Houthi tổng kết 2019: Bắn hạ 7 chiến đấu cơ Mỹ, Saudi
Lực lượng Houthi tuyên bố tiêu diệt 4.000 'lính đánh thuê' cho Saudi Arabia / Houthi không dọa suông Israel
Saudi và Mỹ là nạn nhân
Theo Chuẩn tướng Yahya Sare'a, phát ngôn viên của lực lượng Houthi, trong năm qua, khả năng tấn công của lực lượng này đã được tăng lên 400% so với trước đây.
"Chúng tôi hoàn toàn có đủ trình độ và tiềm lực tài chính để tự chế tạo tên lửa để tích hợp chúng lên những máy bay tấn công không người lái tự phát triển.
Ngoài ra, hiện chúng tôi cũng đang sở hữu kho tên lửa lớn nhất từ trước đến nay với nhiều chủng loại khác nhau. Trong đó có cả những tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa tới ngàn km", tướng Yahya Sare'a nói.
Cùng với số vũ khí được tăng cường đáng kể, trong năm 2019, lực lượng Houthi đã lập được nhiêu chiến công lớn đó là bắn hạ được 7 chiến đấu cơ các loại, 9 máy bay trinh sát không người lái cùng 53 máy bay tấn công không người lái.
Điều đặc biệt theo tuyên bố của vị tướng này, trong 7 chiếc chiến đấu cơ bị bắn hạ phần lớn thuộc về Không quân Saudi Arabia và có cả một chiếc F-15 Mỹ. Tuy nhiên, ông Yahya Sare'a không nói rõ thời điểm diễn ra vụ đánh chặn này.
Kho vũ khí khổng lồ
Cùng với những vũ khí tự sản xuất, theo số liệu trang DEBKAfile thu thập được, ngay từ năm 2018, Iran đã bí mật chuyển số lượng lớn tên lửa đạn đạo Burkan cho lực lượng Houthi. Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm trung, đạt tầm phóng lên tới gần 1800km.
Iran đã cung cấp tên lửa hành trình siêu xa thế hệ mới Soumar cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon cũng như lực lượng Houthi tại Yemen.
Giới chuyên gia cho rằng, Iran đang tiến hành thử nghiệm tính năng tác chiến của tên lửa hành trình Soumar, sau khi họ lần đầu tiên ra mắt loại tên lửa này vào ngày 19/3/2015, sau khi đã mổ xẻ 6 quả tên lửa được mua chui từ Ukraine vào năm 2001.
Trong khi các quan chức Mỹ và đồng minh Trung Đông dường như coi thường loại tên lửa của Iran thì tờ Die Welt của Đức cho rằng, Soumar đã bắn hạ mục tiêu cách địa điểm phóng rất xa. Loại tên lửa này đã bay một hành trình hoàn hảo dài 600km trong vụ phóng thử vào năm 2015.
Hai năm sau, vào tháng 12/2017, quả tên lửa Soumar đầu tiên được phát triển từ nguyên mẫu Kh-55 đã có cuộc thử nghiệm tác chiến lần đầu tiên. Hoạt động này được thực hiện thông qua các vụ phóng tên lửa của lực lượng Houthis vào một mục tiêu trong lãnh thổ UAE hồi đầu tháng 12/2017.
Ngày 3/12, Houthi đã công bố video phóng một quả tên lửa Soumar vào nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng ở khu vực al-Barakah - Abu Dhabi, còn UAE tuyên bố đã đánh chặn thành công tên lửa Houthi. Tuy nhiên, theo giới quan sát, quả tên lửa này đã tự rơi ở đồn điền Al-Jawf ở phía bắc Yemen, gần biên giới với Saudi Arabia.
Loại tên lửa Soumar của Iran có phạm vi tấn công lên tới 2.500km và đạt tốc độ 860km/h; có khả năng bay ở độ cao rất thấp để thoát khỏi sự phát hiện. Quả tên lửa đã thất bại trong việc hướng tới mục tiêu đầu tiên của nó ở UAE nhưng trước sau gì thì Iran cũng thành công. Và khi đó, không chỉ đối thủ tại Trung Đông mà cả châu Âu cũng có thể nằm trong tầm ngắm của tên lửa hành trình Iran.
Một vũ khí sát thủ nữa của Iran có thể khiến bất kỳ đối thủ nào cũng phải ôm hận là dòng tên lửa đạn đạo chống hạm, loại chuyên dùng để tiêu diệt các hàng không mẫu hạm của đối phương.
Ngoài các tên lửa hành trình chống hạm kiểu Nga/Trung Quốc, tên lửa chống hạm mạnh nhất của Iran là loại tên lửa đạn đạo chống hàng không mẫu hạm có uy lực cực lớn được đặt tên là Khalije Fars (Persian Gulf).
Loại tên lửa này được chế tạo trên cơ sở tên lửa đạn đạo đất đối đất Conqueror-110. Loại tên lửa này được cho rằng phát triển trên cơ sở tên lửa đạn đạo DF-11 của Trung Quốc. Phiên bản chống hạm của loại tên lửa này bắt đầu được Iran thử nghiệm đầu năm 2011, đến nay, loại tên lửa này đã được đưa vào trang bị.
Theo các phương tiện truyền thông của Iran, loại tên lửa này có tốc độ siêu âm, mang đầu đạn nặng tới 650kg, có khả năng tấn công chính xác tuyệt vời, có khả năng đối phó với mọi phương tiện đánh chặn.
Với đầu đạn nặng gấp rưỡi các tên lửa chống hạm khác, tên lửa Persian Gulf có khả năng đánh chìm các tàu sân bay hạng trung và gây thiệt hại nặng cho các hàng không mẫu hạm khổng lồ của Mỹ, xứng đáng là "sát thủ tàu sân bay".
Sự phát triển như vũ bão các dòng tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa hành trình, đạn đạo chống hạm của Iran đã khiến các nước Arab hết sức lo lắng.
Iran đã biến Hezbollah và Houthi từ những lực lượng dân quân với các loại vũ khí nhẹ trở thành lực lượng vũ trang hùng mạnh, với khả năng tấn công rất mạnh bằng các loại tên lửa tối tân, nhằm mục đích kiềm chế các đối thủ của mình là Saudi Arabia, UAE và Israel.
Có thể nói rằng, Iran đã "phủ sóng" tên lửa khắp Trung Đông để đa dạng hóa mối đe dọa đối với các quốc gia thù địch.
Với phạm vi tấn công hàng ngàn km của các loại tên lửa này, giới chuyên gia cho rằng, Houthi không hề nói suông trong những tuyên bố của mình và điều này đã được chứng minh trong những cuộc tấn công nhằm vào liên quân Arap do Saudi đứng đầu trong thời gian qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo