Động lực thúc đẩy Nga dẫn đầu thế giới về mua vàng
Hải quân Mỹ và lực lượng SEAL được huấn luyện khắc nghiệt như thế nào? / Đội vệ sĩ của Tổng thống Mỹ Donald Trump “bá đạo” đến mức nào?
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WSG) được công bố ngày 2/5, dự trữ vàng toàn cầu đã tăng thêm 145,5 tấn trong quý 1 năm nay, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng mạnh nhất về dự trữ vàng toàn cầu trong quý 1 kể từ năm 2013.
Báo cáo của WSG cho biết Ngân hàng Trung ương Nga đã bổ sung thêm 55,3 tấn vàng vào kho dự trữ trong 3 tháng đầu năm nay, nâng tổng số vàng dự trữ của Nga lên tới 2.168,3 tấn. Một lần nữa, Nga trở thành nước dẫn đầu thế giới về mua vàng.
“Nga đã mua 274,3 tấn vàng trong năm 2018, năm thứ 4 liên tiếp tăng hơn 200 tấn, trong khi giảm đáng kể trái phiếu chính phủ Mỹ. Đây là một phần trong động lực phi đô la hóa (của Nga)”, báo cáo cho biết.
Sau Nga, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai thế giới về mua vàng trong quý 1 năm nay với số lượng 33 tấn. Bắc Kinh bắt đầu mua vàng trở lại từ tháng 12 năm ngoái sau hơn 2 năm tạm dừng. Một số quốc gia khác cũng gia tăng đáng kể dự trữ vàng, gồm Ecuador, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Kazakhstan.
“Động lực mua vàng được thúc đẩy bởi sự bất ổn của nền kinh tế, gây ra bởi tình trạng căng thẳng thương mại, tăng trưởng chậm chạp và tỷ lệ lãi suất thấp cùng một số lý do khác”, báo cáo của WSG nhận định.
Nga hiện là nước có dự trữ vàng lớn thứ 5 thế giới và nếu vẫn duy trì tốc độ mua vàng đáng kể như hiện nay, Nga có thể vượt Pháp, Italy và nằm trong nhóm 3 nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới chỉ trong một năm.
Theo bà Elvira Nabiullina, thống đốc ngân hàng trung ương Nga, việc đa dạng hóa tài sản trong kho dự trữ ngoại hối quốc gia là lý do chính khiến Nga “tăng tốc” mua vàng trong thời gian qua, chứ không phải do Nga bị mất niềm tin vào bất kỳ loại tiền tệ nào.
“Chúng tôi đang cố gắng đa dạng hóa các hình thức dự trữ ngoại hối. Bởi vì chúng tôi đã tính tới tất cả các rủi ro có thể xảy ra, như rủi ro về kinh tế hay địa chính trị”, lãnh đạo ngân hàng trung ương Nga nói với CNBC.
Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể là nguyên nhân khiến Nga tăng cường dự trữ vàng vì vàng được xem là tài sản an toàn trước các lệnh trừng phạt.
Ngoài ra, một số chuyên gia dự đoán Nga muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, hoặc tránh dùng euro hay bảng Anh vì đây là những đồng tiền có khả năng bị giảm giá trị do chính sách nới lỏng hay do Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin từng nói Nga không còn tin tưởng vào hệ thống tài chính do đồng đô la Mỹ thống trị kể từ khi Washington áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương và vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhà lãnh đạo Nga nói rằng tình trạng độc quyền của đồng đô la Mỹ là không an toàn và gây nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Dmitry Tulin cho biết Moscow xem vàng là “vật bảo đảm 100% trước các rủi ro về pháp lý và chính trị”, đồng thời tích trữ vàng cũng là chiến lược nhằm đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoài đồng đô la Mỹ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo