Quốc tế

Điểm yếu của dàn máy bay quân sự tàng hình Trung Quốc

Giới chuyên gia cho rằng dù quân đội Trung Quốc đang tích cực trong việc chế tạo các phi đội máy bay chiến đấu, ném bom tàng hình nhưng các vũ khí này có thể sẽ không hoạt động hiệu quả như họ mong muốn vì Bắc Kinh vẫn đang gặp khó trong việc sản xuất động cơ phù hợp cho những khí tài này.

Tên lửa R-27ET bắn hạ máy bay không người lái chưa xác định / Nhiều binh sĩ Mỹ bị chấn động não sau vụ tấn công tên lửa của Iran

Điểm yếu của dàn máy bay quân sự tàng hình Trung Quốc - 1Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc (Ảnh: EPA)

Theo trang web về thông tin hàng không Alert 5, hồ sơ chứng khoán của Viện Nghiên cứu Sắt và Thép Trung Quốc chi nhánh Hà Bắc cho thấy Trung Quốc dường như đang gặp khó khăn trong việc chế tạo động cơ máy bay.

Trong hồ sơ nói trên, phần nội dung về mức dự kiến sản xuất động cơ máy bay cho thấy Trung Quốc dường như chưa thể tạo ra đủ động cơ để phù hợp với kế hoạch sản xuất máy bay tàng hình hiện đại của Bắc Kinh.

Sự thiếu hụt thể hiện rõ nhất ở các động cơ WS-15 và WS-19 sử dụng lần lượt cho các máy bay tàng hình J-20 và máy bay chiến đấu phiên bản xuất khẩu FC-31. “Dữ liệu từ công Công nghệ Cisri Dekai Hà Bắc chỉ ra rằng từ năm 2020 tới 2026, mỗi năm sẽ chỉ có tối đa khoảng 5 động cơ WS-15 và WS-19 được sản xuất”, theo Alert 5.

Theo cây viết về quốc phòng David Axe của National Interest, khoảng cách giữa kế hoạch phát triển và tình hình sản xuất thực tế có thể khiến Trung Quốc buộc phải dùng các mô hình động cơ đời cũ, bao gồm những thiết bị nhập từ Nga. Những động cơ này có thể không đủ mạnh hoặc không phù hợp với công nghệ mới dẫn tới sự thiếu tin cậy trong khi vận hành. Ông Axe cho rằng, sự “lệch pha” giữa số lượng máy bay và động cơ có thể khiến đội bay quân sự của Trung Quốc hoạt động kém hiệu quả.

Hiện có khoảng 15 máy bay chiến đấu J-20 đang tham gia trực chiến trên thế giới. Trong những lần xuất hiện công khai, J-20 thường dùng động cơ AL-31 do Nga sản xuất. Động cơ này được cho là không phù hợp với một máy bay chiến đấu siêu âm, tầm xa, hạng nặng, theo 2 chuyên gia Carlo Kopp và Peter Goon của tổ chức Air Power Australia.

 

Việc không sản xuất được đủ động cơ WS-15 có thể buộc đội bay J-20 phải cất cánh với động cơ AL-31 trong các năm tới. Trong khi đó, Trung Quốc được cho sẽ khó khăn trong việc tìm người mua máy bay FC-31 vì “chim sắt” vì vấn đề động cơ. Nguyên mẫu của FC-31 hiện được cho đang dùng động cơ RD-93 của Nga sản xuất.

Trung Quốc đã và đang nỗ lực phát triển động cơ WS-18 cho FC-31 và các máy bay cận âm hạng nặng. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như đang “gặp vấn đề với quá trình phát triển”. Hãng chế tạo đang phải ngừng giữa chừng việc sản xuất động cơ mới vì cần tìm nguyên liệu phù hợp, Alert 5 cho hay.

Ngoài ra, động cơ cho WS-20 cho máy bay Y-20 dự kiến sẽ được đưa vào sản xuất giới hạn từ năm 2024. Vì vậy, vào thời điểm hiện tại, Y-20 vẫn phải sử dụng động cơ D-30 của Nga.

Các vấn đề tồn tại khi sản xuất WS-15, WS-19 và WS-18 được cho sẽ khiến giới hoạch định chính sách quân sự của Trung Quốc quan ngại. Sự thiếu hụt động cơ sẽ khiến đội bay Trung Quốc không thể phát huy được hết khả năng.

Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt đầu lên kế hoạch cho việc sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 6 thay thế cho J-20. Tuy nhiên, nếu họ chưa thể sản xuất động cơ phù hợp, tham vọng nói trên có thể sẽ không thành sự thật trong tương lai gần.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm