Quốc tế

Hồ sơ Interpol: Cuộc săn tìm người đàn bà tàng hình

15 năm các thám tử đi tìm tên tội phạm có ADN lưu lại ở nhiều quốc gia, nhưng không để lại dấu vân tay, bọn đồng lõa thì im lặng, không có nhân chứng, dấu vết duy nhất của nạn nhân sau vụ án chỉ là AND được tìm thấy ở nhiều thành phố khác nhau sau những vụ ám sát, trộm cướp và rượt đuổi.

Hồ sơ Interpol: Tin sốc về vụ đầu độc khiến Ukraina chao đảo suốt 15 năm / Hồ sơ Interpol: Tiết lộ chiêu CIA tuyển gián điệp, gửi thiết bị cho căn cứ tại Iran

Bà Liselotte Schlenger, 62 tuổi, ở thành phố Idar-Oberstein (Đức) vốn ưa thích nuôi mèo và nướng bánh tại nhà. Ngày 23/5/1993, bà làm mẻ bánh nướng và mời hàng xóm đến nếm thử. Điều gì sau đó xảy ra - cho đến bây giờ vẫn không ai biết được - nhưng lúc khách được mời đến thì cửa đóng chặt, không có ai ra mở. Một người hàng xóm thấy bất an nên gọi điện ngay đến cảnh sát.

Thi thể bà Liselotte Schlenger được tìm thấy trong phòng khách. Xét ra, bà vừa kịp bày ấm chén ra bàn, cạnh bó hoa chưa kịp cắm thì bị tấn công bất ngờ vì đã tự tay mở cửa cho kẻ sát nhân vào nhà. Hắn đã nhảy xổ vào, dùng sợi dây buộc bó hoa để thắt cổ bà cho đến chết. Kẻ xấu hầu như không để lại bất kỳ dấu vết gì.

Các nhà điều tra đã phỏng vấn hàng chục người có thể là nhân chứng, nhưng chẳng tiến thêm được bước nào tới gần sự lý giải. Mắt xích duy nhất là dấu vết để lại trên một trong những chiếc chén của một phụ nữ không tên - những thành phần của ADN. Cảnh sát chỉ còn biết hy vọng rằng người phụ nữ đó rồi sẽ rơi vào một vụ án khác.

Phải mất 8 năm mới có trường hợp tiếp theo. Năm 2001, nhà buôn đồ cổ Josef Walzenbach 61 tuổi từ thành phố Freiburg im Breisgau bị giết. Ai đã thít cổ ông bằng một sợi thừng nhỏ và lấy đi một khoản tiền mà ông hiện giữ trong người? Trước khi rút lui, kẻ giết người còn treo ngoài cánh cửa tấm biển "Cửa hàng tạm đóng cửa". Dấu vân tay cũng không thấy - hình như kẻ xấu biết cách đối phó nên đeo găng tay. Trên đồ cổ, tay nắm cánh cửa, tấm biển và các đồ vật khác trong nhà thấy dấu vết của ADN y sì vụ Liselotte Schlenger. Thủ phạm nữ ấy là ai?

"Bây giờ chúng ta đã có hai vụ án mạng - Thanh tra Jurgen Brauer nhớ lại. - Gọi ngay đó là kẻ giết người hàng loạt thì còn khí sớm, nhưng ở hai vụ việc thấy có những nét chung. Kẻ gian đã lấy đi một khoản tiền không lớn lắm, cách thức gây án của tội phạm ở cả hai vụ án được thực hiện trong bối cảnh không có dấu hiệu của sự gãy, vỡ".

Thiếu chứng cứ nên thật khó phanh phui vụ giết người buôn đồ cổ theo phương thức "nóng". Mất 6 năm vụ án chìm trong quên lãng.

Cảnh sát Đức điều tra vụ án.

Tháng 4/2007 tại thành phố Heilbronn, nhân viên cảnh sát Michele Kiesewetter 22 tuổi bị chết, người đồng hành với cô phục vụ trong một đơn vị đấu tranh với ma túy rất tinh nhuệ. Ôtô tuần tra chở thi thể họ được tìm thấy tại bến xe họ đỗ trong thời gian nghỉ ăn trưa.

Các nhà điều tra phục hồi từng chi tiết nhỏ nhặt của sự kiện vừa xảy ra. 2 kẻ ác ngồi ở ghế sau ôtô đã gí súng xả đạn vào cảnh sát rồi chiếm đoạt luôn cả khóa còng tay và rút đi. Tất cả xảy ra nhanh như chớp khiến cho nạn nhân của chúng không kịp rút súng. Michele Kiesewetter chết ngay, người đồng hành của cô còn nằm mê man mấy tháng, khi mở được mắt, anh ta không thể nhớ chuyện gì đã xảy ra.

Tại ghế sau, trên bảng điều khiển ôtô tuần tra phát hiện được ADN của chính người phụ nữ nọ - nghi phạm trong vụ giết Liselotte Schlenger năm 1993 và Josef Walzenbach năm 2001. Jurgen Brauer rất kinh ngạc. Thít cổ nhà buôn đồ cổ cao tuổi để lấy tiền đã là một chuyện, còn lạnh lùng bắn vào cảnh sát lại là chuyện hoàn toàn khác. Viên thanh tra thú thực: "Tôi không thể tin nổi một người có khả năng thực hiện hai vụ ấy".

Cảnh sát bắt tay vào việc rất nghiêm túc - tìm kẻ giết đồng nghiệp của mình là vấn đề danh dự. Các nhà điều tra lục lọi hồ sơ của cả những tội phạm chưa được phát hiện có thể dính dáng đến người đàn bà nọ thì thấy một bức tranh kỳ lạ chưa từng thấy: trải qua 15 năm, ả đã gây ra hàng loạt tội phạm kích cỡ rất khác nhau không chỉ ở nước Đức mà còn ở nước khác, và lần nào cũng thoát. Đấy là người đàn bà tàng hình.

Sự trùng lặp đầu tiên là kết quả phân tích máu ở chiếc kim tiêm tại thành phố Gerolstein khi năm 2001 tìm người mẹ đích thực của một cậu bé 7 tuổi tình cờ giẫm vào kim tiêm ở sân chơi. Xét nghiệm ADN cho thấy kim tiêm có dấu vết ma túy vứt bởi chính người đàn bà từ Heilbronn. Hai tuần sau, chính ả bẻ khóa ở ven thị trấn Mainz và bỏ quên tại chỗ miếng bánh quy có vết răng và nước bọt.

 

Năm 2003, ADN đó lại tìm thấy trong một vụ trộm tại một văn phòng ở thành phố Dietzenbach. Ả đột nhập tòa nhà và mang đi một hộp sắt đựng những thứ lặt vặt không đáng kể. "Đó là tội phạm chuyên nghiệp, - thanh tra Günter Horn xác nhận. - Không để lại dấu ngón tay, chỉ có một tí màng da, không đủ căn cứ để kết luận vụ trộm liên quan đến người đàn bà tàng hình".

Một năm sau, ả tham gia vụ trấn hiệu vàng bạc của người Việt Nam tại thị trấn Arbois nước Pháp, trên khẩu súng đồ chơi dùng để dọa nạn nhân vẫn còn dấu vết ADN. Rồi thấy ả bỏ lại quần thể thao, áo len với mũ trùm đầu và những đồ vật khác trong một nhà kho hoang ở thành phố Tirol nước Áo.

Hiện trường nơi Michele Kiesewetter bị bắn.

Năm 2005, ả quay lại Đức, ADN của ả được phát hiện trên vỏ chai bia và cốc tại chỗ xảy ra vụ cướp quán bar ở thành phố Karlsruhe và tại vỏ đạn còn lại sau khi bắn nhau ở làng Digan Worms. Phát hiện này rất lạ, vì trong vụ bắn nhau đó không ai thấy bóng dáng phụ nữ.

Xem ra, nữ tội phạm tính đường trốn: gần hai chục trường hợp từ năm 2003 đến năm 2007, sau vụ giết người ở Heilbronn còn tìm thấy ADN của ả tại vài nhà kho ở Baden-Württemberg nước Đức. Tháng 3/2008, ả đột nhập ngôi nhà ở Niederstetten lấy đi bồn tắm đã lâu không dùng đến.

Gần 40 vụ mà không một nhân chứng, ả thích hành động vào ban đêm nên không ai thấy. Các điều tra viên giải thích: thỉnh thoảng ả có đồng bọn tham gia nhưng chúng mỗi lúc một khác, đã bắt được 3 tên, tên thứ nhất vốn người Slovakia, tên thứ hai từ Moldavi, tên thứ ba từ Serbia, cả 3 tên đều im như thóc.

 

Các điều tra viên người Áo giải thích đặc điểm gen này tiêu biểu ở Đông Âu và Nga. Một số dấu hiệu cho biết ả mắt xanh, tóc sáng màu, nhưng dự đoán không chắc chắn cho lắm. Ả nghiện ma túy, thình thoảng túng tiền nên ăn cắp vặt không thường xuyên, nhưng kết luận đó không phù hợp với tính chuyên nghiệp và thói cẩn thận phi tang. Qua 15 năm ả không mắc một sai sót nào.

Dấu vết ADN được tìm thấy ở khắp các nước Đức, Áo và Pháp, chứng tỏ ả sống đời du mục, một số giả thiết là ả vô gia cư hoặc là dân Digan. Thanh tra Günter Horn coi đó là giả thuyết vội vàng vì có nhiều cộng đồng di cư ở khắp châu Âu, chắc người đàn bà tàng hình này thuộc một băng đảng từ Đông Âu, vì bến xe nơi Michele Kiesewetter bị chết có đầy ôtô tải chở ma túy và hàng lậu.

Sau vụ giết người ở Heilbronn còn những vụ khác, nghi phạm người đàn bà tàng hình còn liên quan đến cái chết của cô y tá ở thị trấn Weinsberg và 3 doanh nhân ở Gruzia tìm thấy xác trên sông ở Heppenheim. Họ đến Đức để mua ôtô bị cảnh sát giữ. Nghi phạm là dân di cư từ Iraq làm môi giới, nhưng người này lại nói sự thật là họ bị giết bởi một người Hồi giáo khác từ Somalia mà ông ta có biết. Kiểm tra chiếc Ford sơn trắng của người Iraq thấy có ADN của vụ Heilbronn mà không ai giải thích được.

Vào tháng 11/2008, cảnh sát Đức đã tung ra 14 lượt người/giờ và trên 18 triệu USD, thử ADN của gần 3.000 người đàn bà vô gia cư nghiện ma túy, can tội nặng, thậm chí treo thưởng 300.000 euro cho người cung cấp thông tin để truy tìm kẻ giết người ở Heilbronn, nhưng chẳng ăn thua.

Các điều tra viên đi khắp châu Âu, kiểm tra từng giả thiết và cuối cùng mới tìm được nhân chứng. Xét theo gen, ả này nhúng tay vào vụ ăn trộm không thành ở Saarbrücken năm 2006, nhưng người được máy tính vẽ qua trí nhớ của các nhân chứng lại giống đàn ông, có mái tóc và chóm râu rất ngắn. Kẻ giết người mang dòng máu lưỡng tính chăng?

 

Nghiên cứu ADN.

Từ tháng 4/2008 các điều tra viên đã nghiên cứu giả thuyết rằng ADN của người đàn bà tàng hình tình cờ trùng với dấu vết trên hung khí của bọn phạm tội hình sự và trong trường hợp này thì người đàn bà đó không có tội, tất cả là do những con người khác thi hành. Mối nghi ngờ càng được khẳng định sau trường hợp một người chết trong đám cháy ở Pháp, ADN ở Heilbronn được tìm thấy tại vết vân tay anh ta làm vào năm 2002. Bởi vì anh ta là nam, còn kẻ giết người là nữ, nên phải thử lại, kết quả thấy khác và tương đối gần sự thật: bây giờ ADN là của người nam, không liên quan gì với ở Heilbronn.

Sai lầm như thế có thể xảy ra nếu như ADN nữ thấm vào tăm bông để phân tích. Vốn là, các cơ quan bảo vệ pháp luật Đức thường dùng tăm bông của một nhà sản xuất duy nhất ở thành phố Tissa bang Bayern. Hãng này vội giải thích rằng sản phẩm que bông là vô trùng nhưng không dùng để nghiên cứu vi sinh vật học nói chung, cụ thể là không dùng để thu thập ADN. Tuy tính khử trùng không giết vi sinh vật và virus, nhưng trên tăm có thể còn những phần thuộc làn da hoặc mồ hôi của người có khả năng ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Tăm bông của hãng chỉ phù hợp với những xét nghiệm y tế hoặc vệ sinh bình thường để kiểm tra thực phẩm.

Vậy thì ADN của người đàn bà tàng hình có thể thuộc một trong số công nhân nhà máy sản xuất tăm bông, họ thường đến Đức từ Đông Âu và phù hợp với miêu tả của các điều tra viên người Áo.

Tháng 4/2009 cảnh sát Đức tuyên bố đã tìm ra người đàn bà tàng hình - đó là cụ bà người Ba Lan 71 tuổi từng nhiều năm đóng gói tăm bông ở Tissa - bà không ngờ mình quá nổi tiếng trong giới hình sự như vậy. Còn Thư ký báo chí của cảnh sát Đức thì nói: "Đó là câu chuyện rất nhục nhã".

Vụ điều tra cái chết của Michele Kiesewetter phải bắt đầu từ con số không và thủ phạm thực sự của nó chỉ được tìm ra vào năm 2012.

 

Theo Đăng BẩyCảnh Sát Toàn Cầu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm