Quốc tế

Hồ sơ Interpo l“Tướng” giang hồ Gruzia

Tariel Oniani sống những năm tháng tuổi thơ tại làng nhỏ Lentekhi chỉ có 2.000 dân, Gia đình sau đó chuyển về thị trấn Tkibuli để người cha làm nghề thợ mỏ. Cha mất sớm vì sập hầm, gia đình lại chuyển về thành phố Kutaisi, Tariel chuyên đi ăn cắp.

Cảnh sát Philippines cáo buộc Phó Tổng thống âm mưu “nổi loạn” / Ông Trump cử người đàm phán “phá” bế tắc sau khi Iran gửi tín hiệu “xuống nước”

Lần đầu tiên, vào tháng 7/1976 Tariel mới 18 tuổi đã bị cảnh sát bắt, cộng với vụ trộm tháng trước khi chưa đến tuổi thành niên, và bị kết án tù 2,5 năm tại Sida (Abkhazia). Đầu năm 1979, vừa ra tù, hắn được 17 “cáo già” Gruzia phong “tướng” khi chớm 20 tuổi và nhận biệt danh Taro.

Tháng 8/1982, Taro lại bị tù 2,5 năm vì tội trộm cắp tại Chelyabinsk, sau đó còn 2 án nữa: 2 năm (1985) và 3 năm (1987). Nhà tù đã đào luyện Taro thành tên giang hồ chủ chốt của Gruzia: Đứng đầu tổ chức tội phạm hùng mạnh và rộng khắp nhất, bao gồm 50 tên chuyên nghiệp và 500 thành viên khác. Vừa ra tù năm 1989, hắn chuyển về Moskva.

Băng của Taro trên thực tế không bị vào tầm ngắm của cảnh sát, vì thủ lĩnh quy định hoạt động của băng mang lại thu nhập lớn nhưng không được liên quan đến bất cứ vi phạm hình sự nào. Băng vẫn hoạt động tốt kể cả khi Taro không có mặt ở Moskva: Năm 1992, tại Moskva diễn ra cuộc tranh giành khốc liệt giữa các băng nhóm thì hắn đã ở nước ngoài.

Vấn đề lớn là mâu thuẫn giữa Taro nhằm bênh chiến hữu ruột Ilya Simoni (Makho) với Vyacheslav Ivankovyi (Japonchik), một trong những kẻ có ảnh hưởng nhất trong giới giang hồ. Vào cuối những năm 1980, tại nhà tù Tulun, Japonchik đụng Makho và không được y “công nhận” nên tập hợp các bạn tù chống lại.

Japonchik dùng nhiều cách, kể cả ra thông điệp lột tước của kẻ ngỗ ngược, và khi đã trốn sang Mỹ rồi vẫn tiếp tục đòi “xóa tên” Makho và Taro. Ngay khi Japonchik vừa ra tù và về đến Moskva, Taro đã chuồn ra nước ngoài.

Nhóm tướng cướp Gruzia (Taro - thứ hai từ trái sang) năm 2008.

Nhóm tướng cướp Gruzia (Taro - thứ hai từ trái sang) năm 2008.

Lúc đầu Taro ở Pháp, làm nghề buôn lậu rượu và thuốc lá, bán tài liệu giả và điều khiển từ xa hoạt động của tổ chức tội phạm thuộc quyền mình trong việc chiếm các xí nghiệp của Liên Xô cũ. Hắn lọt khỏi tầm kiểm soát của Cảnh sát Pháp cho đến năm 1994, khi tại Antwerpen (Bỉ) có một nhân vật khả nghi bị bắt giữ với hàng loạt hộ chiếu giả trong đó có một chiếc mang tên Taro.

Cảnh sát quyết định theo dõi và nghe trộm điện thoại của Taro. Đầu năm 1995, trên bàn điều tra viên có sẵn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa Taro với thân tín của hắn là Merab Dzhangveladze (Merab Sukhumsky) bàn luận về việc chuyển lô ma túy từ Trung Á về Moskva. Cả hai tên đều phải đến đồn và bị bắt giữ, nhưng nhờ công các luật sư, nghi phạm nộp tiền tại ngoại và đạt được đình chỉ điều tra.

Dù đã cẩn thận hơn, nhưng tháng 7/ 1998, Taro vẫn bị Cảnh sát Pháp truy lùng sau khi một người có tên David Sanikidze từ Gruzia sở hữu một hãng hàng không bị bắn chết giữa ban ngày tại trung tâm thành Vienna (Áo). Hung khí là khẩu súng ngắn “Skorpion” bị sát thủ vứt không xa chỗ gây án.

Sát thủ này rất thiếu cẩn thận: Các chuyên gia tìm thấy dấu ngón tay ở nòng súng thuộc về người em trai của Taro là Georgi Oniani. Người bị giết vốn chơi thân và là đối tác làm ăn của Japonchik, hơn thế nữa, nhân lúc Taro vắng mặt ở Nga, hai người đã nẫng tay trên 15 triệu USD của một ngân hàng vỡ nợ mà Taro định nắm giữ.

Trước tình hình đó, Taro quyết định rời Pháp, sang Tây Ban Nha, tại đây, hắn gặp lại đồng nghiệp cũ từ băng Kutaisi là Zakhary Kalashov (Shakro Trẻ). Y cũng như Taro, từ Nga chạy sang châu Âu và tranh thủ lập ra một hãng chuyên rửa tiền ăn cướp, qua một sơ đồ hoàn hảo, đầu tư vào bất động sản và nhanh chóng được Taro cho phép “gánh” toàn bộ tiền của tổ chức tội phạm Kutaisi.

Gventsa – con gái Taro.

Khi đó, Taro ngồi tại biệt thự ở quận uy tín nhất Barcelona, dựa vào một doanh nghiệp xây dựng sở tại và nhờ nhân vật tin cậy lập một hãng hàng không tại Gruzia. Công việc tiến triển cho tới năm 2005, khi Cảnh sát Tây Ban Nha bắt đầu đưa vào tầm ngắm những trùm mafia Nga đang ẩn náu ở Tây Ban Nha.

Cảnh sát Tây Ban Nha được Alexandr Litvinenko, cựu nhân viên KGB-FSB giúp đỡ đắc lực trong việc này. Trong tay Litvinenko có đầy hồ sơ giấu nguồn về các đối tượng hình sự sang “nằm vùng” ở Tây Ban Nha nên mau lẹ chuóển cho cảnh sát. Nhờ món quà tặng đó, cơ quan bảo vệ pháp luật trong thời hạn ngắn nhất đã mở chiến dịch quy mô mang tên Avispa (sà), huy động 400 cảnh sát tinh nhuệ và vài chục thiết bị kỹ thuật, trong đó có ôtô chuyên dụng và máy bay lên thẳng.

Đầu mùa hè 2005, Cảnh sát Tây Ban Nha lục soát tất cả các cơ quan đại diện hãng xây dựng của Taro ở 5 thành phố và đến khám biệt thự, nhưng Taro được mật báo đã chuồn khỏi Tây Ban Nha. Ở châu Âu đằng nào thì cũng khó thoát, Taro quyết định trở về lẩn trốn tại nước Nga.

Cảnh sát Tây Ban Nha chỉ bắt được một người trợ lý và cô con gái Gventsa 12 tuổi của Taro. Cô này sợ tưởng chết, phải đưa vào trại đặc biệt chứa trẻ chưa thành niên. Ngoài ra trong tay cảnh sát còn giữ lệnh dẫn độ Shakro Trẻ từ đầu năm 2006 khỏi Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất: Y chuồn sang Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất ngay sau cuộc lục soát của cơ quan chức năng với hy vọng quốc gia phương Đông này không cộng tác với châu Âu về luật dẫn độ tội phạm.

Tòa án Tây Ban Nha tuyên phạt Shakro hai mươi triệu euro với 7,5 năm tù về tội rửa tiền và thành lập tổ chức tội phạm. Ngay sau đó tất cả tài khoản và tài sản của Shakro (hàng loạt chợ và casino ở Moskva) bị “Cụ Hasan” nhằm chiếm.

 

Taro coi Shakro là người của mình, mình phải được hưởng tài sản đó, nên không chịu. Lúc này, hắn đã bỏ quốc tịch Gruzia, lấy quốc tịch Nga nhằm tránh danh nghĩa tội phạm bị truy nã quốc tế. Hắn tuyên bố quyền mình được “thừa kế” Shakro.

“Cụ Hasan” tức khí, mâu thuẫn nhỏ biến thành cuộc chiến thực sự. Biết “Cụ Hasan” giao tài sản của Shakro cho một thuộc hạ của lão là Lasha Shushanashvili (Rustavsky), Taro thường bắn tin qua lại với Rustavsky rồi vào việc. Tháng 4-2008, Taro đề nghị tước danh hiệu giang hồ của Rustavsky.

Phái “Cụ Hasan” không chịu, lại có thêm Japonchik không quên chuyện cũ cũng vào hùa lập thành một hội giang hồ, họp vào tháng 5-2008 tại casino “Êristall” đặt vấn đề Taro dưới dấu hỏi. Biết thế, Taro gửi cho “Cụ Hasan” và Japonchik lời mời đến dự hội nghị giang hồ vào tháng 7-2008 trên chiếc tàu thủy bơi trên hồ Pirogovskoe. Nhưng hai tướng cướp này đã chuyển lời mời đó đến cảnh sát và không đến chỗ hẹn.

Ngày 8-7-2008, đơn vị đặc nhiệm mai phục sẵn nơi bờ hồ Pirogovskoe bất thần tấn công, chiếc trực thăng đậu xuống tàu thủy cùng tiếng hô đồng loạt: “Úp mặt xuống”. Những tên sừng sỏ trên tàu thủy đã nghe thấy tiếng trực thăng đến gần nên nhảy xuống hồ, nhưng vô ích. Canô của cảnh sát ào tới, giải về đồn 33 gã giang hồ cộm cán đứng đầu là Taro, nhưng chỉ sau một bản án tượng trưng rồi thả.

Taro tại phiên tòa ngày 24/3/2010.

Tuy tham gia cuộc chiến nội bộ của giới giang hồ, Taro vẫn tiếp tục mở thêm công ty mới: Năm 2006 hắn bỏ ra 1 triệu rub lập hãng bán lẻ sắt thép, nhiên liệu và quặng, cũng được một thời gian phát đạt, nhưng không lâu hãng đã đóng cửa vào năm 2009.

 

Khi đó cuộc chiến giữa các băng đi vào hồi kết, khởi đầu là vụ bắt Taro. Doanh nhân Johnny Managadze khai báo với cảnh sát rằng hồi đầu tháng 3, một người trong băng của Taro đến đòi phải nộp 20.000 USD để được băng này bảo trợ, nhưng ông ta từ chối và sau đó bị bắt cóc.

Ngày 18-3, vừa bước ra khỏi khách sạn ở phố Smolenskaya thì có 2 người đàn ông ập đến khóa tay ông đưa lên chiếc Mercedes đậu ở gần đấy, rồi chạy đến phố Ryabinovaya. Ông có nhớ một người là “sứ giả” hôm nọ, còn không rõ người kia. Ông cố chống cự nhưng vẫn bị lôi vào một phòng nhỏ, tường cách âm, bị đánh bằng chày và đòi tiền, lần này lên đến 500 “tờ xanh”.

Quá hoảng sợ nên Johnny Managadze điện cho vợ, và trong thời hạn cực ngắn, vợ phải nộp hơn 200.000 USD, bọn chúng mới chịu thả. Về sau, ông nhận được đôi ba cuộc điện thoại nhắc nhở về món còn lại nên đành đi báo cảnh sát. Chỉ nghe một bên bị hại thôi thì chưa đủ, trong quá trình củng cố hồ sơ, cảnh sát được 2 vệ sĩ của Taro xác nhận lời khai của Johnny Managadze rồi lập tức ra lệnh khám và bắt giữ Taro vào ngày 10/6 tại biệt thự của hắn.

Cảnh sát vô hiệu hóa hắn nhanh chóng khi hắn đang trốn trong một căn phòng hẹp dùng để chứa đồ. Trong nhà thấy có hộ chiếu mang tên David Mulukhov nhưng ảnh lại là Taro. Ít lâu sau mới rõ hộ chiếu là thứ thiệt, tay anh chị này thay tên đổi họ một cách công khai. Hắn bị truy tố về hai tội: Tống tiền và bắt giữ người trái pháp luật, bị giam ở nhà tù “Lặng yên thủy thủ” chờ ngày hầu tòa.

Ngày 28/7/2009 gần quán ăn “Voi Thái” ở đường Khoroshevkoe, Japonchik - đối thủ của Taro – bị thương ở bụng, chắc là có bàn tay của Taro. Tại “Lặng yên thủy thủ”, một thông điệp của giới giang hồ được gửi tới, có chữ ký của 36 tên cộm cán, trong đó có… Japonchik, tuyên án tử cho Taro. Thời điểm gửi thông điệp thì Japonchik đang mê man, không ký được, nhưng giới giang hồ không cấm người khác ký thay. Thông điệp không đến tay Taro vì bị nhân viên trại giam chặn lại. Đành phải chuyển Taro sang phòng khác để bảo toàn tính mạng cho hắn.

 

Gần đến ngày ra tòa, lường trước tình hình, cơ quan bảo vệ pháp luật cố gắng giữ an toàn tối đa cho các nạn nhân và nhân chứng, nên cả Managadze và bà vợ ông không có mặt tại phòng xử. Lợi dụng yếu tố đó, Taro lớn tiếng đòi nạn nhân phải có mặt để hắn “nhìn thẳng vào mắt”.

Và tuy hắn không đe dọa trực tiếp, nhưng một số nhân chứng đã rút lời khai. Hắn còn khăng khăng cãi là mọi chuyện đều do tạo dựng... Kết quả, tòa vẫn quy kết Taro phạm 2 tội và tuyên án 10 năm tù. Hắn được đưa về trại biệt giam “Cá heo đen”, kết thúc quãng đời tung hoành khắp châu Âu.

Theo Đăng Bẩy/cstc.cand
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm