Quốc tế

HQ-16B Trung Quốc sẽ "hất văng" Buk-M3 Nga khỏi thị trường vũ khí thế giới?

DNVN - Với tầm bắn 70 km tương đương Buk-M3 nhưng HQ-16B Trung Quốc lại có khả năng phóng thẳng đứng và được trang bị nhiều khí tài điện tử tối tân hơn, dự báo nó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới triển vọng xuất khẩu của tên lửa phòng không Nga.

Tiêm kích tàng hình F-35I Adir Israel phá hủy mục tiêu Iran trên đất Iraq? / Phải mua 'quái vật biến hình' Mỹ giá cao, chương trình 'góa phụ nhện đen' Thái Lan thất bại?

Hệ thống tên lửa phòng không di động tầm trung HQ-16 (Hồng Kỳ 16) do Trung Quốc sản xuất chính thức được giới thiệu trước công chúng vào tháng 9/2011.

Nhìn qua hình dáng bên ngoài có thể dễ dàng nhận thấy thiết kế của HQ-16 rất giống với Buk do Liên Xô/Nga chế tạo, đây là điều dễ hiểu vì chính Moskva là người đang trợ giúp chương trình vũ khí này của Trung Quốc.

HQ-16 có thể tiêu diệt mọi mục tiêu bay từ độ cao lớn đến cực thấp ở khoảng cách lên tới 42 km (tầm cao hiệu quả 400 - 10.000 m), nó có vai trò lấp kín khoảng trống chiến thuật giữa HQ-7 (tầm ngắn) và HQ-9 (tầm xa).

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 của Trung Quốc. Ảnh: China Defence.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 của Trung Quốc. Ảnh: China Defence.

Các thành phần của tổ hợp HQ-16 sử dụng khung gầm xe tải việt dã TA-5350 6x6, mang theo 6 tên lửa sẵn sàng phóng trong các container kín kiêm ống bảo quản xếp hành 2 hàng, phía sau cabine xe là trạm điều khiển.

Trong trạng thái chiến đấu, xe phóng được nâng lên khỏi mặt đất bởi 4 kích thủy lực, các ống phóng sẽ dựng 90 độ để có thể bắn tên lửa theo chiều thẳng đứng.

Tên lửa đánh chặn của HQ-16 có hình dáng rất giống 9M38 thuộc tổ hợp Buk-M1 với các thông số kỹ thuật cơ bản bao gồm chiều dài 5,01 m; đường kính 0,34 m; trọng lượng phóng 690 kg; mang đầu đạn nặng 70 kg; vận tốc tối đa Mach 3.

Tên lửa tiêu diệt được máy bay hoạt động trong dải độ cao 15 m - 18 km, tầm xa 42 km, hoặc tên lửa hành trình trong cự ly 3,5 - 12 km, độ cao 50 m và đang bay với vận tốc 300 m/s. Xác suất tiêu diệt mục tiêu của HQ-16 trong một phát bắn duy nhất đối với máy bay là 85%, hoặc giảm xuống 60% khi chống lại tên lửa hành trình.

 

Tên lửa đánh chặn của HQ-16 có 3 chế độ hoạt động, được dẫn quán tính giai đoạn đầu, tiếp theo nhận lệnh từ đài điều khiển và bật radar bán chủ động khi bước vào công kích. Phương thức dẫn đường của HQ-16 tiên tiến hơn so với Buk của Nga vì không đòi hỏi đài điều khiển phải can thiệp quá nhiều trong quá trình bay.

Radar tìm kiếm mục tiêu của tổ hợp HQ-16 là loại mảng pha quét thụ động đủ 3 tham số (3D), hoạt động trên băng tần S có tầm trinh sát 140 km, độ cao 20 km. Khi mục tiêu bị phát hiện, radar cảnh giới sẽ tự động đánh giá các mối đe dọa rồi cung cấp tham số về radar điều khiển hỏa lực để sẵn sàng đánh chặn.

Radar hỏa lực của HQ-16 làm việc trên băng tần L, tầm quét tối đa 85 km, bám bắt được 6 mục tiêu, theo dõi 4 trong số đó để dẫn đường cho 8 tên lửa tấn công cùng lúc. Sau khi nhận tham số từ radar cảnh giới, radar hỏa lực sẽ tiến hành giám sát và xác định rõ đối tượng, nó cũng kiểm soát việc phóng đạn và chiếu xạ sau khi tên lửa được kích hoạt.

Các thành phần khác của HQ-16 bao gồm xe chỉ huy, xe nguồn điện, xe nạp đạn, xe bảo dưỡng và thiết bị thử nghiệm tên lửa, mỗi xe radar hỏa lực sẽ phụ trách điều khiển 6 xe mang phóng tự hành.

Đạn tên lửa HQ-16B (trái) rất dễ nhận thấy phần đuôi tên lửa đã được kéo dài để nâng tầm bắn. Ảnh: China Defence.

Đạn tên lửa HQ-16B (trái) rất dễ nhận thấy phần đuôi tên lửa đã được kéo dài để nâng tầm bắn. Ảnh: China Defence.

 

Trung Quốc hiện đã đưa vào trang bị phiên HQ-16B được nâng cao hiệu suất và có tầm bắn lên tới 70 km, tức là tương đương Buk-M3 của Nga. Quan sát hình ảnh bên trái dễ dàng nhận thấy quả đạn được kéo dài phần chuôi nhằm tăng lượng nhiên liệu.

Tính năng của HQ-16B theo đánh giá còn có nhiều điểm ưu việt hơn Buk-M3 của Nga trong khi giá thành lại rẻ hơn rất nhiều, nó sẽ là đối thủ cạnh tranh quyết liệt với Buk-M3 trên thị trường vũ khí thế giới.

Có lẽ lúc này người Nga đang rất hối tiếc vì đã vô tình trợ giúp Trung Quốc quá nhiệt tình trong giai đoạn khó khăn thời hậu Xô Viết, để bây giờ ngành công nghiệp quốc phòng của họ phải lĩnh rất nhiều "quả đắng".

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm