Quốc tế

Hồ sơ cảnh sát quốc tế: Bí mật xung quanh vụ cháy tàu ngầm AS-31 “Losharik” ở Nga

Ngày 1/7/2019, trong quá trình trắc đạc đáy biển Barents, một trong số thiết bị nghiên cứu khoa học biển sâu của Bộ Quốc phòng Nga trong tàu ngầm AS-31 “Losharik” đã bốc cháy. Được biết, lửa phát ra từ trạm hạt nhân phát điện của dự án 10831.

Dân châu Âu "sốc" khi vị trí kho vũ khí hạt nhân Mỹ bị lộ / Vì sao Mỹ dội pháo uy lực khủng khiếp chỉ kém bom nguyên tử xuống Syria?

Trong bối cảnh kịch tính, các thủy thủ tàu ngầm từ những ngách hẹp ngập ngụa khói lửa trước hết đã lo sơ tán các đại diện của ngành công nghiệp dân sự, bịt kín các cửa để ngăn lửa lan sang các khoang lân cận chứa máy móc do thám biển sâu và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự sống của con tàu.

Trước khi hy sinh, các thủy thủ đã dập tắt được lửa, cứu được nhiều đồng đội và các máy móc phục vụ do thám không gian biển sâu và đáy của đại dương vì lợi ích của Hải quân Nga. Hiện tàu AS-31 “Losharik” đã ở căn cứ hải quân Hắc Hải (tỉnh Murmansk). Bộ Quốc phòng Nga công bố tin đau thương này đồng thời xác nhận: sự cố xảy ra trong hải phận của Liên bang Nga.

Tàu ngầm mẹ BS-136 “Orenburg”.

Tàu ngầm mẹ BS-136 “Orenburg”.

Ngay sau đó, một Ủy ban điều tra đã được thành lập do Tổng Tư lệnh Hải quân Nga Nikolai Evmennov đứng đầu. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được Tổng thống V. Putin trực tiếp giao nhiệm vụ và đã về Hắc Hải đích thân chỉ đạo việc lo chế độ cho các thủy thủ hy sinh và còn sống đồng thời tìm ra nguyên nhân vụ cháy.

Các thiết bị thăm dò vùng nước sâu thường được đặt dưới sự chủ quản của Cơ quan nghiên cứu biển sâu (GUGI), một trong những đơn vị được tuyệt đối giữ bí mật của Bộ Quốc phòng Nga, do đó, vụ tai nạn này - đương nhiên - là bí mật quốc gia, nên không được phép công bố.

Chỉ biết rằng tàu AS-31 “Losharik” có chức năng lập bản đồ không gian đáy biển, sẵn sàng cứu hộ những tàu ngầm gặp nạn và thu gom những mảnh vỡ của các thiết bị bay bị chìm xuống biển, kể cả ngăn chặn và nghe ngóng những cuộc gọi quốc tế qua cáp biển, điều mà liên minh quân sự NATO rất lo.

AS-31 “Losharik” được thiết kế từ 1988-1990 và hoàn thiện vào năm 1992, bắt đầu chế tạo năm 1990 nhưng do gặp khó khăn về tài chính nên đến năm 2003 mới xong. Tàu ngầm này mang tên chính thức AS-31 “Losharik” là để vinh danh nhân vật chính được hình thành từ những quả bóng trong bộ phim hoạt hình Nga cùng tên.

Vĩnh biệt.

Tàu có hai lớp vỏ bằng titan, trong đó vỏ chịu áp lực gồm 7 khoang hình cầu tương đối độc lập với nhau, lối liên thông rất hẹp, điều này khiến tàu có rất ít không gian cho thủy thủ đoàn và trang thiết bị, nhưng giúp độ bền cấu trúc vượt xa tàu ngầm thông thường.

Tàu có độ dài 69 mét, bề rộng 7 mét, tốc độ dưới nước 30 uzel (1 uzel bằng 0,514 m/s), lặn được tới độ sâu tối đa 6.000 mét. Đội thủy thủ trong tàu ÀS-31 “Losharik” gồm 25 sĩ quan, nhưng không được trang bị vũ khí. Tàu ÀS-31 “Losharik” có hệ thống lái đặc biệt và để đảm nhiệm các chiến dịch dưới biển sâu, khi bơi ra xa cần có tàu mẹ.

Tàu mẹ chở AS-31 “Losharik” trong chuyến đi định mệnh này là tàu nào? Năm 2012, AS-31 “Losharik” được chở bằng tàu mẹ BS-136 “Orenburg” đã thi hành cuộc thám hiểm Hắc Hải và dựng được chính xác ranh giới nước Nga ở vùng Bắc Cực.

Đặc biệt, chính tàu này đã lấy được mẫu thổ nhưỡng đáy biển ở độ sâu hơn 2km làm cơ sở chứng minh rằng hai mạch núi Lomonosov và Mendeleev là thuộc thềm lục địa Nga xuất hiện vào khoảng 470 triệu năm trước. Hải phận mà Nga coi là tiếp nối thềm lục địa của mình có tổng diện tích vào khoảng 1,2 triệu kilomet vuông, và theo Bộ Môi trường Nga, thì dự trữ nhiên liệu Hidrocarbon ở thềm lục địa mới này được đánh giá ngang với khoảng 5 tỷ tấn than - tức là khoảng 12% tổng dự trữ dầu khí của cả thế giới.

Tuy nhiên, sau chuyến thám hiểm, hệ thống chiếu sáng bên ngoài và vỏ tàu AS-31 “Losharik” bị va chạm, nên phải sửa chữa đến năm 2017 mới xong và trở lại hoạt động theo tàu mẹ là tàu ngầm hạt nhân chiến lược BS-64 “Podmoskovie”.

 

Tàu ngầm AS-31 “Losharik”

Tàu BS-64 “Podmoskovie” đã phải đại tu từ năm 2016 tại xí nghiệp “Ngôi sao nhỏ” ở Severodvinsk, trong đó công đoạn quan trọng nhất là tháo bỏ 16 khoang chứa tên lửa đạn đạo RSM-54 Sineva để lấy chỗ chứa tàu ngầm con AS-31 “Losharik” nên chưa thể biết đích xác hiện tàu AS-31 “Losharik” có theo tàu mẹ là BS-64 “Podmoskovie” hay không...

Ngoài BS-136 “Orenburg” và BS-64 “Podmoskovie”, tàu mẹ của AS-31 “Losharik” còn có thể là tàu ngầm hạt nhân Ê-329 “Belgorod” mới hạ thủy tại “Sevmash” trong năm nay. Ê-329 “Belgorod” có khả năng lặn tới độ sâu 500 met và đạt tốc độ trên 30 uzel. Tàu này là tàu đầu tiên được nhận và cùng thử với 6 thiết bị hạt nhân chiến lược không người lái “Poseidon” vào mùa hè năm nay. Rất ít khả năng sự cố với tàu AS-31 “Losharik” liên quan với “Poseidon”.

Sự việc trở nên rõ ràng vào cuối ngày 3/7 khi hãng thông tấn TASS công bố bức ảnh chụp một chiếc tàu cứu hộ của hạm đội Hắc Hải, phía trước mũi nó là tàu ngầm mẹ BS-136 “Orenburg” chở dự án 10831 - trạm hạt nhân hoạt động dưới biển sâu, nơi hai ngày trước phát sinh vụ cháy.

Trong số 14 nạn nhân, được biết có Đại tá Hải quân Denis Vladimirovich Dolonsky. Cách đây 6-7 năm, ông đã được phong danh hiệu Anh hùng nước Nga vì những công trạng trong nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực. Cùng hy sinh là một Anh hùng nước Nga khác - Đại tá Nikolai Ivanovich Filin - và Đại tá Andrei Voskresensky.

Người thứ tư được kể chi tiết hơn, đó là Denis Oparin từ làng Olen Gub tỉnh Murmansk. Anh vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 40, chỉ huy đơn vị ¹45707 đóng quân ở Petergof, nơi đăng ký toàn bộ thủy thủ đoàn của AS-31 “Losharik”. Anh là con trai của Đại tá Anh hùng nước Nga Alexandr Oparin cũng công tác trong tàu ngầm. Năm 2000, người cha đã từng tham gia chiến dịch cứu hộ tàu ngầm hạt nhân “Kursk” gặp nạn trên biển Barents khi 118 thủy thủ trong tàu bị thiệt mạng.

 

Báo giới quốc tế đều sửng sốt trước tin tàu AS-31 “Losharik” bị tai nạn, đều bình luận về sự hy sinh của các thủy thủ tàu ngầm siêu nhỏ ở biển Barents và bày tỏ thái độ cần có trước công việc và hiểm nguy của họ. Cuộc đời của những người làm việc trong tàu ngầm bao giờ cũng nguy hiểm đến tính mạng cho nên không ai có thể thờ ơ. Trên tờ Washington Examiner (Mỹ) kịp thời đăng bài tỏ lòng tiếc thương các thủy thủ tàu ngầm đã thiệt mạng khi đang làm việc ở gần đại bản doanh Murmansk của Hạm đội Hắc Hải.

Làm công tác trong tàu ngầm là một cộng đồng đặc biệt. Tất cả những người làm việc trong tàu ngầm trên thế giới đều biết đấy là những tinh hoa của biển, bao gồm những thủy thủ có tính chuyên nghiệp rất cao và những vị chỉ huy can đảm.

Họ hoạt động dưới biển sâu, trước mắt là cái chết luôn luôn rình rập, nếu như thiết bị kỹ thuật bị trục trặc thì tất cả đều gặp vấn đề lớn. Nếu như tàu ngầm bị đụng chạm thì vỏ tàu sẽ bị biến dạng và bắt đầu bốc cháy. Nếu như bị đối phương phát hiện thì nhiệm vụ của tàu sẽ không hoàn thành.

Đội tàu Nga này cũng như những đội tàu khác dạng “Jimmy Carter” của Mỹ thực hiện nhiệm vụ giáp nối các đường dây cáp điện khi chúng bị hỏng, đồng thời thu thập những thông tin quan trọng. Mỗi một người công tác trong tàu ngầm đều biết rằng một khi đã rời căn cứ là luôn phải đối mặt với những hiểm nguy.

Được biết trong tàu AS-31 “Losharik”, các thủy thủ đều mang quân hàm từ cấp thiếu tá của Hạm đội Nga. Tất cả là 14 người hy sinh, 4-5 người được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergay Shoygu cam kết sẽ tưởng thưởng xứng đáng thủy thủ đoàn của AS-31 “Losharik”.

 

Theo Đăng Bẩy/cstc.cand
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm