Quốc tế

Hãng vũ khí Mỹ: Ông Putin là "nhân viên bán máy bay chiến đấu F-35" giỏi nhất

Cổ phiếu của các công ty công nghiệp quốc phòng lớn của Mỹ đã tăng mạnh kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Vũ khí hạng nặng, bao gồm xe tăng của Mỹ và Đức đã cập bến Ukraine? Hé lộ chân tướng / Ông Putin buộc các nước không thân thiện dùng đồng rúp: "Liều thuốc thần" cho kinh tế Nga?

Mới đây, Loren Thompson - Giám đốc điều hành kiêm cố vấn ngành công nghiệp quốc phòng tại Viện nghiên cứu Lexington (Mỹ) - cảm thán: "Những ngày vui đã trở lại".

Tuyên bố của ông Thompson được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine kéo dài vàlàn sóng gia tăng chi tiêu quốc phòng ở các nước Âu - Mỹ nổi lên.


Theo trang tin Politico (Mỹ), "hạnh phúc" của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ được phản ánh một cách trực quan thông qua giá cổ phiếu. Cổ phiếu của các công ty công nghiệp quốc phòng lớn của Mỹ đã tăng mạnh kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2.

Cổ phiếu Lockheed Martin tăng 28%, từ mức 354 USD/cổ phiếu hồi đầu năm nay lên 453 USD/cổ phiếu vào ngày 25/3. Cổ phiếu của Raytheon Technologies tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước; trong khi cổ phiếu của Northrop Grumman tăng 27%.

Chiến sự là cơ hội kinh doanh lớn

Hãng thông tấn CNN cho biết, tính đến ngày 7/3, trong vòng chưa đầy hai tuần, Mỹ và các đồng minh NATO khác đã chuyển cho Ukraine 17.000 tên lửa chống tăng Javelin và 2.000 tên lửa phòng không Stinger. Con số này chắc chắn đã tăng lên kể từ thời điểm đó, nhưng vẫn chưa có thông tin cập nhật chính thức nào được đưa ra.

Hãng vũ khí Mỹ: Ông Putin là nhân viên bán máy bay chiến đấu F-35 giỏi nhất - Ảnh 1.

Tên lửa chống tăng Javelin được đưa tới Ukraine. Ảnh: QQ

Ngày 23/3, Anh tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine hơn 6.000 tên lửa. Ngày 16/3, Nhà Trắng cũng công bố kế hoạch viện trợ 800 triệu USD, bao gồm 800 tên lửa phòng không Stinger và 2.000 tên lửa chống tăng Stinger.

Một danh sách các nhu cầu của chính phủ Ukraine gần đây được CNN trích dẫn chỉ ra rằng, Ukraine muốn nhận 500 tên lửa chống tăng Javelin và 500 tên lửa phòng không Stinger từ Mỹ mỗi ngày.

Theo Politico, Quốc hội Mỹ và Lầu Năm Góc đang xúc tiến việc tăng tốc sản xuất tên lửa Javelin và Stinger, đồng thời đã phân bổ 3,5 tỷ USD quỹ khẩn cấp cho mục đích này.

Jack Reed – Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện Mỹ - đã lên tiếng hoan nghênh các công ty công nghiệp quốc phòng tham gia vào các thương vụ.

Tất nhiên, không chỉ các công ty công nghiệp quốc phòng của Mỹ mới kiếm được tiền. Business Insider (Mỹ) ngày 22/3 tiết lộ, ít nhất 19 nghị sĩ Mỹ hoặc vợ/chồng của họ đang nắm giữ cổ phần trong Lockheed Martin và Raytheon - hai công ty sản xuất tên lửa Javelin và Stinger.

 

Ví dụ như Marjorie Taylor Greene - Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hoà bang Georgia - đã mua cổ phiếu của Lockheed Martin vào ngày 22/2. Đến ngày 24/2, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Bà Green đã đăng một dòng tweet trên tài khoản cá nhân vào ngày hôm đó: "Chiến sự là một cơ hội kinh doanh lớn".

Ông Putin là "nhân viên bán F-35" giỏi nhất

Một sản phẩm khác của Lockheed Martin là máy bay chiến đấu F-35 đã trở thành "hàng nóng" do xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang.

Hãng vũ khí Mỹ: Ông Putin là nhân viên bán máy bay chiến đấu F-35 giỏi nhất - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu F-35. Ảnh: Getty

Theo hãng tin Reuters, Đức và Canada gần đây liên tiếp quyết định mua máy bay chiến đấu F-35. Ngày 28/3, sau một thập kỷ cân nhắc, chính phủ Canada quyết định mua 88 máy bay chiến đấu F-35 từ Lockheed Martin vì áp lực từ tình hình Ukraine.

 

Ngày 14/3, chính phủ Đức thông báo sẽ mua 35 máy bay chiến đấu F-35. Có thông tin cho rằng, trước đây người Đức từng lưỡng lự trong việc mua F-35, nhưng khi Tổng thống Nga Putin đưa quân tới Ukraine, mọi do dự đều biến mất.

Trung tướng Ingo Gerhartz - Tư lệnh Không quân Đức cho biết: "F-35 là không thể thay thế khi đối mặt với cuộc tấn công của ông Putin".

Về vấn đề này, Richard Aboulafia - Tổng giám đốc công ty tư vấn hàng không vũ trụ AeroDynamics Consulting - trong một cuộc trả lời phỏng vấn Politico cho biết: "Không có gì nghi ngờ về việc ông Putin là nhân viên bán F-35 giỏi nhất từ trước đến nay".

Ông Aboulafia cũng nói rằng, nhu cầu về F-35 đã bị đẩy lên mức cao, với số đơn đặt hàng nhiều khả năng sẽ đạt 200 chiếc/năm, vượt xa năng lực sản xuất 156 chiếc/năm hiện tại của Lockheed Martin.

Thị trường máy bay không người lái cũng nóng lên do chiến sự. Aaditya Devarakonda - Giám đốc điều hành công ty chuyên cung cấp công nghệ chống máy bay không người lái Dedrone - nói với Politico rằng, bốn trong số các quốc gia G7 là khách hàng của họ. Công ty của ông hiện đã nhận được số lượng đơn đặt hàng nhiều gấp 5 lần so với trước khi Nga tấn công Ukraine.

 

Nhưng Dedrone phải đối mặt với hai thách thức: một là có quá nhiều đơn đặt hàng cần giao đúng hạn; hai là nhiều đồng minh và đối tác của NATO chưa bao giờ mua công nghệ như vậy trước đây.

"Họ đang loay hoay tìm xem như thế nào mới phù hợp với mình", ông Devarakonda nói.

Ngành công nghiệp "vô tình"

Thực ra, ngay từ hồi tháng 1, Giám đốc điều hành Lockheed Martin James Taiclet vào đã công khai tuyên bố rằng, "cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn được khởi động lại" sẽ làm tăng ngân sách quốc phòng và doanh số bán hàng -The Hill (Mỹ) ngày 15/3 đưa tin.

Hãng vũ khí Mỹ: Ông Putin là nhân viên bán máy bay chiến đấu F-35 giỏi nhất - Ảnh 3.

Tờ The Hill đã đăng một bài báo vào ngày 15/3 nói rằng cuộc xung đột ở Ukraine là tốt cho ngành công nghiệp quốc phòng. Ảnh chụp màn hình.

 

Trùng hợp là, cùng ngày, Greg Hayes - Giám đốc điều hành Raytheon - nói với các nhà đầu tư rằng, công ty mong đợi tìm thấy "cơ hội bán hàng quốc tế" trong bối cảnh mối đe dọa từ Nga.

Ông Hayes nói: "Căng thẳng ở Đông Âu, căng thẳng trên biển, tất cả điều đó đang gây áp lực lên chi tiêu quốc phòng ở các nước xung quanh. Vì vậy, tôi hoàn toàn hy vọng chúng ta sẽ được hưởng lợi từ điều đó".

Truthout - một đơn vị truyền thông phi lợi nhuận từng đoạt nhiều giải thưởng ở Mỹ - đã chỉ trích các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ trong một bài báo rằng, chính "động lực vô tình" của thị trường và "chủ nghĩa đế quốc" đan xen đã thúc đẩy sự mở rộng của NATO, khơi mào chiến tranh từ Đông Âu đến Yemen.

Theo dữ liệu do Truthout cung cấp, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ sử dụng khoảng 700 nhà vận động hành lang, gần 3/4 trong số đó đã làm việc cho chính phủ liên bang Mỹ - tỷ lệ phần trăm cao nhất so với bất kỳ ngành nào. Và chỉ riêng trong năm 2020, ngành công nghiệp quốc phòng đã chi 108 triệu USD cho vận động hành lang.

Hãng tin AP (Mỹ) ngày 28/3 đưa tin, trong dự thảo ngân sách cho năm tài chính 2023 do chính quyền Tổng thống Joe Biden đệ trình, ngân sách quốc phòng của nước Mỹ là 773 tỷ USD, tăng 30,7 tỷ USD so với năm trước và là mức cao kỷ lục.

 

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm