Được chỉ huy cực tốt nhưng sao phòng không Iran vẫn “lỡ tay” bắn nhầm máy bay Ukraine?
Sự kiện lực lượng phòng không Iran bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraine, đang được phía nhà nước Iran tích cực điều tra; lý do có thể do “lỗ hổng” của hệ thống phòng không Iran đã dẫn đến thảm kịch.
Đến lượt phòng không Bavar 37 của Iran chịu trận khi tiêm kích Israel tấn công / Iran tuyên bố đối phó với mọi đe dọa bằng vũ khí phòng thủ chất lượng
Hiện nay Iran có thể được gọi là một quốc gia có hệ thống phòng không tương đối mạnh và hiệu quả tại khu vực Trung Đông. Lực lượng phòng không Iran hiện đang sở hữu các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, cũng như các đài radar tương ứng và hệ thống chỉ huy phòng không quốc gia tập trung. Ảnh: Những mảnh vỡ của chiếc máy bay hành khách xấu số mang số hiệu 752 của hãng hàng không Ukraine bị phòng không Iran bắn rơi ngày 08/1.
Phòng không Iran không chỉ cung cấp sự bảo vệ đáng tin cậy trước những mối đe dọa từ trên không của các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel hay Ả Rập Saudi; mà còn là công cụ răn đe đáng kể đối với Mỹ và các đồng minh, nếu họ cố gắng giải quyết "vấn đề Iran" bằng vũ lực. Hơn nữa, mối quan hệ của Iran với Mỹ hiện nay đang vô cùng căng thẳng, đặc biệt là sau khi Mỹ ám tướng Suleimani, chỉ huy lực lượng Quds của Iran.
Trong vài thập kỷ qua, Quân đội Mỹ đã giải quyết xung đột với các đối thủ bằng sự trợ giúp đắc lực của tên lửa hành trình và không quân; lực lượng không quân Mỹ thường chiếm ưu thế tuyệt đối trước các đối thủ; tuy nhiên với lực lượng phòng không Iran thì Mỹ không thể coi thường.
Trước cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, lực lượng phòng không của Iran đã khá hiện đại; họ được trang bị vũ khí phòng không tiên tiến của Mỹ và Anh. Sau đó, do ảnh hưởng của chiến tranh Iran - Iraq và các lệnh trừng phạt của phương Tây, phòng không Iran dần rơi vào tình trạng lạc hậu.
Không chịu khuất phục, các chuyên gia Iran đã học cách tự sửa chữa và hiện đại hóa các hệ thống phòng không Hawk của Anh mà họ được thừa hưởng từ thời vua Shāh Pahlavi.
Ngoài ra, vào những năm của thập niên 1990, một số thiết bị phòng không hiện đại đã được Iran mua của Nga và Trung Quốc.
Hệ thống phòng không hiện đại nhất của Iran được ký kết vào thập niên 2000, gồm 29 tổ hợp tên lửa tầm ngắn Tor-M1 và 4 trung đoàn tên lửa tầm xa S-300PMU-2; số vũ khí này được bố trí bảo vệ các cơ sở hạt nhân và cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng của Iran.
Ngoài ra, Iran đã khá thành công trong tự phát triển hệ thống phòng không của riêng mình, nổi bật là các hệ thống phòng không Bavar-373, được coi là một nỗ lực sao chép hệ thống S-300 của Nga. Ngoài ra còn có Raad, Talash và một số hệ thống khác đã được thử nghiệm thành công trên thực tế.
Cũng cần đề cập hiện Iran đang sở hữu nhiều hệ thống radar tiên tiến, bao gồm nhiều loại radar khác nhau - từ Liên Xô, Anh, Mỹ đến Nga hiện đại.
Câu hỏi đặt ra là, với hệ thống phòng không hùng hậu và được chỉ huy tốt như vậy, nhưng tại sao phòng không Iran lại bắn nhầm máy bay chở khách dân dụng; câu trả lời có thể là do “lỗi” trong việc chỉ huy và bố trí lực lượng của phòng không Iran.
Việc bảo vệ một số cơ sở quan trọng nhất không phải của Quân đội Iran, mà của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC); lực lượng này được giao nhiệm vụ bảo vệ không phận trên sân bay thủ đô và vùng phụ cận của Thủ đô Tehran, được trang bị hệ thống phòng không Tor-M1 hiện đại nhất do Nga sản xuất.
Thảm kịch này xảy ra, sau khi Mỹ sát hại tướng Suleimani và các cuộc tấn công trả đũa của Tehran vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq. Đương nhiên, phòng không Iran khi đó đã chuyển trạng thái chiến đấu cao nhất; sẵn sàng đánh trả các cuộc trả đũa đường không của Mỹ.
Kết quả là trong tình huống “căng thẳng” như vậy, thì việc xảy ra “sai sót” của con người cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề khó hiểu là sao hệ thống Tor-M1 chuyển từ chế độ điều khiển bằng tay sang chế độ tự động hoàn toàn? Có thể đây là nguyên nhân gây nên thảm kịch.
Nhưng có thể khẳng định rằng, chính quyền Iran đã phạm sai lầm tương tự như lỗi của chính quyền Ukraine năm 2014, khi họ biết về sự leo thang của tình hình trong không phận của đất nước, nhưng đã không tuyên bố đóng cửa không phận theo thông lệ.
Vừa qua, một số quốc gia đã khuyến cáo không bay đến Iran trong thời điểm căng thẳng Mỹ - Iran dâng cao, hoặc có thì chỉ bay đến ban ngày để tránh những sai lầm đáng tiếc xảy ra.
Đối với các hệ thống radar, không có sự khác biệt ngày hay đêm, bởi vì radar có thể quan sát ngoài tầm nhìn. Nhưng thực tế là quân đội Mỹ thường xuyên thực hiện các cuộc không kích vào ban đêm; điều này làm căng thẳng thần kinh của các trắc thủ và khả năng máy bay dân sự sẽ bị nhầm lẫn với tên lửa của Mỹ dẫn đến bắn nhầm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo