Quốc tế

Hé lộ điều ông Kim Jong-un mong mỏi trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo

Các nguồn tin ngoại giao đã tiết lộ điều nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mong muốn khi ông gặp các nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc và Mỹ gần đây.

Những chiến đấu cơ "cánh ngược" nổi tiếng nhất thế giới / Clip: Đặc nhiệm Nga thử nghiệm vũ khí phát sáng gây “mù mắt” đối phương

Từ trái qua phải: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Telegraph)

Từ trái qua phải: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Telegraph)

Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn các nguồn tin ngoại giao ngày 12/7 cho biết trong các cuộc gặp gần đây với Tổng thống Nga, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã kêu gọi bảo đảm an ninh, thay vì dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Việc ông Kim Jong-un đặt trọng tâm mới vào vấn đề bảo đảm an ninh có thể xem là nỗ lực của Triều Tiên nhằm phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn coi các lệnh trừng phạt là cần thiết cho tới khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Bảo đảm sự tiếp nối liên tục của hệ thống chính trị đương thời do nhà lãnh đạo Kim Jong-un dẫn đầu là mục tiêu được Triều Tiên theo đuổi từ lâu. Trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên vào năm 2018, Tổng thống Trump đã hứa sẽ đưa ra sự bảo đảm về an ninh cho Bình Nhưỡng, trong khi ông Kim Jong-un cam kết sẽ phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên.

Các quan chức cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên nhiều khả năng đã được thông báo về lập trường mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Hé lộ điều ông Kim Jong-un mong mỏi trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo - 2

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều bắt tay tại khu phi quân sự hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)

 

Tuy nhiên vẫn còn những lo ngại rằng, yêu cầu đảm bảo an ninh của Triều Tiên trong tương lai cũng đồng nghĩa với sự thay đổi về hiện diện khí tài quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm lực lượng binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Điều này có thể khiến các cuộc đàm phán hạt nhân trở nên phức tạp hơn.

Nếu các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên tiến triển, Bình Nhưỡng có thể sẽ lại yêu cầu Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt với lý do rằng, các hoạt động kinh tế của Triều Tiên cần được đảm bảo để duy trì hệ thống chính trị dưới thời ông Kim Jong-un.

Mãi cho tới đầu năm nay, Triều Tiên vẫn kêu gọi Liên Hợp Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, vốn được thiết kế để ngăn chặn tham vọng hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Đồng thời, Triều Tiên cho biết nước này đã bắt đầu tiến hành các biện pháp cụ thể để phi hạt nhân hóa.

Chính quyền Mỹ đang phân tích cẩn trọng ý đồ phía sau sự chuyển đổi trong chiến lược đàm phán của Triều Tiên, từ mục tiêu nới lỏng trừng phạt sang đảm bảo an ninh.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Trump tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở khu phi quân sự Hàn - Triều hôm 30/6, nhà lãnh đạo Kim Jong-un không đưa ra tuyên bố cụ thể về việc làm thế nào để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh cho Triều Tiên.

 

Mối quan tâm hiện nay là liệu Triều Tiên có đưa ra yêu cầu chi tiết về vấn đề trên tại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ hay không, trong khi Washington vẫn nôn nóng nối lại các cuộc đàm phán đang bị đình trệ vào cuối tháng này.

Mong muốn của Triều Tiên

Hé lộ điều ông Kim Jong-un mong mỏi trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo - 3

Tổng thống Putin gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 4. (Ảnh: Reuters)

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là đã bày tỏ mong muốn về việc bảo đảm an ninh trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Kim đã gặp ông Putin hồi cuối tháng 4 tại thành phố cảng phía đông Vladivostok, và gặp ông Tập vào cuối tháng trước tại Bình Nhưỡng.

Trong các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 hồi tháng 2, Mỹ và Triều Tiên, hai nước chưa có quan hệ ngoại giao chính thức, đã nhất trí triển khai các bước để cải thiện quan hệ song phương và thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm việc mở văn phòng liên lạc của Mỹ tại Bình Nhưỡng. Hai nước thậm chí còn chuẩn bị cho việc tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên.

 

Trước đây Mỹ từng cam kết bảo đảm an ninh cho Triều Tiên. Trong tuyên bố vào năm 1994, chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton từng khẳng định “Mỹ sẽ cung cấp sự bảo đảm chính thức cho Triều Tiên, chống lại việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ”.

Hé lộ điều ông Kim Jong-un mong mỏi trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo - 4

Ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình dự tiệc cùng nhau (Ảnh: Reuters)

Sau chính quyền Clinton, chính quyền kế nhiệm của cựu Tổng thống George W. Bush, cũng ra một tuyên bố chung với các bên tham gia đàm phán hạt nhân, trong đó có Triều Tiên, vào tháng 9/2005. Tuyên bố nhấn mạnh mục tiêu “không có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và cũng không có ý định tấn công hay xâm lược Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường”.

Tuy nhiên, cả hai tuyên bố trên rốt cuộc đều đổ vỡ sau khi Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Kể từ đó, Mỹ không có biện pháp cụ thể nào để bảo đảm an ninh cho Triều Tiên.

Một trong số những biện pháp được xem là hình thức bảo đảm an ninh cho Triều Tiên là biến thỏa thuận đình chiến được ký năm 1953 thành hiệp ước hòa bình, đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên.

 

Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Mỹ - Hàn vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do các bên mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến sau khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm