Du học sinh Trung Quốc: “Con bài” luôn mắc kẹt trong căng thẳng Mỹ - Trung
Hàn Quốc lựa chọn bom thông minh cho tiêm kích tàng hình nội địa KF-X / Điểm đặc biệt của tên lửa đạn đạo DF-26 Trung Quốc
Mỹ thắt chặt kiểm soát với du học sinh Trung Quốc
Thời báo New York dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, Chính phủ Mỹ đang cân nhắc hủy thị thực của hàng ngàn sinh viên sau đại học và các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ, những người có quan hệ trực tiếp với các trường đại học có liên quan tới quân đội Trung Quốc. Theo đó, những người đang ở tại Mỹ sẽ bị hủy thị thực và trục xuất về nước, trong khi những người đang ở bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ sẽ không được phép quay trở lại. Việc này có thể xảy ra ngay trong tuần này.
Giới chức Mỹ giải thích mục đích chính của hành động này là ngăn chặn các hành vi do thám, đánh cắp sở hữu trí tuệ có sự tham gia của các sinh viên quốc tịch Trung Quốc đang học tại các trường đại học Mỹ. Đáng chú ý, nhiều quan chức thừa nhận mối đe dọa này mới chỉ dừng ở mức nghi ngờ chứ chưa có bằng chứng trực tiếp chỉ ra những sai phạm của các sinh viên sắp bị hủy thị thực.
Theo các nguồn tin của hãng tin Reuters, động thái này đã được giới chức Mỹ thảo luận trong nhiều tháng qua. Mặc dù không liên quan trực tiếp tới những căng thẳng trong thời gian qua về vấn đề đại dịch COVID-19 hay Hong Kong (Trung Quốc), có thể coi đây là một phần trong "chiến dịch gây sức ép toàn diện" mà Washington đang tiến hành nhằm vào Bắc Kinh.
Trung Quốc là nước có cộng đồng du học sinh đông đảo nhất tại Mỹ. (Nguồn: Reuters)
Hãng tin AP dẫn các số liệu thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế cho thấy Mỹ đã tiếp nhận 133.396 sinh viên cao học từ Trung Quốc trong năm học 2018-2019, chiếm 36,1% toàn bộ sinh viên quốc tế sau đại học tại Mỹ. Trong khi tổng số sinh viên Trung Quốc là 369.548 người, chiếm 33,7% tổng số sinh viên quốc tế tại Mỹ.
Các biện pháp hủy thị thực mới của Chính phủ Mỹ ước tính có thể ảnh hưởng tới khoảng 3.000 - 5.000 sinh viên Trung Quốc. Mặc dù số lượng này là không quá lớn so với tổng số sinh viên Trung Quốc tại Mỹ, nhưng theo New York Times nhiều người trong số này có thể đang là thành viên tại các dự án khoa học quan trọng của Trung Quốc.
Nỗi lo ngại an ninh của giới chức Mỹ
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các du học sinh Trung Quốc trở thành mục tiêu của giới chức Mỹ. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ từ lâu đã nhấn mạnh mối đe dọa về an ninh từ các sinh viên thuộc các trường đại học có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Hồi năm ngoái, Thượng nghị sĩ bang North Carolina Richard Burr – Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ khi đó - đã dự đoán rằng Chính phủ Mỹ sẽ cắt giảm lượng thị thực dành cho sinh viên Trung Quốc do những lo ngại về nguy cơ đánh cắp bí mật công nghệ. Người kế nhiệm ông tại Ủy ban Tình báo Thượng viện là Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio cũng đã gửi thư đến các trường đại học tại bang của mình để cảnh báo về mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc. Ông Rubio đã kêu gọi các trường cắt đứt mối liên hệ với chương trình Nghìn nhân tài của Chính phủ Trung Quốc, chuyên cung cấp tài trợ cho các nhà nghiên cứu Mỹ, bao gồm cả ông Charles M.Lieber – Trưởng khoa Hóa và Sinh hóa tại trường Đại học Harvard. Ông Lieber đã bị FBI bắt giữ hồi tháng 1 năm nay với cáo buộc che giấu mối quan hệ tài chính với Chính phủ Trung Quốc.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã thảo luận vấn đề hạn chế thị thực đối với sinh viên Trung Quốc trong suốt 3 năm qua. Ngay từ năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắt đầu rút ngắn thời hạn thị thực xuống còn 1 năm (có thể gia hạn), đối với sinh viên sau đại học Trung Quốc thuộc các lĩnh vực được coi là nhạy cảm.
Mới đây nhất, một nhóm các nghị sĩ Mỹ đã đề xuất một dự luật cấm các sinh viên đến từ Trung Quốc lục địa theo học các ngành thuộc nhóm STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) tại Mỹ, với lý do điều này có thể đe dọa tới an ninh quốc gia. Những sinh viên đến từ Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc) không chịu ảnh hưởng từ dự luật này.
Ông Tom Cotton - Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Arkansas, một trong những người bảo trợ cho dự luật: "Bắc Kinh đã nhiều lần tận dụng các trường đại học Mỹ và các lỗ hổng trong hệ thống luật pháp để tiến hành do thám nước Mỹ". Do đó, dự luật này sẽ góp phần "bảo vệ an ninh quốc gia và môi trường học tập, nghiên cứu tại Mỹ".
Dự luật sẽ được đệ trình lên lưỡng viện Quốc hội Mỹ, cũng nhắm tới việc ngăn chặn những nỗ lực của Trung Quốc trong việc tuyển mộ các chuyên gia nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định. Các công dân Trung Quốc và những người tham gia vào các chương trình do Trung Quốc tài trợ sẽ bị cấm nhận các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ hoặc làm việc trong các dự án nghiên cứu thuộc nhóm lĩnh vực STEM do chính phủ liên bang tài trợ. Các trường đại học, phòng thí nghiệm và viện nghiên cứu nhận được tài trợ từ chính phủ liên bang cũng sẽ phải chứng thực rằng họ không cố ý tuyển dụng những người đã tham gia các chương trình thu hút nhân tài nước ngoài của Trung Quốc.
Giới khoa học Mỹ phản đối việc hạn chế du học sinh
Tuy nhiên, những lo ngại của giới chức an ninh Mỹ lại không nhận được sự đồng tình từ giới khoa học cũng như các trường đại học.
Các trường đại học được dự báo sẽ phản đối kế hoạch hủy thị thực đối với một số sinh viên Trung Quốc, bởi nguồn thu của nhiều trường tại Mỹ dựa phần lớn vào nhóm du học sinh này. Theo thống kê, trong năm 2018, nhóm du học sinh Trung Quốc đã đóng góp tới 15 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ, chủ yếu là tiền học phí và một số loại chi phí khác. Ngoài ra, các trường cũng lo ngại Bắc Kinh sẽ đáp trả, khiến khả năng tiếp cận, nghiên cứu về Trung Quốc của sinh viên, giáo sư Mỹ bị giới hạn.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, bà Sarah Spreitzer – Giám đốc phụ trách quan hệ chính phủ tại Hội đồng Giáo dục Mỹ - chia sẻ: "Chúng tôi rất lo ngại về việc quy định này sẽ được áp dụng như thế nào, và chúng tôi sợ rằng nó sẽ gửi thông điệp là chúng ta không chào đón sinh viên, học giả tài năng từ khắp thế giới". Bà cũng cho biết hiện chưa có nhiều thông tin chi tiết về cách mà chính quyền Mỹ sẽ xác định những sinh viên nào là đến từ trường có liên hệ với quân đội hay tình báo Trung Quốc. Tuy nhiên, trong trường hợp một quốc gia khác áp đặt giới hạn tương tự đối với các trường đại học Mỹ nhận tài trợ từ Bộ Quốc phòng Mỹ, số trường bị ảnh hưởng sẽ là khá nhiều.
Bên cạnh đó, những thiệt hại về mặt khoa học với Mỹ cũng không hề nhỏ. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời nhiều chuyên gia khoa học cho rằng việc có những hành động hạn chế đối với du học sinh Trung Quốc có thể sẽ khiến các nhân tài ở những nước khác không còn mặn mà với việc nghiên cứu, học tập tại Mỹ. Trong một lá thư gửi tới giới chức Mỹ hồi năm ngoái, các thành viên thuộc 60 nhóm khoa học tại Mỹ, bao gồm cả Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ và Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ đã khẳng định: "Trong khi thận trọng bảo vệ các kết quả nghiên cứu, chúng ta cũng cần đảm bảo rằng nước Mỹ vẫn là điểm đến đáng mơ ước đối với các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới." Nhiều trường đại học lập luận rằng họ có đủ các giao thức bảo mật hiệu quả để ngăn chặn rủi ro bị đánh cắp thông tin, đồng thời cho biết, nhiều du học sinh Trung Quốc là các chuyên gia hàng đầu và có thể hỗ trợ các nỗ lực nghiên cứu khoa học tại Mỹ.
Việc hạn chế du học sinh Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực tới các trường đại học Mỹ? (Nguồn: Xinhua)
Thừa nhận sự lo ngại của các trường, các quan chức Mỹ cho biết mọi giới hạn sẽ khá hẹp, chỉ nhắm đến những sinh viên đem lại rủi ro đáng kể về gián điệp hay đánh cắp tài sản trí tuệ. Các quan chức Mỹ không nói được sẽ có bao nhiêu sinh viên bị hủy thị thực, nhưng cho biết con số đó sẽ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số sinh viên Trung Quốc tại Mỹ. Mặc dù danh tính những trường đại học Trung Quốc có sinh viên bị ảnh hưởng không được công bố, nhưng theo Thời báo New York, các trường đó là những trường được cho là có mối liên hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc bao gồm Đại học Bách khoa Tây Bắc, Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, Viện Công nghệ Bắc Kinh, Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh, Đại học Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh, Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo