếu phơi nhiễm với virus.
Ngoài ra, một lượng lớn những người mắc bệnh nền, những người được cấy ghép nội tạng, những người dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân ung thư và một phần dân số cao tuổi cũng sẽ ít khả năng miễn dịch hơn khi tiêm vaccine.
Bên cạnh đó, giống như sự bảo vệ của vaccine cúm, có những bằng chứng ban đầu cho thấy khả năng miễn dịch do vaccine COVID-19 cung cấp có thể giảm dần theo thời gian.
Thuốc kháng virus
và thuốc dự phòng COVID-19 sẽ là “lá chắn” COVID-19 thứ hai sau vaccine. Chính phủ Mỹ gần đây đã công bố kế hoạch chi 3,2 tỷ USD để phát triển các phương pháp điều trị kháng virus đối với bệnh COVID-19.
Mặc dù hầu hết mọi người tập trung vào việc sử dụng các loại thuốc này như một phương pháp điều trị, nhưng tiềm năng thực sự của chúng nằm trong việc kiểm soát đại dịch, bởi việc dùng thuốc dự phòng có thể ngăn những người đã phơi nhiễm với virus không mắc bệnh hoặc lây truyền SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, những loại thuốc này chưa thể sử dụng rộng rãi do chi phí sản xuất cao. Phương pháp lý tưởng nhất là thế hệ thuốc kháng virus tiếp theo sẽ ở dạng viên nén, có thể sử dụng ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như cơ sở chăm sóc dài hạn, nơi có nhiều người bị ức chế miễn dịch miễn và không thể dựa vào sự bảo vệ của vaccine.
Thuốc kháng virus cũng có thể được sử dụng trong các trường học, doanh nghiệp, đội thể thao và thậm chí cả những con tàu trên biển. Nếu một người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, những người xung quanh có thể uống một viên thuốc kháng virus để ngăn ngừa lây nhiễm.
Các biện pháp y tế công cộng
“Lá chắn” COVID-19 tiếp theo sẽ đến từ các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Các quốc gia như Australia, Trung Quốc, New Zealand và Singapore đã thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng dịch như xét nghiệm diện rộng, truy vết tiếp xúc, kiểm soát chặt chẽ biên giới và yêu cầu cách ly đối với người nhập cảnh.
Những chiến lược như vậy là biện pháp phòng dịch quan trọng khi các nước đối mặt với hầu hết các bệnh truyền nhiễm trong lịch sử gần đây. Tuy nhiên, ở Mỹ và một số quốc gia khác trên thế giới, việc xét nghiệm diện rộng và truy vết tiếp xúc đã bị đình trệ.
May mắn thay, các loại thuốc kháng virus mới có thể thay thế các biện pháp phòng dịch này. Thay vì thực hiện các biện pháp như “xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly”, chúng ta có thể thay thế bằng “xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và uống thuốc kháng virus”.
Những loại thuốc này cũng có thể giúp việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn, loại bỏ yêu cầu cách ly trong thời gian dài.
Sự hợp tác của toàn cầu
Ba “tuyến phòng thủ” đầu tiên đã tạo thành một lớp bảo vệ tuyệt vời trước COVID-19. Nhưng chúng sẽ không đủ để ngăn chặn đại dịch nếu không được triển khai ở mọi nơi trên toàn cầu.
Để có được lá chắn bảo vệ cuối cùng trước COVID-19, cộng đồng quốc tế phải hợp tác cùng nhau để cải thiện việc giám sát tình hình dịch bệnh và cung cấp khả năng tiếp cận đối với việc xét nghiệm, vaccine và các phương pháp điều trị.
Những quốc gia có thu nhập cao đang dư thừa vaccine có thể chia sẻ nguồn cung cho những nước nghèo hơn. Bên cạnh đó, nỗ lực tăng cường sản xuất vaccine nội địa đang được tiến hành ở những khu vực chưa tiếp cận được với vaccine.
Bên cạnh những nỗ lực này, cộng đồng quốc tế cần đầu tư vào giám sát dịch bệnh toàn cầu để xác định các đợt bùng phát mới, đặc biệt là các đợt dịch do các biến thể có khả năng lây truyền cao gây ra.
Điều này đòi hỏi sự giám sát nâng cao, theo dõi sự phát triển của virus trên tất cả các khu vực và một phương pháp chia sẻ dữ liệu thực tế rộng rãi.
Cộng đồng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà sản xuất dược phẩm trên toàn cầu sẽ phải xác định cách vaccine và phương pháp điều trị chống lại các biến thể mới.
Sau 18 tháng kể từ khi COVID-19 bùng phát, tới nay chúng ta có đủ kiến thức và công cụ cần thiết để ngăn chặn đại dịch, vấn đề hiện tại là áp dụng những điều này đúng cách và không chỉ áp dụng đơn lẻ một biện pháp.
Kết hợp 4 lá chắn gồm vaccine, thuốc kháng virus, các biện pháp y tế công cộng và sự hợp tác toàn cầu cùng với nhau có thể ngăn chặn đại dịch COVID-19 và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo