Điều gì làm nên sức mạnh hủy diệt của máy bay ném bom tàng hình B-2?
Nga chế giễu Mỹ khi cải trang F-35 thành Su-57 / Không quân Ấn Độ chính thức biên chế 5 tiêm kích Rafale đầu tiên
Máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ được coi là một trong những vũ khí “làm thay đổi cuộc chơi” uy lực nhất từng được chế tạo và cũng nằm trong số những máy bay hoạt động hiệu quả nhất của không quân Mỹ. Một chiếc B-2 có thể mang lại sức mạnh cho toàn bộ phi đoàn trên tàu sân bay, trong khi giúp tiết kiệm chi phí vận hành và nhân sự.
Sở hữu nhiều khả năng ưu việt
B-2 là một trong 3 loại máy bay ném bom hạng nặng chiến lược có trong biên chế của không quân Mỹ, ban đầu được chế tạo với mục đích xâm nhập mạng lưới phòng không của Liên Xô và tấn công các mục tiêu bằng vũ khí hạt nhân. Trong nhiều thập kỷ qua, nhiệm vụ của B-2 đã được mở rộng, trong đó có cả tấn công chính xác thông thường. B-2 là máy bay duy nhất trong ba loại trên mang được bom trọng lực hạt nhân.
B-2 được chế tạo trong khuôn khổ chương trình vũ khí tuyệt mật. Rất ít người biết đến hình dạng của máy bay này cho đến khi nó được đưa ra thị trường vào năm 1988. Chi phí tổng thể dành cho chương trình phát triển máy bay này đã tăng vọt từ 35,7 lên 42,8 tỷ USD. Trong đó, khoảng 1 tỷ USD được sử dụng để gia cố cánh máy bay, theo yêu cầu của lực lượng không quân.
Vào ngày 22/11/1988, chiếc B-2 đầu tiên được ra mắt tại Nhà máy Không quân số 42 ở Palmdale, California và có tên gọi “Spirit”. B-2 là một thiết kế thân cánh liền khối, không có đuôi, được trang bị 4 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy General Electric F118-GE-100.
Vào thời điểm ra mắt, chi phí của một chiếc B-2 vào khoảng 515 triệu USD mỗi chiếc, khiến nó trở thành máy bay đắt đỏ nhất lúc bấy giờ. B-2 có chiều cao 5,18m, dài 21m và sải cánh dài tới 52,42m. Nó có tốc độ tối đa 1.010 km/h và có khả năng tiếp nhiên liệu trên không.
B-2 có hai khoang vũ khí được tích hợp ở phần bụng, có thể mang được tải trọng 30 tấn vũ khí. Mỗi khoang chứa 8 giá treo bom. Để thực hiện vai trò tấn công hạt nhân, máy bay ném bom này có thể mang theo 16 quả bom B61-7 (bom có sức công phá 360 kiloton), bom B61-11 (400 kiloton) hoặc bom nhiệt hạch B-83-1 (1,2 megaton). Spirit còn có khả năng mang bom trọng lực hạt nhân B-61-12 – một trong những loại bom nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Mỹ.
Nhu cầu xuyên thủng các mạng lưới phòng không tiên tiến trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã dẫn đến việc B-2 có được khả năng tấn công thông thường. Máy bay ném bom này có thể mang theo bom dẫn đường thông minh JDAM, bom lượn AGM-154 JSOW và tên lửa hành trình AGM-158 JASSM, cho phép nó thực hiện các cuộc tấn công mà không cần tiến quá gần đến radar phòng không hiện đại của đối phương.
Phi công được trang bị những kỹ thuật tối tân
Oanh tạc cơ B-2 từng tấn công Serbia vào đêm mở màn Chiến dịch “Sức mạnh Đồng minh” năm 1999, phá hủy hệ thống phòng không của Iraq trong chiến dịch “Shock and Awe” (tạm dịch là chiến dịch gây sốc và kinh hoàng) vào năm 2003, đánh bại lực lượng máy bay chiến đấu của Libya năm 2011. Tất cả những cuộc tấn công này đều do các phi công dày dặn kinh nghiệm và có chuyên môn tốt, được huấn luyện bài bản về chiến thuật tấn công tàng hình thực hiện.
Với các nhiệm vụ nguy hiểm, chẳng hạn như bay dưới hỏa lực dày đặc từ hệ thống phòng không của đối phương, đối mặt với nguy cơ bị tấn công ở trên không và chuẩn bị cho việc tác chiến điện tử trên lãnh thổ của đối phương, các phi công B-2 luôn sẵn sàng đảm nhận. Vì lý do này, không quân Mỹ đang nỗ lực làm việc để đảm bảo phi công B-2 được trang bị những kỹ thuật tối tân nhất.
Thượng tá Nicola Polidor, chỉ huy của Biệt đội 5 thuộc phi đội đào tạo số 29 cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị và đào tạo, huấn luyện mỗi ngày để đề phòng trường hợp được gọi lên đường ngay lập tức”.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ, phi công B-2 cần duy trì đường bay chính xác, hoạt động phù hợp với các thông tin tình báo, chuẩn bị và mang theo các loại vũ khí.
Thượng tá Polidor đảm nhận nhiệm vụ đào tạo phi công B-2 tại căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri, nhận định các học viên phi công đều thích nghi tốt và nắm bắt được một lượng lớn thông tin mới.
“Thách thức lớn nhất đối với các phi công là có thể bay trong thời gian dài đồng thời quản lý được hệ thống liên lạc và vũ khí”, bà Polidor cho hay. Bà Polidor là nữ phi công thứ 10 điều khiển B-2 trong lịch sử Mỹ.
Việc đào tạo được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn lý thuyết và giai đoạn thực hành, với bước đầu tiên là đào tạo trên lớp học. Thượng tá Polidor giải thích, các thực tập sinh thường dành khoảng hai tháng để làm việc với mô hình, trước khi thực hiện chuyến bay đầu tiên của họ.
Việc điều khiển máy bay được các thành viên phi hành đoàn kiểm soát một cách cẩn thận. Để thay đổi hoạt động của phi hành đoàn cần tuân theo các quy trình cụ thể. Người hướng dẫn phi công sẽ phải luôn đặt tay lên các bộ điều khiển để kịp thời xử lý khi học viên gặp sự cố.
Mặc dù thực hiện nhiệm vụ bay hơn 40 giờ, các phi công không có giường và không có tủ lạnh, chỉ có hai ghế trong buồng lái nhỏ và một khu vực nhỏ phía sau có chiều rộng tương đương với ghế ngồi.
Bà Polidor cho biết, đồ ăn của phi công là những loại thức ăn để được lâu. “Đôi khi chúng tôi có thể mang theo một tấm nệm hơi, đặt trên sàn và chợp mắt, nhưng nó chỉ phù hợp với những người cao tầm 1m7 trở xuống, còn với người cao hơn sẽ gặp khó khăn”.
Trên hết, các phi công của B-2 luôn trong tâm thế “sẵn sàng” vì họ là lực lượng đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tấn công trong các cuộc xung đột cường độ cao.
“Vào ngày 19/1/2017, hai chiếc B-2 bay từ căn cứ Whiteman AFB, Missouri đã nã hàng chục quả đạn pháo chính xác xuống một trại huấn luyện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Libya. Sứ mệnh kéo dài 33 giờ đồng hồ này, một lần nữa cho thấy khả năng phản ứng, tầm hoạt động và tính linh hoạt của lực lượng máy bay ném bom”, Tướng không quân Mỹ về hưu David Deptula đánh giá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này