Quốc tế

Hậu quả từ thông tin tình báo không chính xác

Afghanistan là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới: hơn 40% dân số dưới 15 tuổi. Những cuộc không kích trúng các gia đình, lũ trẻ thường là nạn nhân chết trước tiên.

Làn sóng thứ 2 của COVID-19 đe dọa sự phục hồi kinh tế Mỹ / Iran bắn tên lửa diệt hạm tầm xa khi cảnh báo Mỹ

Việc tấn công vào các mục tiêu là nhà cửa thường bị giới hạn mạnh chiếu theo luật quốc tế; ngay cả khi đối phương biết quân du kích trà trộn vào nhà các thường dân để hoạt động, họ vẫn cân nhắc rủi ro tính mạng của thường dân trước khi ra đòn.

Các phóng viên của 2 tờ báo Al Jazeera và Bellingcat đã cố gắng theo dõi các cuộc không kích để tìm hiểu câu chuyện đằng sau các số liệu thống kê thiệt hại. Chỉ trong vòng 2 năm qua, quân đội Mỹ và đồng minh Afghanistan đã tấn công vào các hợp nhất làm chết 115 người, hơn 70 nạn nhân là trẻ em.

Hồi tháng giêng năm 2019, một cuộc không kích ở Helmand khiến 10 đứa trẻ bỏ mạng. Tháng 6 năm đó, một nông dân ở Baghlan mất cả vợ và 6 đứa con. Số trẻ em bị thiệt mạng đã khiến các chuyên gia đặt dấu hỏi về tính hợp pháp của các cuộc không kích này? Thông tin cơ bản hiếm khi được gửi đến cho các lực lượng vũ trang Afghanistan lẫn Hoa Kỳ. Nhiều câu hỏi làm quặn thắt những người sống sót: ai đã sát hại người thân của họ? Và ai có thể trả lời câu hỏi tại sao?

Tháng 2 năm 2020 này, các đại diện từ Taliban và Mỹ đã ký một thỏa thuận ở Doha (Qatar) tiến tới kết thúc chiến tranh, dọn đường cho quân Mỹ rút khỏi Afghanistan sau gần 2 năm chiến đấu. Song thỏa thuận đó khá mong manh, và viễn cảnh về một nền hòa bình vẫn xa vời. Có một thực tế gây sốc: số lượng không kích và đột kích của liên quân Mỹ và Afghanistan sát hại nhân mạng trẻ em nhiều gấp đôi như lực lượng Taliban đã làm. Hậu quả là do sự thiếu chính xác của các thông tin tình báo.

Số phận bất hạnh của đôi vợ chồng trẻ

Bismillah Khan biết rõ nhất phí tổn của những cuộc không kích đó. Những giờ đầu tiên của ngày 1 tháng 9 năm 2019, khu nhà gồm 3 căn của gia đình anh đã hứng chịu vài đợt tấn công, hầu như cả khu nhà biến thành đống gạch vụn. Bismillah đã sống sót khi quả bom đầu tiên rơi trúng nhà người bác của anh. Lúc Bismillah lò dò bò ra khỏi căn phòng, trước mắt anh là khung cảnh hỗn loạn chưa từng có.

Không lực Afghanistan trong một cuộc không chiến ở Helman làm thiệt hại nhiều nhà cửa và thường dân. Ảnh nguồn: The Pashtun Express.

Người thanh niên thảng thốt nhớ lại: “Tôi nghe tiếng phụ nữ la khóc. Từ khắp mọi hướng, mọi người gọi tên nhau. Trước mắt tôi là một cảnh tượng các ngôi nhà lần lượt trúng bom và đổ sập ầm ầm. Chúng tôi nháo nhào bế thốc bất kỳ ai còn sống mang ra đường trước khi nhà bị trúng quả bom thứ 2”. Bình minh lên, 12 thành viên trong gia tộc Khan đã mất mạng bao gồm 7 đứa trẻ và cô dâu Rahima (19 tuổi), vừa làm đám cưới với Zabihullah (một người anh họ của Bismillah) chỉ mới 7 tháng trước đó. Zabihullah (21 tuổi) đội ơn Allah đã sống sót.

Dù thiệt hại khủng khiếp với gia tộc Khan, nhưng một thư điện tử từ quân đội Mỹ đã tuyên bố rằng họ không hề tổ chức cuộc không kích nào trong khu vực (nơi gia đình Khan là nạn nhân) trong vòng 72 giờ sau đợt tấn công trên bộ.

Về phía quân đội Afghanistan đã tuyên bố rằng 47 chiến binh Taliban đã bị giết trong khu vực, nhưng không phản hồi câu hỏi về các cáo buộc dân thường bị sát hại. Ở Afghanistan, anh Bismillah kể một câu chuyện mới. Anh nói rằng giới chức nước anh tuyên bố lực lượng Mỹ phải chịu trách nhiệm cho các vụ không kích.

Bismillah nói: “Tất cả mọi bên đều phủ nhận họ gây ra lỗi dù rằng bi kịch rất khủng khiếp”. Sau cái chết của người vợ trẻ, Zabihullah rời khỏi quê hương và lần cuối như đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Gia đình Khan bây giờ cũng không biết anh còn sống hay đã chết.

Ngầm thừa nhận

 

Ông James Mattis, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, từng thừa nhận: “Thương vong dân thường là một thực tế của cuộc sống. Nhưng, chúng tôi làm mọi thứ theo hướng nhân văn nhất… nhằm tránh tối đa thương vong cho dân thường... Chúng tôi không phải hoàn hảo, nhưng là những người tốt”. Lời nói của ông James Mattis nhấn mạnh một sự thật chua xót: “thương vong dân thường là hệ quả không thể tránh khỏi của chiến tranh”.

Sau không kích ở Baghlan (Afghanistan), ông Ismael Khan đã mất vợ và 6 người con.

Ông Marc Garlasco, cựu phân tích tình báo cao cấp của Ngũ Giác Đài, trở thành người cầm đầu phong trào bảo vệ thường dân ở Aghanistan của Liên Hợp Quốc (UN) phát biểu: “Phải đến năm 2008, số liệu thương vong dân thường mới được quân đội ở Afghanistan để tâm một cách nghiêm túc. Đó cũng là năm mà số thường dân chết do xung đột tăng cao kỷ lục”.

Đỉnh điểm của thương vong dân sự đã xảy ra vào ngày 22 tháng 8 năm 2008, các lực lượng Mỹ đã “thổi bay” cả một ngôi làng. Và báo The New York Times đã cử phóng viên đến đó tác nghiệp, những hình ảnh đau lòng đã được đăng lên trang nhất của báo.

Ông Marc Garlasco quả quyết: “Bi kịch ở Aghanistan khiến người ta rùng mình, và nó làm thay đổi chóng vánh cách mà NATO xử trí với thương vong dân thường”.

Năm 2009 ra giới hạn việc sử dụng vũ lực (như không kích) tại các khu dân cư và khu dân đông đúc. Và đã có tác động lớn khi một báo cáo của UN tung ra hồi năm 2009 cho thấy đã có sự “giảm đáng kể” trong thương vong dân sự. Nhưng, cuối năm 2014, khi sứ mạng quân sự do NATO dẫn đầu ở Afghanistan chấm dứt, và nó được thay thế bằng các kế hoạch huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ quân đội Afghanistan, trong khi đó Mỹ vẫn tiếp tục sứ mạng chống khủng bố riêng biệt.

 

Ông Marc Garlasco nói: “Khi tay chơi chính là NATO rời đi, vũ đài nhường chỗ cho các lực lượng Afghanistan. Giờ đây không quân nước này tự tiến hành các cuộc không kích”. Năm 2017, 49% dân thường thương vong do không kích đều do quân đội Afghanistan gây ra.

Không kích gia tăng

Năm 2015, ở Afghanistan đã có 500 vụ không kích. Đến năm 2019, số liệu tăng lên gấp 14 lần, tức khoảng hơn 7.000 vụ. Tháng 10 năm 2017, quy tắc do Tổng thống Trump ký được ban ra, gồm: quân đội chỉ được phép không kích khi lính tráng đã tiếp cận với các lực lượng địch. Dần dà các cuộc ném bom của Mỹ đã chuyển từ hướng phòng thủ sang tấn công. Cùng lúc, các đơn vị quân sự Afghanistan cũng được kêu gọi tham gia.

Chiến cơ Mỹ rải thảm bom xuống các mục tiêu tình nghi ẩn náu Taliban trên lãnh thổ Afghanistan. Ảnh nguồn: Orissa Post.

Một cựu sĩ quan tình báo Anh than thở: “Điều nguy hiểm nhất đối với dân thường là khi các chỉ huy muốn kết thúc chiến tranh thì y như rằng sẽ diễn ra các đợt tấn công ngắn nhưng số lượng thương vong dân thường lại tăng lên”. Cuối năm 2018, số lượng thường dân bị giết bởi không kích đã tăng hơn 80%, tức bằng 3 năm 2014, 2015 và 2016 gộp lại.

Ở Nangarhar (phía Đông Afghanistan), Sherif Khan mất anh trai, chị dâu và 10 người cháu khi 12 thành viên trong gia đình ông bị “hất bay” bởi các cuộc không kích xảy ra vào ngày 9 tháng 3 năm 2019. 2 tháng sau đó, người anh trai của Sherif vốn là lính của quân đội Afghanistan (vốn có 5 con đã bị chết vì không kích) đã tử trận. Năm ngoái 2019, quân đội Mỹ chỉ thừa nhận khoảng 1/5 dân thường đã bị chết do sứ mạng của Mỹ thay mặt UN ở Afghanistan (UNAMA).

 

Phần lớn các cáo buộc đều bị cho là không đáng tin cậy. Người Mỹ nói rằng sở dĩ họ có các số liệu không giống với các lực lượng quân sự khác là do truy cập vào nguồn tình báo bổ sung chẳng hạn như quay bằng máy bay không người lái.

Đã rất nhiều lần các số liệu phát hành hàng tháng của quân đội Mỹ đều cho thấy sự mâu thuẫn trong chính bản thân lực lượng này. Theo một báo cáo nội bộ của UN: số lượng nạn nhân vô tội vẫn nhiều thêm do các cuộc không kích. Cuối cùng các lực lượng Mỹ đã đảo ngược vị trí của họ chỉ sau khi UN trực tiếp vận động hành lang và quân đội Afghanistan bồi thường cho các nạn nhân sống sót một khoản tiền gọi là “tùy hỉ”.

Bà Patricia Gossman, nhà nghiên cứu cao cấp về Afghanistan của Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) phát biểu: “Suốt nhiều năm, người Mỹ đã không tiến hành các cuộc điều tra trên thực địa. Họ toàn lệ thuộc vào không ảnh và vệ tinh mà đơn giản là chúng không đáng tin cậy. Các dạng ảnh này không thể cho biết ai đang có mặt trong các tòa nhà”.

Hiện Mỹ còn không đầy 12.000 quân đang ở Afghanistan. Bà Patricia Gossman đã có nhiều năm điều tra về các cuộc không kích của quân đội Mỹ. Bà ít thấy quân đội Mỹ phỏng vấn các nhân chứng cũng như không khảo sát các địa điểm tình nghi. Bà Patricia quả quyết: “Không phỏng vấn các nhân chứng là “lỗ hổng nghiêm trọng” trong tiến trình này. Giới chức Afghanistan chỉ đơn thuần yêu cầu quân đội, cảnh sát hay không quân nộp báo cáo, điều này có nghĩa là họ tự điều tra. Giới chức Kabul hiếm khi phỏng vấn các nhân chứng lẫn người sống sót”.

Nói với đoàn làm phim tài liệu của hãng tin Al Jazeera, Sherif Khan than phiền rằng không một ai từ quân đội Mỹ liên lạc với gia đình ông, còn phía lực lượng Afghanistan chỉ hứa suông điều tra mà không thực hiện. Khi tin tức về các vụ không kích tràn ngập trên các mặt báo, giới chức Afghanistan quả quyết “không có thương vong dân thường, chỉ có chiến binh Taliban bị tiêu diệt”.

 

Ông Ismael Khan mất vợ và 6 đứa con trong một cuộc không kích. Thay vì chở các xác chết đến bệnh viện, Ismael quyết định chôn họ nhanh chóng theo đạo Hồi. Nhưng, nỗi khổ của ông đã đòi bồi thường thiệt hại thật cam go vì ông tin rằng chính phủ Afghanistan sẽ có quỹ để bồi thường cho người chết vì chiến tranh. Trong lúc nhận được một khoản tiền nhỏ từ đâu đó, ông Ismael vẫn muốn chính phủ thừa nhận những đứa con của ông là nạn nhân của xung đột dai dẳng đã tàn phá Afghanistan suốt hàng thập niên.

Hy vọng mong manh

Bà Sahr Muhammedally, cố vấn các quân đội và chính phủ về giảm thiểu các tác hại dân sự như là một phần của Trung tâm dân sự trong xung đột (CIVIC) phát biểu: “Hy vọng có những thay đổi đang đến gần. Lầu Năm Góc đang phát triển chính sách bộ phận mở đầu tiên liên quan đến các thương vong dân sự nhằm mục đích áp dụng cùng các tiêu chuẩn ở tất cả các trận chiến có Mỹ tham gia”.

Ở Afghanistan, NATO đã có một số nỗ lực để giảm thiểu tác hại với lưu ý rằng “thương vong dân sự là mối đe dọa lớn nhất cho thực thi nhiệm vụ”. Hoa Kỳ đã sắp xếp các cuộc điều tra của họ nhằm đối phó với nhiều cáo buộc không ngừng gia tăng. Nhưng bà Sahr cũng cảnh báo: “Muốn biến chính sách thành thực tế cần phải có thời gian và cố vấn. Mỹ rút lui nhưng các lực lượng Afghanistan phải đối mặt với những thách thức khổng lồ. Quan trọng là không được từ bỏ sự tiến bộ”.

Chính sách của Lầu Năm Góc dự kiến sẽ được thực hiện vào cuối năm 2020 này. Trong khi đó sự minh bạch ở Afghanistan lại giảm. Tháng trước, quân đội Mỹ cho biết sẽ không còn thả bom ở Afghanistan nữa, kết thúc 10 năm các hồ sơ công khai. Hoa Kỳ tuyên bố dữ liệu sẽ gây tác động xấu đến đàm phán hòa bình Taliban. Ông Daragh Murray, giảng viên luật cao cấp tại Đại học Essex (Anh) nhấn mạnh đến các nguyên tắc tỷ lệ, nói đơn giản thì có thể hiểu rằng khi quân Mỹ tấn công một chiến binh Taliban thì không được gây ra tác hại không cân xứng cho dân thường hay các tài sản dân sự.

 

Ông Daragh phân tích: “Khi các tòa nhà bị nhắm mục tiêu và thường có dân thường bên trong nó, thì phải đặt câu hỏi nên hay không tấn công bằng các cách khác ít phá hủy hơn”. Vào tháng 3 năm 2020, Tòa hình sự quốc tế (ICC) ra tuyên bố một cuộc điều tra nhắm vào các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người được thừa nhận bởi Mỹ và các bên tham chiến ở Afghanistan, có thể được tiến hành.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm