Quốc tế

Hàng hóa thế giới chịu áp lực giảm giá khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

Hàng hóa thế giới đứng trước áp lực giảm giá khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Mỹ và IMF bất đồng về Trung Quốc / Google bị Nga phạt số tiền khó tin, vượt xa tổng GDP... toàn thế giới

Chú thích ảnh
Thu hoạch đậu nành tại Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày 14/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Các mặt hàng từ dầu mỏ đến kim loại và ngũ cốc đều giảm giá trong ngày 6/11 do đồng USD mạnh lên, khi các nhà đầu tư ngày càng dự đoán Donald Trump sẽ thắng cử tổng thống Mỹ trước khi có kết quả chính thức cuối cùng.

Theo trang tin Fox News, Trump đã giành đủ 270 phiếu đại cử tri cần thiết để tuyên bố chiến thắng trước đối thủ Kamala Harris, tuy nhiên các hãng tin khác vẫn chưa công bố người thắng cuộc dù Trump đang dẫn đầu.

Giá dầu và đậu tương giảm khoảng 1,5%, trong khi kim loại đồng giảm hơn 2% trong phiên giao dịch châu Á do áp lực từ đà tăng của đồng USD. Kim loại quý, bao gồm vàng, giữ ổn định.

Ông Ole Hansen, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, cho biết: "Đây là phản ứng ban đầu của thị trường hàng hóa đối với kết quả kiểm phiếu ở Mỹ và những kết quả sớm nghiêng về chiến thắng của ông Trump". Ông cũng đưa ra đánh giá nếu thế giới chứng kiến kịch bản Trump 2.0, nhiều khả năng sẽ có thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc, điều này bất lợi cho kim loại vì “Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn đồng, quặng sắt và thép. Giá dầu giảm do lo ngại về tăng trưởng kinh tế vì thuế quan không tốt cho nhu cầu toàn cầu nói chung".

Ngành công nghiệp kim loại và thép của Trung Quốc có thể đối mặt với khó khăn một khi ông Trump chính thức nhậm chứcTống thống thứ 47 của nước Mỹ. Ông Trump đã cam kết áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc để thúc đẩy sản xuất trong nước.

 

Trong khi đó, ông Ge Xin, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thép Lange nhận định “giá thép Trung Quốc sẽ chịu áp lực giảm mạnh hơn và các nhà sản xuất thép trong nước có thể phải đối mặt với thua lỗ nghiêm trọng hơn. Điều này là do Trump sẽ quyết liệt hơn trong các biện pháp chống lại Trung Quốc".

Nguồn cung dầu toàn cầu có thể bị gián đoạn nếu chính quyền Trump thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu từ Iran, nước hiện đang xuất khẩu khoảng 1,3 triệu thùng mỗi ngày.
Saul Kavonic, chuyên gia phân tích năng lượng cao cấp tại MST Marquee cho biết ông Trump có thể ủng hộ Israel thể hiện lập trường quân sự cứng rắn hơn đối với Iran, điều này báo hiệu rủi ro leo thang quân sự trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong khu vực.

Về nông nghiệp, Bắc Kinh có thể buộc phải đáp trả bằng thuế trả đũa đối với đậu tương Mỹ nếu Trump áp dụng các biện pháp như đã cam kết đối vớihàng hóa Trung Quốc. Dù Bắc Kinh đã giảm phụ thuộc vào nhập khẩu đậu tương Mỹ, loại hạt này vẫn là mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc.

Giá vàng giao ngay giữ vững sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.790,15 USD vào thứ năm tuần trước. Vàng được xem là kênh phòng ngừa rủi ro địa chính trị và kinh tế, thường tăng giá trong môi trường lãi suất thấp.

 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 6/1 bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày và dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, nhưng chiến thắng của Trump có thể làm phức tạp triển vọng lãi suất của Mỹ.

Matt Simpson, chuyên gia phân tích cao cấp tại City Index nhận định mặc dù thị trường tiền tệ hoàn toàn ủng hộ việc cắt giảm 25 điểm cơ bản song họ có thể không muốn đưa ra thông điệp nới lỏng cùng với bất kỳ đợt cắt giảm nào vì các chính sách của ông Trump được cho là gây lạm phát.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến giá vàng trong ngắn hạn, mặc dù vàng sẽ vẫn là tài sản an toàn trong những ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Trump.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm