Quốc tế

Giải mã sự suy giảm của ngành xuất khẩu vũ khí Nga

Ngành xuất khẩu vũ khí của Nga - trong lịch sử sinh lợi nhiều thứ hai trên thế giới sau Mỹ - dường như đang suy giảm dưới sức ép của những thay đổi công nghệ, sự cô lập chính trị từ phương Tây và cuộc xung đột ở Ukraine.

Báo động tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ Trung Quốc / Iran thử nghiệm thành công máy bay không người lái trang bị đầu đạn 50 kg

Dữ liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 13/3 cho thấy xuất khẩu quân sự của Nga đã giảm 31% trong 5 năm qua so với 5 năm trước đó, đe dọa vị thế là nhà kinh doanh vũ khí có ảnh hưởng lớn thứ hai thế giới của Moskva.
Theo SIPRI, tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Nga đã giảm từ 22% trong giai đoạn 2013-2017 xuống 16% giai đoạn 2018-2022, tụt hậu xa hơn so với Mỹ, quốc gia chiếm 40% xuất khẩu quân sự và chỉ nhỉnh hơn một chút so với Pháp, nước chiếm 11% lượng xuất khẩu vũ khí trong 5 năm qua.
Xe tăng T-72B3M của Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng ở trung tâm Moskva ngày 9/5/2022. Ảnh: AFP

Xe tăng T-72B3M của Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng ở trung tâm Moskva ngày 9/5/2022. Ảnh: AFP

Phương Tây đã tìm cách cô lập Nga kể từ khi Moskva sáp nhập Crimea năm 2014. Nỗ lực này càng được tăng cường kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022. Dưới sự lãnh đạo của Mỹ, phương Tây đang "phá vỡ cơ sở khách hàng mua vũ khí" của Điện Kremlin.
Trong khi đó, tỷ lệ tổn thất về thiết bị quân sự của Nga ở Ukraine đang gây áp lực cho các nhà sản xuất quốc phòng trong nước của Moskva. Phó Thủ tướng Nga Denis Manturov thừa nhận với hãng thông tấn Interfax vào tháng trước rằng một phần "đáng kể" vũ khí được sản xuất trong nước đang được chuyển đến các chiến trường ở Ukraine.
Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, nhận định: "Có nhiều vấn đề khác nhau mà Nga phải đối phó. Trước hết là áp lực từ Mỹ và đồng minh - đã diễn ra từ năm 2014 - đối với các khách hàng tiềm năng và khách hàng hiện tại của Nga, nhằm ngăn chặn và khiến họ không mua vũ khí từ Moskva, đồng thời sẵn sàng cung cấp cho họ công nghệ và vũ khí thay thế".
Theo chuyên gia Wezeman, Mỹ đã gây sức ép rất mạnh mẽ với Ấn Độ và các nước khác khiến một số khách hàng hủy bỏ đơn đặt hàng vũ khí từ Nga. Ví dụ, vào mùa hè năm ngoái, Philippines đã hủy bỏ thỏa thuận mua 16 máy bay trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất dưới áp lực từ Mỹ, trong khi Ai Cập, Algeria và Indonesia cũng đều từ chối khả năng mua máy bay ném bom Su-35 của Nga.
Cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy áp lực lớn hơn từ Mỹ và các quốc gia khác. "Phương Tây đã gửi đi cảnh báo rằng: Đừng mua hàng của Nga. Bạn sẽ ủng hộ chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi. Nếu bạn mua hàng của Nga, có vẻ như bạn đang chống lại chúng tôi. Và nếu bạn ủng hộ chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng cung cấp tất cả các loại công nghệ tuyệt vời", ông Wezeman nói, đề cấp đến sức ép của Mỹ và đồng minh trong việc mua vũ khí của Nga.
Ngoài ra, chiến dịch trừng phạt chưa từng có của phương Tây chống Nga đang có tác động lớn. Nền kinh tế Nga không bị suy giảm như dự kiến ​​vào năm ngoái, nhưng thâm hụt ngân sách của Điện Kremlin đang lớn dần khi nguồn thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của nước này giảm sút.
Hơn 1.000 công ty nước ngoài đã rời khỏi Nga và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đang khiến các nhà sản xuất trong nước ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc mua các linh kiện tiên tiến cần thiết cho hàng hóa và vũ khí công nghệ cao.
Một nguồn tin am hiểu về các ngành công nghiệp quân sự của Nga chia sẻ trong điều kiện giấu tên: "Đầu tiên, các hợp đồng xuất khẩu hiện đã bị gác lại vì nhu cầu cung cấp cho quân đội Nga là ưu tiên hàng đầu. Thứ hai là nguy cơ có sự chậm trễ đáng kể trong việc thực hiện ngay cả các thỏa thuận đã có, do nguồn cung cấp linh kiện do nước ngoài sản xuất bị cắt đứt".
Thật vậy, dữ liệu của SIPRI cho thấy một bức tranh nghiêm túc về sự suy giảm sức hấp dẫn của vũ khí Nga đối với các khách hàng quan trọng nhất của họ. Ấn Độ - thị trường lớn nhất của Nga - đã giảm 37% trong giai đoạn 2017-2022. Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 39% và Ai Cập tăng 44% trong khoảng thời gian này, nhưng bức tranh dài hạn không mấy khả quan.
“Nga không giao hàng cho Ai Cập trong năm 2021–2022 và khối lượng giao hàng cho Trung Quốc trong năm 2020–2022 ở mức thấp hơn nhiều so với năm 2018–2019. Có khả năng khối lượng đơn đặt hàng từ hai nước này sẽ giảm trong những năm tới", báo cáo của SIPRI nêu rõ. "Một vài năm tới, Nga có thể đứng thứ ba, thậm chí có thể là thứ tư" về xuất khẩu quân sự toàn cầu, chuyên gia Wezeman dự báo.
Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm