Quốc tế

Hồ sơ Chernobyl: Bài học địa lý từ thảm họa hạt nhân

Đã 33 năm kể từ khi xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl, nhưng có một điều bất ngờ là tới nay nhiều người vẫn nghĩ đây là một địa danh của Nga.

Ukraine chôn nhà máy hạt nhân Chernobyl trong "Quan tài thép" / Chernobyl: Sự thật về 'thành phố ma'

Thảm họa Chernobyl xảy ra ở đâu?

Thảm họa Chernobyl xảy ra ngày 26/4/1986, tại một lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl nằm gần thành phố Pripyat. Khu vực này ngày nay thuộc Ukraine. Tuy nhiên, thời điểm năm 1986, nó vẫn là một phần của Liên Xô.

Trực thăng rải chất khử độc trên các tòa nhà của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Ảnh tư liệu: Spunik

Trực thăng rải chất khử độc trên các tòa nhà của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Ảnh tư liệu: Spunik

Lý do chính thảm họa Chernobyl được liên hệ với Nga là vì tình trạng ô nhiễm sau đó đã ảnh hưởng tới một phần lãnh thổ và dân số đáng kể của Nga, Belarus và các nước thuộc Liên Xô trước đây.

Việc sơ tán diễn ra ở đâu và khi nào?

Trong 2 ngày đầu, giới chức đã giữ kín thông tin vì lo sợ nó sẽ gây sự hoảng loạn trong cộng đồng. Trong khi đó, ô nhiễm bắt đầu lan rộng một cách chóng mặt. Trong vòng 36 giờ sau thảm họa, Pripyat, thành phố gần lò phản ứng xảy ra sự cố nhất, bắt đầu sơ tán công dân.

Mọi người sơ tán trên những chuyến xe tải hoặc đi bộ, mang theo con cái cùng những đồ dùng cá nhân thiết yếu và một ít quần áo nhẹ do thời tiết khá ấm. Tuy nhiên, đó lại là điều nguy hiểm chết người đối với sức khỏe của họ. Số người bị ảnh hưởng bởi phóng xạ độc hại vẫn chưa được biết đến.

Ban đầu, những người sống trong bán kinh 10km từ nơi xảy ra thảm họa đã được sơ tán, nhưng ngay sau đó khu vực được mở rộng lên bán kính 30km.

 

Ngày 28/4/1986, các hãng thông tấn trung ương Liên Xô cuối cùng cũng đưa tin về thảm họa hạt nhân Chernobyl nhưng không đưa ra hướng dẫn rõ ràng về việc người dân phải làm thế nào để tránh bị phơi nhiễm và bảo vệ bản thân mình trước phóng xạ hạt nhân.

Những vùng lãnh thổ nào bị ảnh hưởng?

Sau vụ nổ hạt nhân, có tới 50 tấn chất phóng xạ đã tràn ra môi trường. Các đám mây phóng xạ đã bay đến phần châu Âu của Liên Xô và sau đó là cả Đông Âu, Scandinavia, Anh và các khu vực phía Đông nước Mỹ. Tuy nhiên, Belarus và Ukraine là các vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Đã có những lời đồn rằng, để ngăn chặn các đám mây ô nhiễm bay về phía Moscow, Liên Xô đã triển khai các máy bay gây mưa trên lãnh thổ Belarus để các chất phóng xạ trôi xuống các khu vực ít dân cư của Belarus trước khi nó có thể tới được miền trung nước Nga. Thiệt hại do quyết định này gây ra cũng không thể ước tính được.

Nhìn chung, vụ nổ hạt nhân đã gây ô nhiễm cho một khu vực rộng 200.000 km vuông với các chất đồng vị urani và plutoni, iod-131, cesi và stronti-90 – tất cả đều là các chất phóng xạ và gây hại cho sức khỏe con người.

 

Những hậu quả lâu dài

Khoảng 5 triệu hecta đất bị hủy hoại không thể sử dụng cho nông nghiệp và kinh tế địa phương sau thảm họa. Đến năm 2011, khoảng 1/3 vùng đất này đã có thể trồng trọt trở lại và sử dụng trong các hoạt động nông nghiệp khác.

Một khu vực cấm trong vòng bán kính 30km vẫn được duy trì lâu dài sau thảm họa. Khu vực này rộng khoảng 2.600km vuông và thị trấn Chernobyl nằm ở trung tâm. Bên trong vùng này, khoảng 5.000 người vẫn đang làm việc để khắc phục hậu quả của thảm họa hạt nhân. Hầu hết số họ sống ở thị trấn Slvutich gần đó. Có hơn 300 người tình nguyện sống bên trong khu vực thảm họa. Nhiều loài động vật, chim, cá, cũng vẫn sống trong khu vực cấm.

Tuy nhiên, vùng lãnh thổ bị ô nhiễm trải dài hơn so với khu vực cấm này. Vào những năm 1990, có thêm nhiều ngôi làng và thị trấn bị bỏ hoang vì sự ô nhiễm.

Ngày 26/4/2016, Khu bảo tồn hệ sinh thái và phóng xạ Chernobyl được thành lập để tiếp tục giảm thiểu hậu quả của thảm họa và bảo tồn, khôi phục các nguồn tài nguyên tự nhiên còn lại. Khu vực bảo tồn chính thức rộng khoảng 227 hécta.

 

Theo Hoàng Phạm/VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm