Quốc tế

Dịch bệnh tiếp tục lây lan tại nhiều nước châu Á, Philippines kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 năm

Đến sáng 12/9, thế giới có trên 225 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,63 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

COVID-19 sáng 8/9: Thêm 7.700 ca tử vong; Mỹ tung chiến lược mới chống biến thể Delta / Tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 của Campuchia cao hơn cả Mỹ

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 41,79 triệu ca mắc và hơn 677.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 51.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Người được tiêm phòng đầy đủ giảm nguy cơ tử vong do COVID-19 tới 11 lần, đồng thời giảm nguy cơ nhập viện tới 10 lần. Đây là thông tin được Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ đưa ra. Trong thông báo của mình, cơ quan này nhấn mạnh hiệu quả thực tế của vaccine phòng COVID-19 trong việc ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng. Báo cáo tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm vaccine càng sớm càng tốt.

Thông tin trên được đưa ra 1 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố một kế hoạch tiêm chủng quyết liệt, trong đó yêu cầu các công ty sử dụng hơn 100 nhân sự phải tiêm chủng cho người lao động hoặc phải xét nghiệm y tế cho họ hàng tuần.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 11/9, nước này ghi nhận hơn 31.200 ca mắc mới COVID-19 và 338 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 585.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 20,97 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Tại Australia, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang nóng lên ở Victoria, bang đông dân thứ hai ở nước này. Trong 24 giờ qua, bang Victoria ghi nhận thêm 450 ca lây nhiễm trong cộng đồng, mức cao nhất trong hơn một năm (kể từ ngày 8/8/2020).

Trong khi đó, bang Queensland cũng ghi nhận 5 ca nhiễm mới, làm dấy lên lo ngại bang lớn thứ ba của Australia này sẽ là địa phương tiếp theo hứng chịu một làn sóng lây nhiễm mới. Thủ hiến bang Queensland, bà Annastacia Palaszczuk, cho biết, chính quyền bang chưa tiến hành phong tỏa nhưng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh.

Anh đang lên kế hoạch kết hợp vaccine khác loại trong chương trình tiêm vaccine tăng cường ngừa COVID-19 dự kiến diễn ra vào mùa thu tới. Theo đó, những người tiêm mũi thứ 3 sẽ được tiêm loại vaccine khác với 2 mũi đầu nhằm nâng cao hiệu quả ngừa COVID-19. Kế hoạch trên được đưa ra sau khi các nghiên cứu cho thấy, hiệu quả bảo vệ từ vaccine của Pfizer và AstraZeneca giảm sau 4 đến 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2.

Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, những người được tiêm 2 mũi đầu vaccine của AstraZeneca và tiêm mũi thứ 3 bằng vaccine của Pfizer có mức kháng thể cao gấp 9 lần so với những người chỉ tiêm 2 mũi vaccine của AstraZeneca. Và việc kết hợp vaccine của AstraZeneca và vaccine sử dụng công nghệ mRNA như của Pfizer có thể mang lại hiệu quả bảo vệ cao hơn và lâu hơn.

Anh đã ghi nhận thêm 156 ca tử vong và 29.547 ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua. Anh hiện đang là quốc gia đứng thứ tư trên thế giới chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với gần 7,2 triệu ca mắc và trên 134.100 người thiệt mạng.

Dịch bệnh tiếp tục lây lan tại nhiều nước châu Á, Philippines kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 năm - Ảnh 1.

Anh dự kiến kết hợp vaccine khác loại trong chương trình tiêm vaccine tăng cường. (Ảnh: AP)

Tình hình dịch COVID-19 tại Israel có xu hướng lắng dịu hơn khi số ca bệnh nặng và tỷ lệ lây nhiễm đều giảm. Theo đó, hệ số lây nhiễm R hiện đã giảm còn 0,8, cho thấy dịch bệnh đang có xu hướng thu hẹp. Trong khi đó, số ca nặng giảm còn 672 trường hợp, hơn một nửa trong số này là chưa tiêm phòng. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại đối với Israel hiện nay là số học sinh phát hiện bị mắc COVID-19 hoặc phải cách ly tăng mạnh sau khi năm học mới khai giảng vào đầu tháng 9. Trong số các ca mắc mới được phát hiện, học sinh chiếm tới hơn một nửa.

Đan Mạch đã dỡ bỏ quy định sử dụng "hộ chiếu vaccine", chấm dứt việc áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19. Lý do nước này dỡ bỏ hạn chế là nhờ việc tiêm chủng vaccine diện rộng. Hơn 73% người dân Đan Mạch đã được tiêm đầy đủ. Hiện Đan Mạch vẫn ghi nhận khoảng 500 ca nhiễm mới mỗi ngày. Nước này khẳng định như vậy là đã kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, Đan Mạch vẫn sẽ nhanh chóng áp đặt các hạn chế nếu cần thiết.

Kể từ ngày 17/9, tất cả những người đến từ "vùng đỏ" trong Liên minh châu Âu (EU) khi nhập cảnh vào Bỉ và chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ phải tự cách ly 10 ngày. Thời gian cách ly sẽ được rút ngắn nếu có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7. Bỉ áp dụng biện pháp trên nhằm đối phó với tình hình dịch tễ và các ca nhập viện mới gây áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ của nước này.

86% dân số trưởng thành ở Bỉ đến nay đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Bỉ ghi nhận trên 1,2 triệu người mắc COVID-19, bao gồm 25.454 ca tử vong.

Bộ Y tế Lào ngày 11/9 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 204 ca mắc mới COVID-19, trong đó ngoài 84 ca nhập cảnh được cách ly ngay còn có 120 ca cộng đồng. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 17.140 ca, trong đó có 16 người tử vong.

 

Theo Bộ Y tế Lào, số ca cộng đồng trong một ngày tại nước này đã tăng lên 3 con số. Tình hình dịch bệnh tại một số tỉnh như Savannakhet, Champasak, Luangprabang vẫn diễn biến hết sức phức tạp khi tiếp tục là nơi có nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Đáng chú ý, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận gần đây là cán bộ ở các trung tâm y tế, công an, quân đội hoặc người quản lý trung tâm cách ly; một số khác là người lao động từ tỉnh khác về quê, được xác định dương tính sau đó.

Tại Campuchia, Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 658 ca bệnh mới, trong đó 498 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 98.842 trường hợp. Theo Bộ này, hiện tổng số người không qua khỏi trong đại dịch COVID-19 cũng đã tăng lên 2.028 người sau khi có thêm 9 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Campuchia đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ tháng 2 nhằm tiêm chủng cho 12 triệu người, tương đương 75% dân số, vào cuối năm nay. Đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm ít nhất 1 mũi cho 11,4 triệu người, tương đương 71,3% dân số, trong đó 9,35 triệu người (58,4%) đã được tiêm đủ 2 liều và 742.293 tiêm mũi thứ 3.

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã quyết định duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h hôm trước đến 4h sáng hôm sau tại các tỉnh thuộc "vùng đỏ sẫm" chịu sự kiểm soát chặt chẽ và tối đa đến ít nhất là cuối tháng 9 này.

Người phát ngôn của CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết, cuộc họp của CCSA do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì đã nhất trí duy trì những hạn chế hiện tại, bao gồm cả lệnh giới nghiêm được áp dụng ở các tỉnh thuộc "vùng đỏ sẫm" đến cuối tháng 9. Theo ông Taweesilp, CCSA cũng quyết định không thay đổi tình trạng phân loại các tỉnh theo vùng kiểm soát COVID-19 gồm "vùng đỏ sẫm" (29 tỉnh), "vùng đỏ" (37 tỉnh) và "vùng da cam" (11 tỉnh).

 

Thái Lan ngày 11/9 có thêm 15.191 ca mắc mới và 253 trường hợp tử vong. Kể từ đầu mùa dịch đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng trên 1,36 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 14.173 người không qua khỏi.

Dịch bệnh tiếp tục lây lan tại nhiều nước châu Á, Philippines kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 năm - Ảnh 2.

Tổng cộng trên 2,2 triệu người ở Philippines đã nhiễm COVID-19. (Ảnh: AP)

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký sắc lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 năm do sự lây lan của đại dịch COVID-19. Sắc lệnh của Tổng thống Duterte lưu ý, tất cả các cơ quan chính phủ và địa phương phải tiếp tục hỗ trợ và hợp tác đầy đủ, cũng như huy động các nguồn lực cần thiết để thực hiện các biện pháp khẩn cấp và mang tính quyết định nhằm loại bỏ mọi nguy cơ của đại dịch COVID-19. Tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép nhà chức trách trung ương và địa phương tiêm chủng cho người dân, kiểm soát giá cả các hàng hóa và thực phẩm thiết yếu cũng như nhiều biện pháp khác.

Philippines lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3/2020 và đã gia hạn nhiều lần. Ngày 11/9, Philippines đã ghi nhận 26.303 ca nhiễm mới, số ca mắc mới trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này. Đến nay, tổng cộng trên 2,2 triệu người đã nhiễm COVID-19, bao gồm 34.078 trường hợp thiệt mạng ở Philippines. Tổng số ca tử vong tại Philippines do đại dịch cũng đã tăng lên 34.978 ca sau khi có thêm 79 người không qua khỏi trong một ngày qua.

Ngày 11/9, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đại lục ghi nhận 25 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở tỉnh Phúc Kiến (Fujian), và không có ca tử vong mới. Tính đến hết ngày 11/9, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 95.153 ca bệnh, trong đó 4.636 người qua đời vì COVID-19.

 

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 11/9 cho biết, những nỗ lực của Chính phủ Indonesia để tìm kiếm vaccine ngừa COVID-19 không phải là vấn đề dễ dàng vì nguồn cung không tương xứng với nhu cầu cao từ các quốc gia khác nhau.

Theo Ngoại trưởng Retno, nhu cầu đối với vaccine ngừa COVID-19 lớn hơn nhiều so với số vaccine có sẵn hiện nay. Mặt khác, vẫn còn có chính sách từ các quốc gia cản trở việc cung cấp vaccine như hạn chế xuất khẩu. Có một khoảng cách lớn về vaccine giữa các nước thu nhập cao và các nước thu nhập thấp. Hiện trên toàn cầu có khoảng 5,5 tỷ liều vaccine đã được tiêm phòng cho người dân trên thế giới, nhưng 80% trong số đó là ở các nước có thu nhập cao.

Đến nay, Indonesia đã nhận được 227.411.510 liều vaccine được mua thông qua các kênh thương mại, sự hỗ trợ từ Cơ chế COVAX và từ các quốc gia thân thiện. Trong gần 18 tháng qua, guồng máy ngoại giao của Chính phủ nước này đã không ngừng tiếp cận các nguồn vaccine và hợp tác với nhiều quốc gia khác nhau để đáp ứng nhu cầu về vaccine cho người dân. Việc tiêm chủng ở Indonesia đã vượt mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì cho đến nay, 34% dân số đã được tiêm liều vaccine đầu tiên và 20% dân số đã được tiêm liều thứ hai.

Cơ quan quản lý dược phẩm của Nam Phi ngày 11/9 đã cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, mở đường cho Chính phủ Nam Phi tiến hành tiêm chủng loại vaccine này cho thiếu niên. Cơ quan Quản lý các sản phẩm y tế Nam Phi (SAHPRA) cho biết, quyết định trên được đưa ra sau quá trình đánh giá các thông tin cập nhật về tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine này được trình lên hồi tháng 3 năm nay.

Sau sự khởi đầu chậm chạp, chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Nam Phi đang được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhờ nguồn cung được bảo đảm. Hiện khoảng 12% trong hơn 60 triệu người dân Nam Phi đã được tiêm vaccine COVID-19, đạt tỷ lệ cao hơn tất cả nước khác ở châu Phi.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm