Đáp trả Mỹ, ông Putin lệnh dừng tuân thủ hiệp ước hạt nhân
Tổng thống Ukraine gây tranh cãi vì tuyên bố tranh cử với ông Putin / Mỹ rút khỏi hiệp ước INF ký với Nga
Tổng thống Vladimir Putin. (Ảnh: RT)
“Hành động của chúng tôi là sự đáp trả tương xứng. Các đối tác Mỹ của chúng tôi nói rằng họ sẽ dừng thực hiện thỏa thuận (INF) và chúng tôi cũng làm như vậy”, Tổng thống Putin phát biểu tại Moscow hôm nay 2/2.
“Họ nói rằng họ đang nghiên cứu và thử nghiệm (các vũ khí mới) và chúng tôi sẽ làm điều tương tự”, ông Putin nói trong cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu.
Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.
Mỹ cáo buộc tên lửa mới 9M729 của Nga vi phạm INF vì có tầm bay vượt quá 5.000 km. Trong khi đó, phía Nga cho biết tên lửa 9M729 chỉ có tầm bắn tối đa khoảng 480 km, như vậy không vi phạm hiệp ước INF như cáo buộc của Washington.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng mặc dù đề xuất của Nga về việc hiện đại hóa hiệp ước năm 1987 và khiến cho hiệp ước này minh bạch hơn “vẫn đang được xem xét”, song Nga sẽ không tiến hành thêm bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ để cứu vãn hiệp ước.
“Hãy đợi cho tới khi các đối tác của chúng ta đủ chín chắn để tiến hành một cuộc đối thoại có ý nghĩa về chủ đề này - một chủ đề cực kỳ quan trọng với chúng ta, với họ và với toàn bộ thế giới”, Tổng thống Putin nói.
Nga tố Mỹ vi phạm trước
Tuyên bố của ông Putin được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ dừng tuân thủ hiệp ước INF, bắt đầu từ ngày 2/2. Ông Pompeo nói rằng Mỹ sẽ chính thức rút khỏi INF trong thời hạn 6 tháng nếu Nga không chấm dứt các hành vi mà Washington cho là vi phạm thỏa thuận kiểm soát vũ khí này.
Từ vài tháng trước, Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao của Mỹ đã đánh tín hiệu sẵn sàng rút khỏi INF sau khi cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước từ năm 2014. Về phần mình, Nga cũng đổ lỗi cho Mỹ vi phạm hiệp ước khi triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
Trong thông báo phát đi hôm nay, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị cho việc chế tạo các tên lửa tầm ngắn và tầm trung bị cấm theo hiệp ước INF từ 2 năm trước khi cáo buộc Nga vi phạm.
“Tại Washington, 2 năm trước khi công khai đưa ra cáo buộc vô căn cứ nói rằng Nga vi phạm INF, họ (Mỹ) không chỉ quyết định, mà còn bắt đầu chuẩn bị cho việc chế tạo các tên lửa tầm ngắn và tầm trung bị cấm”, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.
Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Nga, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Raytheon có trụ sở tại Tucson, bang Arizona, Mỹ đã khởi động chương trình từ tháng 7/2017 để mở rộng và hiện đại hóa năng lực sản xuất để chế tạo các tên lửa tầm ngắn và tầm trung bị cấm theo hiệp ước INF.
Nga cho biết trong hơn 2 năm qua, khuôn viên của Raytheon đã tăng lên 44%, từ 55.000 m2 lên 79.000 m2. Ngoài ra, số nhân viên của Raytheon cũng tăng lên gần 2.000 người.
Nga chế tạo tên lửa mới
Tổng thống Putin hôm nay cho biết Nga sẽ bắt đầu phát triển một tên lửa tầm trung mới sau khi nước này dừng tuân thủ hiệp ước INF.
“Tôi nhất trí với đề xuất chế tạo một tên lửa tầm trung siêu thanh đặt trên mặt đất”, ông Putin cho biết, đồng thời tán thành với đề xuất của quân đội Nga về việc chế tạo một phiên bản đặt trên mặt đất của tên lửa hành trình Kalibr. Tên lửa Kalibr hiện được triển khai trên máy bay, tàu chiến và tàu ngầm.
Theo ông Putin, nếu Nga chế tạo thành công các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, nước này sẽ không triển khai ở châu Âu hay “các khu vực khác trên thế giới” trừ khi Mỹ triển khai trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu giải thích rằng việc chế tạo tên lửa mới là “động thái đáp trả” của Nga nhằm vào Mỹ. Theo ông Shoigu, Mỹ đã triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, “vi phạm” hiệp ước INF.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Mỹ đã “vi phạm trực tiếp” thỏa thuận 1987, bao gồm việc triển khai các bệ phóng Mk 41 tại châu Âu trong chương trình phòng thủ tên lửa của Washington. Các bệ phóng này hoàn toàn có khả năng mang theo các tên lửa Tomahawk.
Không chạy đua vũ trang
Căng thẳng giữa Nga và Mỹ xung quanh hiệp ước INF đặt ra nhiều nghi vấn về kịch bản chạy đua vũ trang mới giữa hai cường quốc quân sự trên thế giới. Các nước châu Âu lo ngại về nguy cơ không được đảm bảo an ninh khi khu vực này nằm trong tầm ngắm của các tên lửa hạt nhân.
Mặc dù tuyên bố dừng tuân thủ INF để đáp trả Mỹ, song Tổng thống Putin hôm nay khẳng định Nga không và sẽ không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang.
“Tôi muốn các bạn lưu ý rằng chúng tôi không nên, và sẽ không, bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mà rất tốn kém với chúng tôi”, Tổng thống Putin cho biết.
Trong cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng, Tổng thống Putin cũng yêu cầu cấp dưới báo cáo về cách Nga có thể đối phó với mối đe dọa tiềm tàng gây ra bởi vũ khí đặt ngoài không gian.
“Chúng ta đã biết về kế hoạch của một số nước về việc triển khai các vũ khí ngoài không gian. Tôi muốn nghe về cách mối đe dọa này được xử lý như thế nào”, ông Putin nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo